Đón sóng T+2, chứng khoán vẫn giảm "sốc" đầu tuần
Hàng loạt các nhóm cổ phiếu bị bán tháo sau phát biểu của giới chức Mỹ về lạm phát. Nhiều cổ phiếu trụ lao dốc kéo chỉ số có thời điểm mất hơn 30 điểm.
Tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng trước những diễn biến xấu của thị trường chứng khoán thế giới. Ngay từ đầu phiên giao dịch ngày 29/8, sắc đỏ đã áp đảo ở nhiều nhóm ngành cổ phiếu và điều này đẩy các chỉ số xuống dưới mốc tham chiếu.
Các mã vốn hóa lớn như GVR, BCM, HDB, MBB, PNJ... mở cửa phiên đã nhanh chóng chìm trong sắc đỏ. VN-Index nhanh chóng mất gần 20 điểm sau 15 phút đầu giao dịch.
Áp lực bán dâng cao trong suốt phiên giao dịch sáng và đẩy hàng loạt cổ phiếu lớn lao dốc. Các mã thuộc nhóm khu công nghiệp và chứng khoán là một trong những tác nhân làm chứng khoán giảm sâu. Một số mã tiêu biểu có thể kể đến như BCM, HCM, VND giảm 3,1%, KBC giảm 5,3%, IDC giảm 4,3%... Chứng khoán không tìm thấy động lực tăng mà liên tục mất các ngưỡng kháng cự.
Kết thúc phiên sáng ngày 29/8, VN-Index giảm 30,3 điểm xuống 1.252,27 điểm. Hầu hết các nhóm ngành đều ghi nhận giảm điểm mạnh. Số mã giảm áp đảo số mã tăng.
Đáng chú ý, đây là phiên đầu tiên áp dụng quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán mới. Theo đó, nhà đầu tư có thể bán chứng khoán mua ngày T+0 ngay trong phiên giao dịch chiều ngày T+2 thay vì chờ đến ngày T+3 như trước đây.
Đúng như dự đoán của nhiều chuyên gia, việc rút ngắn thời gian thanh toán giao dịch chứng khoán giúp thanh khoản của thị trường tăng mạnh. Tổng giá trị khớp lệnh phiên sáng nay đạt 13.617 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng thời điểm phiên thứ Sáu tuần trước, trong đó, giá trị khớp lệnh sàn HoSE tăng 34% và đạt 11.442 tỷ đồng.
Sang tới phiên giao dịch chiều, diễn biến thị trường cũng không khả quan. Dù áp lực bán đã suy yếu dần và lực cầu dâng cao ở hàng loạt cổ phiếu, nhưng chỉ số thu hẹp chứ không đủ để giúp chứng khoán vượt lên trên tham chiếu.
Trong phiên chiều, một số mã nhóm dầu khí và phân bón đã bứt phá mạnh, giúp cải thiện chỉ số chung. Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/8, VN-Index giảm 11,77 điểm xuống 1.270,8 điểm. Toàn sàn có 73 mã tăng, 399 mã giảm và 45 mã đứng giá. HNX-Index tăng 3,96 điểm lên 295,54 điểm. Toàn sàn có 51 mã tăng, 153 mã giảm và 36 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 1,31 điểm xuống 91,57 điểm. Riêng rổ VN30 ghi nhận 24 mã giảm, chỉ có 3 mã giữa được sắc xanh.
VIC là mã tác động tiêu cực nhất tới thị trường chứng khoán với mức giảm 2,15% xuống 63.600 đồng/cổ phiếu. Hai mã cùng "họ Vingroup" là VHM và VRE cũng đỏ lửa lúc kết phiên.
HPG là đại diện nhóm thép nằm trong nhóm tác động tiêu cực tới chỉ số với mức giảm 2,13% về 23.000 đồng/cổ phiếu. Nhìn chung, nhóm thép diễn biến xấu suốt cả phiên. Các mã khác là TLH, POM, HSG, NKG... cũng đều kết phiên dưới tham chiếu.
Nhóm ngân hàng cũng là một trong những tác nhân kéo lùi chỉ số chính. Không có một mã nào thuộc nhóm ngân hàng ghi nhận tăng điểm lúc kết phiên. Các phiên trước đây dù thị trường giảm song nhóm nay vẫn có sự phân hóa nhưng đến hôm nay đã phủ bóng một màu. Một số mã nằm trong nhóm tác động tiêu cực đến chỉ số là BID, CTG...
Nhóm bất động sản cũng không khả quan hơn khi tất cả các mã thuộc nhóm này đều lùi sâu về tham chiếu. Trong đó, có một số mã giảm sàn như ITA, TDH... Những mã khác tuy không giảm sàn song vẫn giảm biên độ lớn là BII, CEO, CRE, DXG, DIG, HDG, KBC, LDG, NDN, NVT...
Cổ phiếu ngành chứng khoán góp mặt trong làn sóng bán tháo phiên ngày 29/8. Các mã kết phiên mất điểm là VND, SSI, VIX, HCM, VCI, APG, ORS...
Tại nhóm đầu cơ, diễn biến cũng không khả quan. Đặc biệt là nhóm các cổ phiếu "họ FLC", các mã FLC, AMD, HAI, ART đều đồng loạt giảm sàn. Các mã khác như TGG của Louis Capial, HSL... cũng đều giảm hết biên độ.
Ngược lại, phiên giao dịch hôm nay cũng có nhiều mã "ngược dòng" thị trường như SKG, PTL, KPF, HOT, ASP... KPF của Tài chính Hoàng Minh tiếp tục có phiên tím trần. Như vậy, mã này ghi nhận tổng 13 phiên tăng liên tiếp từ 11/8, trong đó, có 7 phiên đóng cửa ở mức giá trần.
Hay có thể kể đến DCM của Phân bón dầu khí Cà Mau cũng tăng kết biên độ bất chấp thị trường giảm điểm. Tại nhóm cổ phiếu dầu khí, phân bón, có thể kể đến DPM, VCF, CSV... HAG của Hoàng Anh Gia Lai cũng là một trong những điểm sáng của thị trường.
Khối ngoại bán ròng 371 tỷ đồng ở sàn HoSE. Hôm nay khối ngoại chỉ giải ngân 652 tỷ đồng nhưng lại bán ra 1.023 tỷ đồng. TLG là mã bị "xả" mạnh nhất, hơn 101 tỷ đồng, DGC bị xả gần 54 tỷ đồng, HPG bị xả 33 tỷ đồng, VIC bị xả 28 tỷ đồng...
Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với phiên trước. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 22.525 tỷ đồng, tăng 30% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 28% lên mức 18.807 tỷ đồng. Những con số tích cực đúng như kỳ vọng của nhà đầu tư về việc thanh khoản sẽ cải thiện để đón "sóng" T+2. Tại nhóm VN30, thanh khoản đạt hơn 6.500 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường