Tìm mã CK, công ty, tin tức
Đọc nhiều
Bình luận nhiều
Lũy kế từ đầu năm đến nay, Fubon ETF đã rút ròng 4.056 tỷ trên thị trường chứng khoán Việt Nam dù trong tháng 6, quỹ được cấp phép huy động thêm 4.000 tỷ để đổ vào chứng khoán Việt Nam.
Thống kê cho thấy, quỹ ngoại Fubon FTSE Vietnam ETF đã liên tiếp rút ròng kể từ tháng 6 đến nay, đáng lưu ý đây là thời điểm mà quỹ vừa được chấp thuận huy động thêm vốn để đổ vào chứng khoán Việt Nam.
Cụ thể, tính từ sau phiên 4/6 trở đi, quỹ ngoại đến từ Đài Loan (Trung Quốc) liên tiếp ghi nhận giá trị rút ròng với tổng giá trị lên tới gần 2.700 tỷ đồng. Việc bị rút mạnh khiến quy mô quỹ ETF này sụt giảm đáng kể. Tại cuối ngày 21/8, quy mô Fubon FTSE Vietnam ETF đạt khoảng 17.000 tỷ đồng, giảm hơn 3.300 tỷ so với đầu năm 2024. Dù vậy, hiện Fubon vẫn là quỹ ETF có quy mô lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Riêng trong ngày 22/8/2024, quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF quay lại rút ròng 54 tỷ đồng và tiếp tục bán ra các cổ phiếu. Top bán ròng là HPG (-216 nghìn cổ phiếu, -5,6 tỷ đồng), VHM (-126 nghìn cổ phiếu, -5 tỷ đồng), VIC (-118 nghìn cổ phiếu, -4,9 tỷ đồng), SSI (-113 nghìn cổ phiếu, -3,7 tỷ đồng), và SHB (-106 nghìn cổ phiếu -1,1 tỷ đồng).
Tính từ đầu năm 2024, dòng tiền vào ETF này ghi nhận rút ròng lên tới 4.056 tỷ đồng.
Fubon Vietnam theo dõi Chỉ số FTSE Vietnam 30. Sau khi xem xét tính thanh khoản và giới hạn trên của tỷ lệ sở hữu nước ngoài, quỹ này chọn ra 30 cổ phiếu hàng đầu theo vốn hóa thị trường, có cả mức tăng trưởng và giá trị, có giá trị lịch sử hình thành lâu nhất và doanh thu cao nhất. Mục tiêu đầu tư 100% là “cổ phiếu thuần Việt” và lựa chọn các ngành tiềm năng.
Trong đó HPG đang là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất danh mục với tỷ trọng 9,7% (63,5 triệu cổ phiếu), xếp tiếp theo lần lượt là VNM (8,97%), VCB (8,8%), VHM (8,7%), VIC (8,5%)...
Trước đó hồi tháng 6, sau khi được Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài chính thông qua, Fubon FTSE Vietnam ETF đã được phê duyệt số tiền huy động vốn bổ sung đợt 6 là 5 tỷ TWD tương đương 154 triệu USD, tức khoảng 4.000 tỷ đồng.
Như vậy, thay vì Fubon ETF sẽ sớm rót thêm khoảng 4.000 tỷ đồng để mua cổ phiếu Việt Nam trong thời gian tới thì quỹ này lại rút ròng 4.000 tỷ.
Không chỉ Fubon ETF, việc rút ròng diễn ra chủ yếu các ETF đang đầu tư vào Việt Nam. Giá trị rút ròng lũy kế từ đầu năm 2024 ở các quỹ ETF đạt gần 18,9 nghìn tỷ đồng, gấp 11,8 lần so với tổng giá trị rút ròng của năm 2023 (hơn 1,5 nghìn tỷ đồng) và tương đương 31,1% giá trị bán ròng của khối ngoại từ đầu năm 2024.
Tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ ETF bao gồm ETF nước ngoài và trong nước đạt 65,1 nghìn tỷ đồng trong tuần từ 12/8 – 16/8, tăng 1,4% so với tuần trước. Đây là tổng giá trị tài sản ròng chỉ tính cho thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, nhận định về dòng vốn ETF trong thời gian tới, theo ông Nguyễn Thế Minh Giám đốc khối phân tích khách hàng cá nhân của chứng khoán Yuanta cho rằng, thời gian vừa qua trong khi chứng khoán thế giới tăng nhưng VN-Index tăng chậm hơn, một phần do tỷ trọng nhóm công nghệ không cao nên khó thu hút dòng tiền. Thị trường chưa kể còn bị ảnh hưởng bởi hai nhóm Ngân hàng và Bất động sản - vốn dĩ hai nhóm vốn hóa lớn chiếm tỷ trọng cao. Lo ngại về bất động sản không được như kỳ vọng của thị trường khiến nhóm này giảm sâu trong khi nhóm Ngân hàng đã ra hết kết quả kinh doanh quý 2 với nợ xấu tăng cao đã áp lực chung lên thị trường.
Tuy nhiên, theo ông Minh, hiện nay dòng tiền toàn cầu rơi vào trạng thái bán ra chốt lời ở những thị trường đã tăng giá cả một quá trình. Nhiều khả năng, dòng tiền sẽ nhanh chóng tìm đến các thị trường đang có định giá rẻ và tỷ giá hạ nhiệt khi USD suy yếu trong đó có Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường