menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thành Vương.

Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023 và triển vọng 2024

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã phục hồi tốt và ghi nhận những kết quả nổi bật nhờ sự hỗ trợ tích cực từ nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước và sự chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...

Tình hình kinh tế thế giới năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức với tốc độ phục hồi chậm, tăng trưởng kinh tế ở mức thấp, nhu cầu tiêu dùng giảm, nợ công tăng cao, lạm phát đã giảm nhưng không đồng đều; nhiều quốc gia vẫn duy trì thắt chặt chính sách tiền tệ… trong khi căng thẳng địa chính trị gia tăng tác động lớn đến chuỗi cung ứng, an ninh năng lượng, an ninh thực phẩm toàn cầu. Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam cũng đối diện với nhiều khó khăn trước “tác động kép” từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và hạn chế, thách thức bên trong. Tuy nhiên, nền kinh tế cho thấy xu hướng phục hồi và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực như: tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2023 ước tăng 5,05% so với năm 2022, lạm phát được kiểm soát hiệu quả, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 28 tỷ USD; tỷ lệ nợ công ở mức thấp dưới 4% GDP, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

NHỮNG DẤU ẤN NĂM 2023

Thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2023 nhận được sự hỗ trợ tích cực từ nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước và sự chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng cho thấy sự phục hồi tốt.

Thị trường cổ phiếu

Mặc dù, TTCK năm 2023 chứng kiến nhiều phiên biến động tăng giảm đan xen nhưng tính đến hết năm 2023, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.129,93 điểm, tăng 12,2% so với cuối năm 2022, chỉ số HNX Index đóng cửa ở mức 231,04 điểm, tăng 12,5% so với cuối năm 2022. Đây là mức tăng trưởng được nhận định tương đối khá so với các nước trong khu vực Đông Nam Á (chỉ số của TTCK của Thái Lan, Malaysia và Singapore lần lượt giảm 15,2%, 2,7% và 0,3%; TTCK Indonesia tăng nhẹ 6,2%) và châu Á (chỉ số TTCK Hồng Kông và Trung Quốc giảm 13,8% và 3,7%, Hàn Quốc có mức tăng 18,7%).

Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023 và triển vọng 2024

Thanh khoản thị trường diễn biến cùng chiều với diễn biến chỉ số, được cải thiện từ giai đoạn nửa cuối năm 2023. Quý 3/2023, thanh khoản tăng 80% so với giai đoạn nửa đầu năm. Tính chung cả năm 2023, giá trị giao dịch bình quân đạt 17.579 tỷ đồng/phiên, giảm 12,9% so với bình quân năm 2022.

Quy mô vốn hóa và quy mô niêm yết của thị trường cổ phiếu tiếp tục tăng, đạt mức vốn hóa là 5.937 nghìn tỷ đồng (tăng 13,6% so với cuối năm 2022, tương đương 58,1% GDP ước tính năm 2023) và quy mô niêm yết, đăng ký giao dịch đạt mức 2.128 nghìn tỷ đồng (tăng 7,3% so với cuối năm 2022). TTCK tính đến cuối năm 2023 có 739 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ (CCQ) niêm yết trên 2 Sở giao dịch chứng khoán và 862 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Trong bối cảnh chịu tác động lớn từ diễn biến phức tạp của thị trường tài chính và nền kinh tế, hoạt động huy động vốn qua TTCK Việt Nam vẫn khá tích cực, thể hiện tốt vai trò là kênh dẫn vốn trung và dài hạn hiệu quả cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Tổng giá trị huy động vốn qua thị trường chứng khoán năm 2023 đạt 418.271 tỷ đồng, tăng 33,5% so với năm 2022. Trong đó, huy động vốn qua chào bán cổ phiếu (bao gồm chào bán ra công chúng và phát hành riêng lẻ) và phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 95.171 tỷ đồng; huy động thông qua hoạt động đấu giá cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ thông qua sở giao dịch chứng khoán đạt hơn 273 tỷ đồng; huy động vốn cho ngân sách nhà nước qua đấu thầu trái phiếu chính phủ đạt 322.827 tỷ đồng.

Thông qua huy động vốn, các doanh nghiệp đã mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh giảm áp lực vay vốn ngân hàng; Chính phủ cũng huy động được thêm nguồn vốn để đẩy mạnh đầu tư công trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn bởi suy thoái kinh tế thời kỳ hậu hậu covid và xung đột địa chính trị thế giới.

Năm 2023 tiếp tục là năm có số lượng tài khoản nhà đầu tư mở mới tăng mạnh với 395.290 tài khoản so với năm 2022, đưa tổng số lượng tài khoản chứng khoán lên hơn 7,29 triệu tài khoản, tương đương 7,5% dân số, vượt mức 5% dân số theo mục tiêu được Chính phủ đưa ra trong Đề án Cơ cấu lại TTCK và Bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước đã góp phần hỗ trợ TTCK Việt Nam hồi phục và duy trì đà tăng trong nhiều phiên khi nhà đầu tư nước ngoài không ngừng bán ròng từ tháng 4 đến hết năm 2023 (hình 1).

Thị trường trái phiếu niêm yết

Thị trường trái phiếu niêm yết (bao gồm trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp) tính đến cuối tháng 12/2023 có 460 mã trái phiếu niêm yết (trong đó 392 mã trái phiếu Chính phủ và 68 mã trái phiếu doanh nghiệp) với tổng giá trị niêm yết đạt hơn 2.030 nghìn tỷ đồng, tăng 16,5% so với năm 2022 (tương đương 20% GDP ước tính năm 2023) (hình 2).

Về quy mô giao dịch, giá trị giao dịch bình quân của các công cụ nợ trong tháng 12/2023 đạt hơn 13.370 tỷ đồng/phiên, tăng 119% so với giá trị giao dịch bình quân tháng 11 (mức 6.105 tỷ đồng/phiên). Tuy nhiên, tính chung cả năm 2023, giá trị giao dịch bình quân đạt 6.862 tỷ đồng/phiên, giảm 15% so với bình quân năm 2022. Trong đó, thanh khoản của thị trường trái phiếu chính phủ giảm 15,2% so với bình quân năm 2022 ở mức 6.516 tỷ đồng/phiên.

Nguyên nhân là vì động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lên mức cao nhất trong 22 năm trở lại đây, đồng thời lợi suất trái phiếu chính phủ toàn cầu đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 1 thập kỷ đã khiến dòng vốn gián tiếp rút mạnh khỏi các thị trường mới nổi, đặc biệt là các thị trường Đông Nam Á. Tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 4.125 tỷ đồng trái phiếu chính phủ trong năm 2023.

Năm 2023 cũng là năm đánh dấu hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chính thức đi vào hoạt động, góp phần quan trọng giúp thị trường này phát triển theo hướng công bằng, công khai, bền vững hơn. Trong 6 tháng cuối năm 2023, sau khi vận hành hệ thống giao dịch, giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đã tăng gấp 3,68 lần so với tổng giá trị phát hành 6 tháng trước đó. Tính đến cuối năm 2023, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đạt 1.033.170 tỷ đồng, tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt hơn 218.000 tỷ đồng với giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 1880 tỷ đồng/phiên.

Thị trường chứng khoán phái sinh và chứng quyền

TTCK phái sinh bước sang năm hoạt động thứ 6, hiện có 3 sản phẩm giao dịch bao gồm: hợp đồng tương lai (HĐTL) chỉ số VN30, hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ 5 năm và hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ 10 năm. Trong đó, sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN 30 vẫn là sản phẩm giao dịch sôi động nhất với tổng khối lượng giao dịch (KLGD) năm 2023 đạt gần 58.590.000 hợp đồng, khối lượng giao dịch bình quân đạt 235.300 hợp đồng/phiên, giảm 14% so với năm 2022 - đây vẫn là mức giao dịch bình quân năm cao thứ nhì chỉ sau mức cao nhất trong năm 2022.

Khối lượng hợp đồng mở (OI) của hợp đồng tương lai VN30 tại thời điểm cuối năm 2023 đạt 56.936 hợp đồng, tăng 14% so với cuối năm 2022. Trong năm 2023, khối lượng giao dịch cao nhất đạt 452.290 hợp đồng tại phiên giao dịch ngày 7/3/2023 và OI cao nhất là 71.190 hợp đồng được ghi nhận vào ngày 30/3/2023.

Thị trường chứng khoán phái sinh thu hút sự tham gia ngày càng tích cực của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Số lượng các tài khoản giao dịch mở trên thị trường chứng khoán phái sinh tiếp tục tăng kể từ thời điểm khai trương thị trường năm 2017 đến năm 2020 và tăng trưởng nhanh vào năm 2021. Tính đến thời điểm cuối năm 2023, số lượng tài khoản trên TTCK phái sinh đạt gần 1,5 triệu tài khoản (tương đương 20% số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán cơ sở) và tăng 8,5 lần so với năm 2020.

Cơ cấu nhà đầu tư có sự dịch chuyển theo hướng tích cực hơn giữa nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư tổ chức trong nước. Nếu như năm 2019, tỷ trọng tham gia của nhà đầu tư cá nhân trong nước là 92,51% và nhà đầu tư tổ chức trong nước là 7,03% thì trong năm 2023, các tỷ lệ này là 67,79% và 29,93%. Điều này cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư tổ chức trong nước đã gia tăng đối với thị trường chứng khoán phái sinh.

Hệ thống các thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh cũng phát triển nhanh chóng, từ 7 công ty chứng khoán thành viên khi mới khai trương thị trường, đến nay đã có 24 công ty chứng khoán thành viên. Các công ty chứng khoán thành viên này đều có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu tối thiểu từ 900 tỷ đồng trở lên.

Bên cạnh đó, thị trường chứng quyền đã phát triển được 4 năm kể từ khi ra mắt và đạt được những kết quả khả quan, trung bình mỗi năm thị trường có 8 - 10 công ty chứng khoán tham gia phát hành chứng quyền, với số mã chứng quyền cung ứng ra thị trường trung bình khoảng 200 mã/năm. Tính đến cuối năm 2023, thị trường có 229 mã chứng quyền niêm yết với khối lượng niêm yết là 1.932,1 triệu chứng quyền, tương ứng 2.898 tỷ đồng. Tính chung cả năm 2023, khối lượng giao dịch bình quân đạt 32.746.320 chứng quyền/phiên, tăng 1% so với bình quân năm trước và giá trị giao dịch đạt 28,61 tỷ đồng/phiên, tăng 34,1% so với bình quân năm trước.

Hoạt động của các công ty niêm yết

Tính đến ngày 31/1/2024, TTCK có 966 công ty niêm yết và công ty đại chúng quy mô lớn thực hiện đăng ký công bố Báo cáo tài chính (BCTC) quý 4/2023 qua hệ thống công bố thông tin điện tử của Ủy ban chứng khoán Nhà nước. Trong số các doanh nghiệp này, có 762/966 công ty báo cáo có lãi, chiếm 79%, cao hơn mức ghi nhận cùng kỳ năm 2022 là 74%. Nếu tính riêng các công ty niêm yết, có 522/762 công ty báo cáo có lãi, chiếm 69% tổng số công ty có lãi tại thời điểm thực hiện báo cáo tương đương tỷ lệ công ty báo lãi quý 4/2022.

Nhìn chung, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các công ty niêm yết và công ty đại chúng quy mô lớn vẫn còn khó khăn, tổng doanh thu thuần lũy kế năm 2023 và tổng lợi nhuận sau thuế lũy kế năm 2023 (chưa kiểm toán) của các công ty giảm lần lượt là 3,18% và 8,84% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động quản trị công ty niêm yết mặc dù được cải thiện nhưng còn chưa cao, một số công ty niêm yết chưa đảm bảo cơ cấu, số lượng thành viên hội đồng quản trị độc lập, chưa quy định tại Quy chế nội bộ về quản trị công ty việc áp dụng công nghệ thông tin hiện đại để cổ đông có thể tham dự và phát biểu ý kiến tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thông qua họp trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc hình thức điện tử khác.

Hoạt động của các tổ chức trung gian

Trong năm 2023, Bộ Tài chính (Ủy ban chứng khoán Nhà nước) tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát để xử lý, tiến hành tái cấu trúc các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ. Tính đến cuối năm 2023, thị trường có 82 công ty chứng khoán và 43 công ty quản lý quỹ đang hoạt động với tổng doanh thu các công ty chứng khoán đạt 67.883 tỷ đồng, tăng 28,75% so với năm 2022; tổng lợi nhuận sau thuế của các công ty chứng khoán đạt 16.964 tỷ đồng, tăng 19,39%.

Tổng giá trị tài sản quản lý (AUM) tại 43 công ty quản lý quỹ tại thời điểm cuối tháng 12/2023 đạt 639 nghìn tỷ đồng, tăng gần 16% so với thời điểm cuối năm 2022. Hoạt động kinh doanh của các công ty quản lý quỹ ổn định, có lãi, nhiều công ty đã huy động thêm được các quỹ đầu tư chứng khoán mới, qua đó góp phần ổn định, phát triển thị trường lành mạnh với vai trò dẫn dắt của các nhà đầu tư tổ chức.

Hoàn thiện thể chế, khung pháp lý…

Ngoài những kết quả đạt được về mặt hoạt động, năm 2023 cũng đánh dấu những thành quả trong công tác hoàn thiện thể chế, hệ thống khung pháp lý và chính sách cho TTCK. Thực hiện Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 11/10/2023 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030, trong đó giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan xây dựng báo cáo rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán hoàn thành năm 2025. Ủy ban chứng khoán Nhà nước phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục tổ chức rà soát, báo cáo tổng thể tình hình thực hiện Luật Chứng khoán 2019 và đã xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 hướng dẫn Luật Chứng khoán trình Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, trong năm 2023, Bộ Tài chính cũng đã hoàn tất việc ban hành 3 Thông tư hướng dẫn về đăng ký, lưu ký, thực hiện quyền, chuyển quyền sở hữu, thanh toán giao dịch và tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chào bán riêng lẻ tại thị trường trong nước (Thông tư số 30/2023/TT-BTC ngày 17/5/2023) ; Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 57/2021/TT-BTC ngày 12/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định lộ trình sắp xếp lại thị trường giao dịch cổ phiếu, thị trường giao dịch trái phiếu, thi trường giao dịch chứng khoán phái sinh và thị trường giao dịch các loại chứng khoán khác (Thông tư số 69/2023/TT-BTC ngày 15/11/2023) và Thông tư sửa đổi Thông tư về phương pháp tính khoản thu trái pháp luật (Thông tư số 73/2023/TT-BTC ngày 19/12/2023).

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký ban hành Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 ngày 29/12/2023 (Quyết định số 1726/QĐ-TTg) là căn cứ quan trọng để toàn ngành chứng khoán xây dựng các mục tiêu, định phướng và các giải pháp phát triển TTCK trong thời gian tới.

Hoạt động giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm cũng được đẩy mạnh nhằm đảm bảo thị trường hoạt động an toàn và lành mạnh. Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã phối hợp chặt chẽ với các sở giao dịch chứng khoán, các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý khác trong tăng cường giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm.

Trong năm 2023, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã chủ trì tổ chức triển khai 78 đoàn thanh, kiểm tra bao gồm 52 đoàn thanh tra, kiểm tra định kỳ và 26 đoàn kiểm tra đột xuất, ban hành 475 quyết định xử phạt với tổng số tiền phạt 42,9 tỷ đồng. Một số vụ việc điển hình đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự đã được cơ quan điều tra khởi tố như: vụ án thao túng cổ phiếu FLC, vụ án thao túng cổ phiếu TGG và BII thuộc nhóm Louis Holding, thao túng cổ phiếu API, APS và IDJ thuộc nhóm APEC.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động trên TTCK Việt Nam trong năm 2023 còn tồn tại một số hạn chế như: hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi đã ảnh hưởng đến tính công bằng, toàn vẹn của TTCK; tính tuân thủ của một số doanh nghiệp niêm yết cần được cải thiện hơn do còn tồn tại các vi phạm về nghĩa vụ công bố thông tin, báo cáo tài chính; cơ cấu nhà đầu tư đã được cải thiện nhưng đa phần vẫn là các nhà đầu tư cá nhân chiếm đa số khiến TTCK phát triển thiếu tính bền vững, dễ biến động.

Công tác giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm được triển khai quyết liệt, đưa một số vụ việc chuyển cơ quan chức năng để góp phần gìn giữ kỷ cương, kỷ luật thị trường; tuy nhiên hoạt động này cần tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giám sát để nâng cao chất lượng giám sát và xử lý kịp thời các vi phạm; số lượng các sản phẩm phái sinh và các loại chứng chỉ quỹ còn chưa nhiều, đặt ra yêu cầu cần thiết phải đa dạng hóa sản phẩm đặc biệt khi hệ thống công nghệ thông tin mới đi vào vận hành trong thời gian tới.

TRIỂN VỌNG PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN năm 2024

Trước những bất ổn của thế giới (xung đột địa chính trị diễn biến phức tạp, kéo dài và chưa được giải quyết; nhiều nước gặp khó khăn trong việc kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và các nền kinh tế lớn thấp hơn trong năm 2024...), kinh tế Việt Nam nói chung và TTCK nói riêng được dự đoán còn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Các nhà đầu tư chuyển sang tâm lý thận trọng hơn trong các hoạt động đầu tư tài chính.

Tuy nhiên, TTCK Việt Nam vẫn có tiềm năng tăng trưởng khi một số yếu tố tích cực tiếp tục được duy trì. Theo Báo cáo Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 1/2024, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam đạt mức 50,3 điểm, tăng so với mức 48,9 điểm của tháng 12/2023 cho thấy hoạt động sản xuất đang phục hồi trở lại. Các yếu tố nền tảng vĩ mô và cân đối lớn cơ bản được giữ vững, trong tầm kiểm soát, các hoạt động kinh tế, tiêu dùng nội địa và du lịch quốc tế dần được khôi phục.

Nhiều tổ chức quốc tế đưa ra dự báo khả quan về triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam như: Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,3% vào năm 2024 và 7,0% vào năm 2025; Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 ở mức 5,8%, trong nhóm 20 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới; Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) trong Báo cáo Dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu quý 4 (tháng 12/2023) đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 là 5%, cao hơn so với con số tăng trưởng 4,7% cho năm 2023.

Ngoài ra, chỉ số P/E của TTCK Việt Nam hiện đang ở khoảng 14 lần và được đánh giá đang ở mức hấp dẫn. Các yếu tố trên cho thấy TTCK Việt Nam vẫn còn tiềm năng tăng trưởng trong trung và dài hạn.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

Năm 2024, Ủy ban chứng khoán Nhà nước sẽ tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm để thúc đẩy phát triển TTCK theo hướng bền vững.

Một, về khung pháp lý, thể chế: Bộ Tài chính (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) thực hiện rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc, từ đó khôi phục niềm tin và đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững của TTCK. Trong năm 2024 sẽ hoàn thành Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định 155/2020/NĐ-CP và ban hành Quyết định về Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 nhằm sớm triển khai nhiều giải pháp phát triển TTCK, phấn đấu đạt được các mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược.

Hai, đẩy mạnh các giải pháp nhằm nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng của các tổ chức quốc tế. Trong thời gian qua, Chính phủ, Bộ Tài chính đã rất quyết tâm trong việc nâng hạng TTCK, thể hiện ở việc chỉ đạo Uỷ ban chứng khoán Nhà nước nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm đáp ứng các tiêu chí về nâng hạng.

Ba, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin trên thị trường: đẩy nhanh tiến độ đưa vào vận hành hệ thống công nghệ thông tin KRX nhằm tạo điều kiện triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới trên TTCK và bảo đảm thị trường vận hành thông suốt, liên tục, an toàn, hiệu quả. Xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện ứng dụng công nghệ của Ủy ban chứng khoán Nhà nước theo hướng hiện đại, hiệu quả để thực hiện quản lý giám sát TTCK. Tổ chức vận hành hiệu quả các hệ thống thông tin chuyên dùng hỗ trợ các thành viên thị trường, công ty đại chúng và nhà đầu tư nước ngoài thực hiện báo cáo và công bố thông tin điện tử.

Bốn, tiếp tục công tác tái cấu trúc, tổ chức lại TTCK theo đề án thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam theo hướng hiệu quả, hạn chế rủi ro và phù hợp với thông lệ quốc tế. Năm 2024 sẽ triển khai việc sắp xếp lại các bảng giao dịch cổ phiếu trên 2 Sở Giao dịch chứng khoán (Hà Nội và TP.HCM) theo lộ trình quy định tại Thông tư số 57/2021/TT-BTC ngày 21/7/2021 và Thông tư số 69/2023/TT-BTC ngày 15/11/2023 sửa đổi Thông tư 57/2021/TT-BTC...

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả