Nhiều ngân hàng đua nhau tăng lãi suất huy động
Ngay từ những ngày đầu tháng 9, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh huy động vốn thông qua việc tăng lãi suất huy động. Theo dự báo của nhiều chuyên gia, lãi suất huy động vẫn có dư địa tăng đến hết năm 2024.
Lãi suất huy động rục rịch tăng từ 0,1 -0,8%
Trong những ngày đầu tháng 9/2024, lãi suất huy động của nhiều ngân hàng (tại các kỳ hạn được khảo sát là: 6, 9, 12, 24 tháng) đã được điều chỉnh với mức dao động từ 0,1-0,8% tùy kỳ hạn và ngân hàng.
Mới đây, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng bất ngờ điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở một số kỳ hạn. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng tăng thêm 0,2%/năm lên 2%/năm. Lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 3-5 tháng tăng 0,3%/năm, lên 2,5%/năm. Lãi suất ngân hàng kỳ hạn 6-9 tháng được điều chỉnh tăng nhẹ 0,1%/năm, lên 3,3%/năm.
Cách đây khoảng một tháng, “ông lớn” này cũng là ngân hàng duy nhất trong nhóm Big4 tăng lãi suất huy động.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) mới đây đã phát hành 5.000 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi, kỳ hạn 7 năm, lãi suất 7,1% cố định trong năm đầu tiên. Lãi suất các năm tiếp theo sẽ được điều chỉnh linh hoạt theo thị trường.
Cụ thể, Sacombank tăng lãi suất 0,4% ở kỳ hạn 6 và 9 tháng, đưa lãi suất kỳ hạn 6 tháng là 4,2%/năm; kỳ hạn 9 tháng là 4,3%/năm; kỳ hạn 12 tháng là 4,9%/năm.
Về chứng chỉ tiền gửi của Sacombank có mệnh giá 1 triệu đồng, tiền gốc được thanh toán một lần khi đến hạn và tiền lãi được trả định kỳ mỗi năm. Điểm đáng chú ý là người mua chứng chỉ tiền gửi Sacombank được rút một phần hoặc toàn bộ vốn trước hạn, được chuyển nhượng, cầm cố để vay vốn với lãi suất ưu đãi…
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín (VietBank) cũng vừa tiếp tục tăng lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn. Theo đó, lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 1-4 tháng tăng thêm 0,2%/năm. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng tại ngân hàng này là 3,8%/năm, kỳ hạn 2 tháng 3,9%/năm, kỳ hạn 3 tháng 4%/năm, kỳ hạn 4 tháng 4,1%/năm.
Trước đó, trong tháng 8, đã một số ngân hàng tăng lãi suất huy động với mức tăng dao động trong khoảng 0,1-0,8%, bao gồm: Eximbank, HDBank, Sacombank, Saigonbank, TPBank, CB, VIB, Dong A Bank, Techcombank, VietBank, SHB, PVCombank, Cake by VPBank và Nam A Bank.
Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 16/8 tăng 6,25% so với cuối năm 2023. Trước đó, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đến hết quý II đạt 6,1%, nhưng đến cuối tháng 7 chỉ còn tăng 5,66% so với cuối năm 2023.
Như vậy, tín dụng đã phục hồi trở lại vào nửa đầu tháng 8/2024. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để các ngân hàng có thể tiếp tục đà tăng lãi suất huy động trong những tháng cuối năm.
Lãi suất huy động vẫn có dư địa tăng
Trong báo cáo triển vọng vĩ mô mới đây, Công ty cổ phần Chứng khoán KBSV kỳ vọng lãi suất huy động có thể tăng thêm 0,5% từ nay tới cuối năm.
Theo KBSV, NHNN cũng đã đưa ra thông báo điều chỉnh hạn mức tín dụng cho các ngân hàng đã hoàn thành 80% chỉ tiêu tín dụng được cấp đầu năm. Điều này, một lần nữa cho thấy kỳ vọng về tín hiệu đảo chiều chính sách của Fed, DXY suy giảm để củng cố sự tự tin cho NHNN duy trì chính sách nới lỏng.
KBSV dự phóng lãi suất huy động sẽ tăng 30-50 điểm trong những tháng còn lại của năm 2024 do thanh khoản hệ thống được hỗ trợ từ những động thái của NHNN; áp lực tỷ giá suy giảm; mặt bằng lãi suất cho vay có thể tăng nhẹ nhưng vẫn được duy trì ở mức thấp theo chủ trương hỗ trợ nền kinh tế, thúc đẩy nhu cầu tín dụng của NHNN.
Báo cáo phân tích mới nhất của Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) chỉ ra nguyên nhân các ngân hàng tăng lãi suất huy động và thu hút vốn qua các kênh khác như chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao là nhằm nâng cao tính cạnh tranh của kênh tiết kiệm so với các kênh đầu tư khác.
Nhóm phân tích MBS cho rằng lãi suất tiền gửi đi lên còn do tín dụng tiếp tục tăng khi nhu cầu vốn thường tăng tốc mạnh trong những tháng cuối năm
Nhóm chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcombank cho biết, mặc dù lãi suất huy động đang có xu hướng tăng dần lên từ mức đáy, mặt bằng lãi suất hiện tại vẫn đang thấp hơn mức trung bình 3 năm trước giai đoạn dịch Covid-19 là 5,05%/năm. Áp lực tăng lãi suất có thể từ quý IV, kỳ vọng cả năm lãi suất có thể tăng từ 0,5-1%.
Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ mới đây, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đánh giá lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay giảm, điều đó đồng nghĩa các ngân hàng thương mại đã chia sẻ với doanh nghiệp rất nhiều. Mặc dù tiền gửi phải tăng lên để trả lãi suất cao hơn cho người gửi nhưng tiền cho vay lại giảm thì chênh lệch giữa đầu vào và đầu ra sẽ thu hẹp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường