24HMoney
Thông báo
menu
menu

Lĩnh vực: Chứng khoán

Giải thích thuật ngữ

P/E

P/E là hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu. P/E (viết tắt của cụm từ Price to Earning Ratio trong tiếng Anh), là chỉ số tài chính dùng để đánh giá mối liên hệ giữa thị giá hiện tại của một cổ phiếu (giá cổ phiếu đang giao dịch trên thị trường chứng khoán) và tỷ số thu nhập trên cổ phần, nó cho biết nhà đầu tư sẵn sàng trả giá bao nhiêu cho một cổ phiếu trên thị trường chứng khoán ở tại thời điểm đó. 

Tỷ số P/E được tính bằng cách lấy giá thị trường chia cho thu nhập bình quân trên một cổ phần mà doanh nghiệp phải phân chia lợi nhuận cho nhà đầu tư. Chỉ số P/E thường dùng trong phân tích, chọn lọc cổ phiếu tốt để đầu tư. Chỉ số này càng thấp càng chứng tỏ mức giá của cổ phiếu đó đang rẻ. Theo kinh nghiệm, những cổ phiếu có chỉ số P/E dưới 10 thì được coi là đang ở mức giá hấp dẫn.

Ví dụ: Nếu giá một cổ phiếu cuả công ty cổ phần dược Hậu Giang mã DHG là 75.000 đồng và thu nhập của mỗi cổ phiếu là 7.500đ (gọi là EPS) thì chỉ số P/E sẽ là 10 (75.000/7.500). điều này có nghĩa là nhà đầu tư sẵn sàng trả 10đ cho mỗi 1đ lợi nhuận của công ty kiếm được.

Nếu Chỉ số P/E giảm xuống còn 8 có nghĩa là nhà đầu tư chỉ trả 8đ cho mỗi 1đ lợi nhuận.

Chỉ số P/E truyền thống - tức là tỷ lệ P/E mà bạn vẫn thấy hàng ngày trên các tạp chí chứng khoán - còn gọi là chỉ số P/E hiện tại.

Để tính chỉ số P/E này người ta lấy giá cổ phiếu chia cho lợi tức cổ phiếu của 12 tháng gần nhất

Tìm hiểu chi tiết về chỉ số P/E trong bài viết sau:

1. Chỉ số P/E là gì?

Chỉ số P/E (viết tắt của cụm từ tiếng Anh: “Price to Earning ratio”) là chỉ số được sử dụng để đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu (Price) và thu nhập trên cổ phiếu đó (Earning Per Share).

Đây là một trong những công cụ được sử dụng rộng rãi nhất để các nhà đầu tư và nhà phân tích xác định giá trị tương đối của cổ phiếu. Tỷ lệ P/E giúp bạn xác định xem một cổ phiếu được định giá quá cao hay quá thấp so với lợi nhuận mà cổ phiếu đó tạo ra. P/E của một công ty cũng có thể được so sánh với các cổ phiếu khác trong cùng ngành hoặc so với thị trường rộng lớn hơn.

2. Cách tính chỉ số P/E

Chỉ số P/E được tính bằng công thức sau đây:

P/E là gì? Định nghĩa, khái niệm, giải thích ý nghĩa, ví dụ mẫu - 24HMoney

Trong đó:

  • Thị giá cổ phiếu: Là giá thị trường của cổ phiếu tại thời điểm giao dịch.
  • Thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS): Là thu nhập (hay lợi nhuận ròng) của một cổ phiếu. EPS thể hiện phần lợi nhuận mà nhà đầu tư nhận được trên mỗi cổ phiếu sở hữu từ doanh nghiệp mà họ đầu tư. Con số này cũng phản ánh khả năng tạo ra lợi nhuận của doanh nghiệp.

Công thức tính EPS như sau:

EPS = (Lợi nhuận sau thuế – Cổ tức cổ phiếu ưu đãi) / Tổng số cổ phiếu thường đang lưu hành)

Ví dụ minh họa:

  • Cổ phiếu của công ty A đang được giao dịch trên thị trường chứng khoán với giá 100.000 đồng.
  • Thu nhập trên mỗi cổ phiếu A (EPS) theo số liệu từ báo cáo tài chính của công ty A là: 10.000 đồng.
  • Như vậy, chỉ số P/E = 100.000 / 10.000 = 10.

3. Ý nghĩa của chỉ số P/E

Chỉ số P/E thể hiện mức giá mà nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra để đổi lấy một đồng lợi nhuận thu được từ cổ phiếu.

P/E là gì? Định nghĩa, khái niệm, giải thích ý nghĩa, ví dụ mẫu - 24HMoney

Chỉ số P/E thể hiện mức giá mà nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra để đổi lấy một đồng lợi nhuận thu được từ cổ phiếu.

Quay trở lại ví dụ phía trên, chỉ số P/E bằng 10 nghĩa là nhà đầu tư sẵn sàng trả 10 đồng cho mỗi 1 đồng lợi nhuận từ cổ phiếu A.

Từ ý nghĩa này mà P/E được sử dụng như một công cụ hiệu quả, giúp các nhà đầu tư xem xét giá cổ phiếu của công ty hiện tại có phù hợp hay không.

  • P/E cao nghĩa là giá cổ phiếu của công ty đang được đánh giá cao hơn lợi nhuận. Giá cổ phiếu đó được coi là đắt.
  • P/E thấp nghĩa là giá cổ phiếu của công ty thấp hơn so với lợi nhuận và được coi là rẻ, có tiềm năng tăng giá trong tương lai.
  • Ngoài ra, nhà đầu tư còn dùng P/E để phân tích tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng cao hay lợi nhuận cho cổ đông lớn thì P/E sẽ cao. Ngược lại, nếu doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng thấp hay gặp vấn đề về tài chính thì P/E thường thấp. Bạn
  • cũng có thể dùng chỉ số này để so sánh giữa các công ty tương đồng hoặc so sánh với mức trung bình của chính công ty đó trong quá khứ nhằm xem xét, đánh giá hoạt động và sự phát triển của công ty.

4. Định giá cổ phiếu theo phương pháp P/E

Định giá cổ phiếu theo phương pháp P/E là một trong những phương pháp định giá phổ biến nhất, có thể áp dụng với mọi cổ phiếu ở các ngành nghề khác nhau.

Được xây dựng trên cơ sở so sánh chỉ số P/E của doanh nghiệp tương đồng, nhà đầu tư có thể dùng phương pháp này để tìm ra giá trị của cổ phiếu mình quan tâm.

Khi áp dụng phương pháp P/E, bạn cần phải đặc biệt lưu ý rằng: Chỉ số P/E chỉ có tác dụng thực sự khi chúng được so sánh giữa các doanh nghiệp có cùng hoàn cảnh, cùng điều kiện sản xuất - kinh doanh (các doanh nghiệp tương đồng). Ví dụ, bạn so sánh P/E của một công ty may mặc với P/E của một công ty điện lực là điều vô nghĩa.

Khi các điều kiện này như nhau thì hệ số P/E của cổ phiếu nào càng thấp sẽ càng tốt. Tuy nhiên, khi phân tích P/E, bạn cũng cần quan tâm đến các góc độ sau:

  • Công ty có phát triển nhanh hay không?: Nếu doanh nghiệp chỉ tăng trưởng 5-7% mà P/E vẫn ở mức cao thì tức là giá cổ phiếu đó đang quá cao.
  • Mức độ lạm phát, lãi suất trái phiếu hiện tại đang diễn biến ra sao?: Thông thường, chỉ số P/E sẽ tỷ lệ nghịch với hai yếu tố trên.
  • Xem xét các yếu tố rủi ro của doanh nghiệp như: rủi ro về nợ, khả năng xâm nhập ngành, hay rủi ro về quản trị…Những điều này sẽ ảnh hưởng đến chỉ số P/E trong tương lai.
  • Xác định xem công ty đó có kinh doanh theo chu kỳ hay không? Nếu có thì nhà đầu tư cần đánh giá P/E theo đúng thời kỳ thay vì so sánh 2 kỳ khập khiễng với nhau.

5. Ưu - nhược điểm của chỉ số P/E

Tương tự các chỉ số tài chính khác, P/E cũng có những ưu điểm và hạn chế nhất định mà nhà đầu tư cần lưu ý.

P/E là gì? Định nghĩa, khái niệm, giải thích ý nghĩa, ví dụ mẫu - 24HMoney

P/E cũng có những ưu điểm và hạn chế nhất định mà nhà đầu tư cần lưu ý.

Ưu điểm

Tính toán khá đơn giản

Bạn có thể dễ dàng tính được hệ số P/E của doanh nghiệp chỉ bằng vài bước đơn giản. Chỉ số này thường được các nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường chứng khoán áp dụng.

Là công cụ hỗ trợ định giá cổ phiếu hiệu quả

Hệ số P/E vừa phản ánh kết quả hoạt động của công ty (thông qua EPS) vừa phản ánh tâm lý thị trường (thông qua giá trị giao dịch của cổ phiếu). Vì vậy, đây là chỉ số tuyệt vời để định giá doanh nghiệp một cách đơn giản nhất.

Nhược điểm

P/E có thể âm

Công ty hoạt động kém hiệu quả, xảy ra lỗ (làm cho EPS âm) sẽ dẫn tới chỉ số P/E âm và nhà đầu tư không sử dụng được. Bạn phải sử dụng công cụ khác để thay thế.

P/E dễ biến động và có thể bị bóp méo

P/E chịu ảnh hưởng bởi EPS. Trong khi đó, EPS được tính dựa trên lợi nhuận của doanh nghiệp. Lợi nhuận là yếu tố dễ biến động, và dễ bị điều chỉnh thông qua các nghiệp vụ kế toán.

Vì vậy, chỉ số P/E cũng dễ thay đổi theo. Nhà đầu tư nên đánh giá P/E qua thời gian dài từ 3 - 5 năm thay vì 1 năm.

P/E không có ý nghĩa khi so sánh giữa các doanh nghiệp không tương đồng

Các doanh nghiệp với lĩnh vực kinh doanh và điều kiện khác nhau sẽ có chỉ số P/E khác nhau. Việc so sánh 2 công ty không có gì liên quan đến nhau sẽ là vô nghĩa. Vì vậy, bạn cần so sánh chỉ số này giữa các công ty tương đồng và so với trung bình của ngành để tìm ra cổ phiếu tiềm năng nhất.

P/E không thể giúp nhà đầu tư đánh giá chính xác tiềm năng của một cổ phiếu

Tương tự các chỉ số tài chính khác, bạn không thể dựa vào riêng P/E để đánh giá sức khỏe tài chính của doanh nghiệp cũng như tiềm năng của cổ phiếu.

Do đó, để tránh rủi ro, bạn nên kết hợp chỉ số này với các tiêu chí đánh giá khác trước khi ra quyết định đầu tư.

6. Những yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số P/E

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số P/E. Trong đó, những yếu tố chính bao gồm:

Giá trị giao dịch của cổ phiếu trên thị trường chứng khoán

Giá của cổ phiếu chính là yếu tố cấu thành nên P/E. Sự thay đổi của P/E tỷ lệ thuận với sự biến động giá thị trường của cổ phiếu đó.

Chính sách chi trả cổ tức của doanh nghiệp

Doanh nghiệp có chính sách cổ tức tốt (lãi suất cao, chi trả thường xuyên với chu kỳ ngắn…) sẽ thu hút nhà đầu tư. Họ có thể sẵn sàng bỏ ra số tiền cao hơn để mua cổ phiếu của công ty đó, dẫn đến P/E tăng.

Tiềm năng phát triển của doanh nghiệp

Nếu nhận thấy doanh nghiệp có tiềm năng phát triển trong tương lai như: có dự án mới, phát triển sản phẩm/dịch vụ mới, có thêm nhiều đối tác uy tín, nổi tiếng…nhà đầu tư cũng sẽ sẵn sàng bỏ nhiều tiền hơn mua cổ phiếu của doanh nghiệp đó, làm tăng P/E.

Nợ phải trả của doanh nghiệp

Thông thường, các nhà đầu tư sẽ có cái nhìn tiêu cực về nợ phải trả của doanh nghiệp. Khi đó, họ có thể trả giá cổ phiếu thấp hơn do lo ngại rằng doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ giảm trong tương lai, dẫn tới P/E giảm.

Ngoài những yếu tố kể trên, chỉ số P/E còn bị tác động bởi các yếu tố kinh tế vĩ mô. Bất kỳ biến động nào của thị trường cũng có thể ảnh hưởng tới chỉ số này như: lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp, giá vàng,...

Bài viết được đóng góp bởi chuyên gia: Nguyễn Thanh Minh

Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả