Giong buồm ra khơi: Loạt doanh nghiệp trên sàn rót hàng triệu USD ra nước ngoài
Lẽ thường, khi một doanh nghiệp đủ lớn mạnh cũng là lúc giấc mơ của họ bay xa. Năm 2024 chứng kiến một loạt doanh nghiệp muốn vươn mình ra biển lớn, đặc biệt trong những tháng cuối năm, với các kế hoạch rót hàng triệu USD ra thị trường nước ngoài.
Mới đây, vào đầu tháng 12, Tập đoàn PC1 (HOSE: PC1) đã thông qua việc góp 99.98% vốn thành lập công ty con tại Philippines để làm nhà máy điện gió. Trước đó, vào ngày 9/10, tại thủ đô Manila, Philippines, Tập đoàn đã ký hợp đồng tổng thầu EPC nhà máy điện gió Camarines Sur, công suất 58.5MW, cùng đối tác là Công ty SPV Cornerstone Energy Development, Inc. (CEDI) - liên danh giữa Aboitiz Power Corporation (doanh nghiệp Philippines về đầu tư năng lượng) và Mainstream Renewable Power (doanh nghiệp đầu tư các nhà máy điện gió trên thế giới).
PC1 cho biết, việc ký hợp đồng tổng thầu thành công tại Philippines với các chủ đầu tư là các tập đoàn hàng đầu về đầu tư năng lượng trong khu vực và trên thế giới qua nhiều vòng thẩm định và đánh giá khắt khe, cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay hoàn toàn có đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm và sự tự tin tham gia vào chuỗi giá trị cạnh tranh toàn cầu.
Thực tế, khi một doanh nghiệp đủ lớn mạnh cũng là lúc giấc mơ của họ bay xa. Năm 2024 chứng kiến một loạt doanh nghiệp muốn vươn mình ra biển lớn, đặc biệt trong những tháng cuối năm, với các kế hoạch rót hàng triệu USD sang thị trường nước ngoài.
Tôn Đông Á tiến vào Indonesia
Theo nghị quyết ngày 19/11, Tôn Đông Á (UPCoM: GDA) có ý định góp 25 tỷ đồng (khoảng 1 triệu USD) để mở một công ty tại Indonesia, lấy tên PT Indo Vina Steel để kinh doanh thép cuộn, tương đương nắm 51% vốn điều lệ. Đối tác góp vốn chưa được tiết lộ.
Việc mở rộng ra khu vực Đông Nam Á đã được cổ đông GDA thông qua tại đại hội thường niên 2024 trước đó với lộ trình đầu tư kéo dài 4-6 năm.
Tiền góp vốn vào công ty Indonesia không phải là vấn đề lớn đối với doanh nghiệp tôn 26 năm tuổi, nếu so với hơn 3.5 ngàn tỷ đồng tài sản thanh khoản cao đang nắm giữ, bao gồm tiền gửi ngân hàng, đầu tư trái phiếu… (tính đến cuối quý 3/2024). Doanh nghiệp cho biết, đã có kế hoạch đầu tư xây nhà máy sản xuất các sản phẩm sau thép trong nước, ước tính cần 10 ngàn tỷ đồng cho 4 giai đoạn kéo dài 6-8 năm. GDA dự kiến thành lập thêm công ty TNHH và góp vào không thấp hơn 70% vốn.
Liên doanh 700 ngàn USD của PVD tại Indonesia
Ngày 18/11, HĐQT PV Drilling (HOSE: PVD) thông qua nghị quyết góp vốn thành lập công ty liên doanh tại Indonesia với tên gọi PetroVietnam Drilling Indonesia (PT PVD Indo), vốn điều lệ 700,000 USD, có vai trò cung cấp dịch vụ khoan và dịch vụ kỹ thuật giếng khoan cho các công ty dầu khí tại Indonesia.
Trong số vốn 700 ngàn USD, PVD và PT Quest Semesta Raya mỗi bên góp 40%, còn lại ông Yosep Arianto góp 20%. Công ty đăng ký kinh doanh tại Indonesia, hoạt động 10 năm kể từ khi thành lập và có thể kéo dài thêm khi các bên đồng ý.
Thực tế, đây không phải lần đầu công ty khoan dầu của PVN có mặt tại Indonesia. Doanh nghiệp đã hoạt động tại đất nước vạn đảo từ tháng 12/2022 đến nay, với văn phòng điều hành tại Jakarta thành lập vào tháng 7/2023. Khách hàng lớn nhất tại nước này là Pertamina Hulu Energi Offshore Northwest Java (PHE ONWJ).
Dự án mở rộng thị phần sữa tại Philippines của IDP
Cũng trong ngày 18/11, CTCP Sữa Quốc tế Lof (UPCoM: IDP) - chủ thương hiệu sữa Kun - có động thái “ra khơi” khi thông qua việc thành lập một tổ chức kinh tế tại Philippines.
Theo đó, IDP sẽ thành lập tổ chức kinh tế tại Philippines, nằm trong Dự án Kinh doanh Sữa và Đồ uống Philippines Lof International Dairy Products Inc. Mục tiêu chính là bán buôn đồ uống, sữa và các sản phẩm từ sữa. Khoản đầu tư trị giá gần 1.5 triệu USD (khoảng 38 tỷ đồng), toàn bộ bằng tiền vốn chủ sở hữu.
IDP là chủ thương hiệu sữa Kun
Đáng chú ý, IDP trước đó không lâu đã có nghị quyết liên quan việc vay 2.1 ngàn tỷ đồng từ ngân hàng BIDV, Vietcombank và Vietinbank. Mục đích vay để bổ sung vốn lưu động, phát hành LC, bảo lãnh phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm sữa và từ sữa giai đoạn 2024-2025.
Đây là lần thứ 2 xuất ngoại của IDP trong năm 2024. Trước đó, Doanh nghiệp sở hữu công ty con tại Tây Jakarta, Indonesia là Công ty PT Produk SuSu Internasional, thành lập ngày 22/4/2024.
Kế hoạch vươn mình tới Trung Đông của Gỗ Trường Thành
Đầu tháng 11, CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (HOSE: TTF) thông báo: CTCP Đồ gỗ Casadora (công ty con TTF sở hữu 60%) vừa nhận được giấy chứng nhận đầu tư sang Dubai, thông qua tổ chức kinh tế được thành lập là Belmonte Design Services L.L.C.
TTF dự kiến đầu tư 500,000 USD (hơn 12 tỷ đồng) vào Belmonte bằng cách mua cổ phần để tham gia quản lý, toàn bộ từ vốn chủ sở hữu. Doanh nghiệp cho biết, mục đích đầu tư nhằm kinh doanh dịch vụ thiết kế sản phẩm nội thất mang thương hiệu lớn thế giới, mở rộng hiện diện sản phẩm nội thất tại Việt Nam mang tên các thương hiệu lớn của thế giới ở khu vực Trung Đông.
Đây cũng không phải lần đầu xuất ngoại của TTF. Theo BCTC quý 3/2024, Doanh nghiệp đang có 20% cổ phần tại Natuzzi Singapore PTE., Ltd. - đơn vị sản xuất nội thất ở Singapore.
FPT ra mắt nhà máy AI tại Nhật Bản
Ngày 13/11, Tập đoàn FPT (HOSE: FPT) ra mắt nhà máy trí tuệ nhân tạo (AI Factory) tại Nhật Bản, được xây dựng trên nền tảng điện toán tăng tốc và phần mềm của đại gia công nghệ NVIDIA.
Trước đó nửa năm, vào tháng 4/2024, FPT công bố hợp tác chiến lược cũng với NVIDIA để thúc đẩy nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, cung cấp dịch vụ, giải pháp cho khách hàng Việt Nam và trên toàn cầu.
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT
Trường hợp của FPT thực chất khó gọi là “ra biển lớn”, vì bản thân doanh nghiệp cũng có nhiều thương vụ đầu tư ra nước ngoài. Thực tế, FPT đã có pháp nhân tại Nhật Bản từ năm 2005, và cũng có mặt tại nhiều thị trường khác như Slovakia, Myanmar, Mỹ, châu Âu... Doanh thu của FPT tại nước ngoài trong 10 tháng đầu năm 2024 thậm chí cán mốc 1 tỷ USD.
Viettel Post và công ty con giá 5 triệu USD tại Lào
Tổng CTCP Bưu chính Viettel (Viettel Post, HOSE: VTP) đã từng “ra khơi” với 2 công ty thành viên tại Myanmar và Campuchia. Tuy nhiên, đây là câu chuyện từ trước năm 2017 trở về trước. Trong năm 2024, VTP đã lên kế hoạch mở rộng phạm vi hoạt động ở thị trường quốc tế và động thái gần nhất là thành lập Công ty TNHH Viettel Post Lào tại Lào vào tháng 9.
Công ty con này hoạt động trong lĩnh vực chuyển phát; dịch vụ kho vận; vận tải hàng hóa nội địa và quốc tế, thương mại hàng hóa và dịch vụ; thương mại điện tử; xuất nhập khẩu; dịch vụ giao nhận vận tải tại Lào. Giá trị đầu tư khoảng 136 tỷ đồng, tương đương 5.34 triệu USD.
Việc mở rộng đầu tư đã được lãnh đạo VTP chia sẻ vào đầu năm 2024, với kế hoạch mở rộng thị trường sang Lào và mở thêm văn phòng đại diện tại Thái Lan. Đến tháng 3/2024, Viettel Post đã ký thỏa thuận hợp tác với chính quyền TP. Bằng Tường và Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) để thành lập văn phòng đại diện và xây dựng Trung tâm giao dịch nông sản Trung Quốc - ASEAN.
VTP kỳ vọng kết nối được hàng hóa nông sản, thủy hải sản… của Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN (Lào, Myanmar, Campuchia) thông qua mạng lưới đường sắt, đường bộ và đường thủy nhằm phân phối sang Trung Quốc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường