Chứng khoán bốc hơi 8 tỷ USD; huỷ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC; Trần Uyên Phương quay lại mua YEG
VN-Index quay đầu giảm, cổ phiếu FLC do Chủ tịch bán chui bị hoàn trả hay sự trở lại của cổ đông lớn Yeah1... là diễn biến đáng chú ý trong tuần đầy biến động của chứng khoán Việt Nam.
Chinh phục ngưỡng 1.500 điểm: Không dễ dàng!
Tuần giao dịch thăng hoa ngay đầu năm mới 2022 nhanh chóng qua đi, chinh phục đỉnh cao mới hiếm khi dễ dàng với VN-Index. Phiên đầu tuần (10/1), chỉ số sàn HoSE một lần nữa vượt mốc 1.536 điểm nhưng quay đầu “trượt dài” từ đây. HNX-Index lần đầu cán mốc 500 điểm cũng trong ngày 10/1 và chung diễn biến tương tự. Đối với các chỉ số chung, thành quả đạt được trong tuần đầu năm mới đã bị san phẳng. Giá trị tài khoản chứng khoán của các nhà đầu tư phần lớn bị “bốc hơi”.
Với 4/5 phiên giảm điểm, VN-Index đóng cửa tuần ở mức 1496,02 điểm, giảm 32,46 điểm (-2,12%) so với tuần trước. HNX-Index giảm tới 5,46% về mức 466,86 điểm. Chỉ số sàn UPCoM giảm 3,38 điểm, còn 112,22 điểm.
Điểm tích cực là giao dịch đã sôi động hơn, khối ngoại mua ròng 956 tỷ đồng trên ba sàn. Giá cổ phiếu về vùng thấp khiến nhiều nhà đầu tư bán ra, nhưng đồng thời, thu hút dòng tiền lớn đổ vào. Bình quân tuần qua, khối lượng giao dịch bình quân trên ba sàn đạt 1,11 tỷ đơn vị, dù có hai phiên cuối tuần rơi xuống dưới 1 tỷ đơn vị. Giá trị giao dịch bình quân sàn HoSE đạt 33.436 tỷ đồng, tăng 3,78% so với tuần trước. Thanh khoản sàn HNX cũng tăng 7,49%.
Các cổ phiếu tác động tích cực nhất đến VN-Index tiếp tục là nhóm nhà băng. Cổ phiếu ngân hàng trở thành điểm sáng các tuần này, đặc biệt là nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước. BID tăng gần 13% trong tuần và tăng 19,28% kể từ cuối năm 2021 đến nay. Cổ phiếu VietinBank và Vietcombank lần lượt tăng 6,8% và 4,5% trong tuần.
Dù vậy, nhóm cổ phiếu vua, trụ cột chiếm tới hơn 30% vốn hóa, cũng không “đỡ” lại đà giảm khi áp lực bán lan rộng trên đại đa số các cổ phiếu, đặc biệt là nhóm đầu cơ hay các cổ phiếu đã tăng rất nóng thời gian trước.
Số liệu kinh tế vĩ mô từ nhiều quốc gia lớn ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu. Tương tự các dự báo trước đó, chỉ số giá tiêu dùng của Hoa Kỳ năm 2021 đã tăng 7%, mức tăng lớn nhất trong 12 tháng kể từ tháng 6 năm 1982. Phát biểu chuẩn bị cho phiên điều trần ngày 13/1 tại Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ để thông qua đề cử vị trí Phó Chủ tịch Fed, bà Brainard nhấn mạnh "nhiệm vụ quan trọng nhất" của Fed là tập trung đưa lạm phát giảm xuống mức 2%, đồng thời duy trì đà phục hồi. Người đứng đầu Fed cũng cho biết nếu cần thiết phải chống lạm phát cao một cách quyết liệt hơn Fed sẵn sàng đẩy nhanh việc tăng lãi suất.
S&P 500 giảm 0,3% trong tuần. Mức giảm của sàn chứng khoán Việt Nam lớn hơn nhiều, nằm trong top 5 thị trường giảm điểm toàn cầu, theo thống kê của StockQ. Sắc đỏ lan tỏa diện rộng, có phiên ghi nhận hơn 140 giảm kịch sàn. Giá trị vốn hóa trên ba sàn chứng khoán "bốc hơi" tổng cộng 182.848 tỷ đồng, tương đương 8 tỷ USD. Vốn hóa thị trường riêng sàn HosE đến cuối ngày 14/1 đạt 5.838.606 tỷ đồng, chỉ còn nhỉnh hơn thời điểm cuối năm 2021 chưa đến 500 tỷ đồng.
Hơn 20 phút đơ lệnh sàn HoSE, lãnh đạo bán chui và quyết định chưa từng có tiền lệ của cơ quan quản lý
Ngoài chịu ảnh hưởng chung từ yếu tố vĩ mô, chứng khoán Việt Nam tuần qua còn xuất hiện hàng loạt “thiên nga đen”, tác động trực tiếp đến một số nhóm cổ phiếu vừa qua giai đoạn tăng nóng.
Ngay phiên giao dịch đầu tuần với khối lượng vọt lên 1,38 tỷ đơn vị, sàn HoSE ghi nhận tình trạng hệ thống Gateway (UDP) của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM trả thông tin thị trường về cho các công ty chứng khoán thành viên có hiện tượng mất ổn định từ 14h04 đến 14h26 phút. Cũng cùng ngày, thanh khoản cổ phiếu FLC vọt lên 134,96 triệu đơn vị. Từ mức tăng kịch biên độ phiên sáng, FLC “quay xe” giảm sàn. Hơn 55% lượng bán ra trong số này đến từ tài khoản ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC khi chưa đăng ký giao dịch.
Cơ quan quản lý nhanh chóng vào cuộc với các hiện tượng bất thường, trong đó yêu cầu HoSE giải trình hiện tượng đơ nghẽn và khẳng định sẽ xem xét xử lý vi phạm của ông Trịnh Văn Quyết.
Từ chiều tối ngày 10/1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã quyết định về việc phong tỏa các tài khoản chứng khoán đứng tên ông Trịnh Văn Quyết. Thời điểm bắt đầu áp dụng biện pháp phong tỏa là kể từ ngày 11/1, cho đến khi Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà Nước có quyết định thay thế. Đến tối ngày 11/1, HoSE đã huỷ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết, hoàn trả tiền cho các tài khoản đã mua đối ứng.
Không phải lần đầu tiên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước áp dụng biện pháp phong tỏa. Hơn chục năm trước, liên quan đến vụ án thao túng giá chứng khoán của Lê Văn Dũng (nguyên chủ tịch HĐQT CTCP Dược Viễn Đông - DVD) và những người liên quan, cơ quan quản lý cũng đã thực hiện biện pháp phỏng toả tài khoản phục vụ cho giai đoạn điều tra. Khi đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xác định dấu hiệu ông Dũng cùng một số người khác có hành vi thao túng cổ phiếu DVD và chuyển hồ sơ cho Cơ quan An ninh Điều tra làm rõ. Tuy nhiên, biện pháp huỷ giao dịch lại chưa từng có trong tiền lệ các hình thức xử phạt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Thực tế, việc hoàn trả cho nhau những gì đã nhận được là biện pháp được thực thi nhiều trong trường hợp Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu.
Việc siết kỷ luật kỷ cương trên cả thị trường cổ phiếu và trái phiếu đã được triển khai mạnh mẽ các tháng qua với “mưa” lệnh xử phạt được công bố, đồng thời, là một trong các nhiệm vụ được đề cập nhiều nhất của các lãnh đạo ngành chứng khoán. Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có phát ngôn nào từ cá nhân ông Trịnh Văn Quyết hay phíaTập đoàn FLC cho hành động lỡ quên hoặc "biết sai mà vẫn làm" này.
Theo trình tự thủ tục xử lý vi phạm, cơ quan thanh tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ yêu cầu cá nhân vi phạm tới ký biên bản và sau 5 ngày sẽ ban hành quyết định xử phạt hành chính. Ngoài hậu quả từ phạt hành chính, các cổ phiếu liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết giảm kịch sàn và đa số thời điểm đều không có người mua. “Hòn tuyết lăn” lan đến nhiều cổ phiếu khác, đặc biệt là các cổ phiếu đã tăng nóng nhờ hút dòng tiền đầu cơ, gây ra tâm lý tiêu cực cho toàn thị trường.
Phạt WSS 85 triệu đồng vì cho vay ký quỹ vượt mức cổ phiếu FID từ năm 2020
Số lượng lệnh xử phạt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước giảm đáng kể trong tuần giao dịch nhiều sự kiện của thị trường. Cơ quan này xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với CTCP Chứng khoán Phố Wall (WSS) do vi phạm quy định về hạn mức cho vay giao dịch ký quỹ. Số lượng chứng khoán cho vay chứng khoán giao dịch ký quỹ đối với mã chứng khoán FID tại các thời điểm ngày 01/01/2020, 31/03/2020, 30/06/2020, 31/12/2020, 31/03/2021 và 30/6/2021 vượt 5% tổng số chứng khoán niêm yết của một tổ chức niêm yết. Với sai phạm xảy ra từ đầu năm 2020 trên, mức tiền phạt là 85 triệu đồng. Với hành vi vi phạm quy định về hạn mức cho vay giao dịch ký quỹ, khung hình phạt là 70 triệu đồng – 100 triệu đồng.
Cùng đó, một cá nhân là người có liên quan đến bà Nguyễn Thị Thanh Thủy – Thành viên Hội đồng quản trị Elcom đã lướt sóng cổ phiếu ELC (mua 100.000 đơn vị vào ngày 2/7 và bán toàn bộ trong tháng 8. Cá nhân này bị phạt 80 triệu đồng.
Bà Trần Uyên Phương quay lại mua cổ phiếu YEG, người nội bộ
Một cú “quay xe” khác của thị trường tuần qua là việc trở lại mua cổ phiếu YEG của bà Trần Uyên Phương, con gái Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hiệp . Trong 4 tháng liên tục (tháng 7-11/2021), cá nhân này đã bán gần 6 triệu cổ phiếu YEG, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 2,51%. Tuy nhiên, từ đầu tuần, bà Phương đã quay lại mua 3,7 triệu cổ phiếu, nâng sở hữu lên mức 4,5 triệu đơn vị (14,33% vốn). Cũng trong ngày 10/1, giao dịch thỏa thuận cổ phiếu YEG cũng xuất hiện lô cổ phiếu lớn gần 3,7 triệu đơn vị được sang tay trị giá giao dịch trên 81 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, Chủ tịch HĐQT Yeah1 Nguyễn Ảnh Nhượng Tống đang đăng ký bán đúng số lượng cổ phiếu trên, trong khoảng thời gian từ 10/01 - 30/01/2022.
Cùng đó, nhiều người nội bộ của doanh nghiệp cũng đang có động thái chốt lời. Ông Phùng Văn Thái, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Tiến Bộ vừa đăng ký bán ra gần 6,2 triệu cổ phiếu TTB trong thời gian 14/01-11/02/2022. Bà Lê Thị Tuyết - Chủ tịch HĐQT CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An muốn bán thêm 4,6 triệu cổ phiếu TAR từ 13/01-11/02/2022. Trước đó, bà Tuyết đã bán 7 triệu cổ phiếu hồi cuối tháng 12/2021.
Ngược lại, ông Vũ Đức Quân, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Simco Sông Đà vừa đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu SDA từ ngày 13/01 - 10/02/2022. Cổ phiếu này đã tăng nóng 75.000 đồng/cổ phiếu từ cuối tháng 11 nhưng lao dốc dài và chỉ còn giao dịch dưới mức giá 20.000 đồng/cổ phiếu ở thời điểm CEO đăng ký mua cổ phiếu. Ông Nguyễn Bá Sáng - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu AGG từ ngày 14/01 đến 11/02. Dự kiến sau giao dịch, ông Sáng trở thành cổ đông lớn sở hữu 6,65% vốn. Tương tự sức nóng của nhiều cổ phiếu bất động sản, AGG đã tăng 30% từ đầu tháng 12 đến nay.
Cổ phiếu HHV chốt ngày chuyển sàn
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM tuần này đã thông báo về ngày chính thức niêm yết hơn 267 triệu cp của CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (20/01/2022). Trước đó, doanh nghiệp này đã giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM với mã chứng khoán HHV và đã tạm dừng giao dịch từ 6/1.
Ngoài HHV, cổ phiếu của ba doanh nghiệp niêm yết đã được sàn HoSE chấp thuận hồ sơ lên sàn nhưng chưa chốt ngày niêm yết mới gồm Tổng Công ty Phát điện 3 - Công ty Cổ phần, Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel, Công ty Cổ phần Đầu tư Nhãn hiệu Việt.
Hé dần kết quả kinh doanh quý IV của các doanh nghiệp niêm yết
Bên cạnh các thông tin ước tính về kết quả kinh doanh được nhiều bên công bố, một số doanh nghiệp niêm yết đã chính thức công bố báo cáo tài chính quý cuối cùng của năm. CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (HND) chỉ đạt 2.217 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhận sau thuế quý IV đạt gần 260 tỷ đồng, giảm hơn 51% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý IV/2021, Gang thép Thái Nguyên lỗ thuần 11,5 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh do giá vốn hàng bán cao hơn doanh thu thuần. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 53% so với cùng kỳ quý IV/2020 nên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong quý vẫn đạt 21 tỷ đồng, tăng 4,1 lần cùng kỳ năm trước.
Doanh thu từ hoạt động kinh doanh của CTCP Công viên nước Đầm Sen tiếp tục ở mức khiêm tốn trong quý IV với chỉ hơn 1 tỷ đồng thu về cả quý. Dù tiếp tục khó khăn ở mảng kinh doanh chính vì đại dịch, doanh thu tài chính từ bán cổ phần VietBank mang về 17,66 tỷ đồng. Doanh nghiệp quản lý công viên nước Đầm Sen nhờ vậy vẫn lãi ròng 7,3 tỷ đồng trong quý IV, giảm 57,5% so với cùng kỳ.
Tuần tới dự kiến sẽ là khoảng thời gian sôi động của mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý IV khi hạn chót công bố đang tới gần. Theo quy định hiện hành, tổ chức niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn phải công bố báo cáo tài chính quý trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý và có thể yêu cầu bằng văn bản để đề nghị xem xét gia hạn nhưng tối đa không quá 30 ngày.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận