Nhiều cổ phiếu Việt hưởng lợi khi Trung Quốc “bơm tiền”
Trung Quốc đã có những động thái nhằm thể hiện quyết tâm kéo nền kinh tế thoát khỏi vòng xoáy giảm phát và đạt được mục tiêu tăng trưởng lạm phát.
Trung Quốc mạnh tay kích thích kinh tế
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) gần đây đã công bố một loạt các chính sách để hỗ trợ nền kinh tế có quy mô lớn nhất từ đại dịch COVID-19 tới nay. Các nhóm giải pháp bao gồm việc nới lỏng chính sách tiền tệ, PBoC đã giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc 0,5% xuống mức thấp nhất kể từ năm 2020 và sẽ giảm lãi suất repo đảo ngược kỳ hạn 7 ngày cũng như lãi suất cho vay cơ bản và trung hạn (ước tính bơm ròng hơn 140 tỉ USD thanh khoản dài hạn).
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng có động thái tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ thị trường bất động sản, giảm 0,5% lãi suất khoản vay mua nhà hiện hữu, giảm tỉ lệ trả ban đầu cho khoản vay mua nhà thứ 2 từ 25% về 15%, tăng mức hỗ trợ tối đa cho các khoản vay được tài trợ bởi PBoC từ 60% lên thành 100%, kéo dài thời gian hỗ trợ đối với các khoản vay của các nhà phát triển bất động sản đến hết năm 2026.
Đối với thị trường chứng khoán, Trung Quốc cho phép các công ty chứng khoán, bảo hiểm, các quỹ đầu tư tiếp cận nguồn vốn của PBoC để mua cổ phiếu, trái phiếu, ETFs với hạn mức hơn 70 tỉ USD. PBoC cũng có gói vay lãi suất 1,75% dành cho các ngân hàng với hạn mức khoảng 42 tỉ USD nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp niêm yết mua lại cổ phần.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng có động thái tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ thị trường bất động sản. Ảnh: Bloomberg
Chia sẻ với NCĐT, ông Vũ Quốc Huy, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) đánh giá đây có thể xem là động thái kích thích mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây của Trung Quốc, nhằm thể hiện quyết tâm kéo nền kinh tế thoát khỏi vòng xoáy giảm phát và đạt được mục tiêu tăng trưởng lạm phát khoảng 5% trong năm 2024. Đặc biệt là vực dậy thị trường bất động sản khi ngành này và xây dựng chiếm 25% GDP của Trung Quốc và 70% tiền tiết kiệm hộ gia đình đổ vào bất động sản.
“Hiệu ứng tâm lý ngay lập tức thể hiện thông qua chỉ số chứng khoán Trung Quốc Shanghai Composite tăng hơn 12% trong tuần qua. Tuy nhiên việc kết luận rằng những gói kích thích này sẽ sớm giúp kinh tế Trung Quốc hồi phục và thoát khỏi vòng xoáy giảm phát là có phần khá sớm, khi trước đó cũng nhiều gói kích thích được đưa ra nhưng chưa mang lại hiệu quả rõ nét. Chúng ta vẫn cần chờ thêm các số liệu chứng minh khi các chính sách mới đi vào thực tiễn”, ông Huy chia sẻ.
Thực tế cho thấy Trung Quốc vẫn đang thiếu những chính sách tài khóa cụ thể để hỗ trợ các hoạt động kinh tế thực và thúc đẩy tiêu dùng trong bối cảnh nhu cầu tín dụng hạn chế và tỉ lệ thất nghiệp nhóm thanh thiếu niên 18-24 tuổi tăng vọt lên mức 19% trong tháng 8.
Góc nhìn từ thị trường Việt Nam
Với vị thế là nền kinh tế sản xuất và tiêu dùng số 1 thế giới cũng như là đối tác nhập khẩu lớn nhất và xuất khẩu lớn thứ nhì của Việt Nam, chúng ta chịu ảnh hưởng rõ nét từ biến động của kinh tế Trung Quốc.
Theo ông Huy, các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có thể gia tăng sản lượng và giá bán khi nhu cầu tiêu dùng của nước này phục hồi. Đồng thời khi xuất khẩu sang thị trường khác, doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu ít sự cạnh tranh hơn khi Trung Quốc ưu tiên thị trường nội địa và giảm bớt việc ồ ạt xuất khẩu sản phẩm dư thừa với chi phí rẻ trong những giai đoạn kinh tế trong nước yếu.
Ở góc độ đầu tư, ông Huy cũng chỉ ra những nhóm ngành có thể hưởng lợi trước loạt chính sách hỗ trợ nền kinh tế của Trung Quốc.
Đầu tiên, nhóm cổ phiếu vật liệu xây dựng sẽ hưởng lợi khi giá các loại hàng hóa này tăng lên nếu thị trường bất động sản phục hồi, tiêu biểu là thép (HPG, HSG, NKG). Giá thép trong nước có sự đồng pha chặt chẽ với giá thép thế giới, sau khi các gói kích thích được công bố đã giúp giá thép tăng khoảng 7% trong tuần.
Ngược lại ngành ống nhựa (BMP, NTP) vốn hưởng lợi trong 2 năm qua khi giá PVC liên tục phá đáy có thể giảm bớt sự tích cực khi giá sản phẩm này cũng có dấu hiệu tăng nhẹ trở lại trước các thông tin kích thích gần đây.
Thứ 2 là nhóm doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, tiêu biểu trên sàn là nhóm cao su và thủy sản.
Ngành cao su (DPR, PHR, GVR, DRI) có thể hưởng lợi khi Trung Quốc chiếm 65% kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này, giá cao su cũng vừa vượt đỉnh 5 năm trong tuần qua, ghi nhận tăng khoảng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Ngành sản xuất ô tô của Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng sẽ kéo theo nhu cầu và giá cao su tiếp đà tăng trong thời gian tới.
Ngành thủy sản cũng có kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 16% tổng ngành, đáng chú ý nhất là IDI và ANV khi thị trường Trung Quốc chiếm lần lượt 40% và 28% tổng doanh thu của doanh nghiệp này.
“Cũng cần lưu ý một lần nữa rằng động lực tăng giá bền vững của cổ phiếu đến từ tăng trưởng lợi nhuận, tính hiệu quả của các gói kích thích này cần thời gian để chứng minh khi đi vào thực tiễn, do đó khó tạo ra tác động ngay đến các doanh nghiệp dự kiến hưởng lợi nêu trên. Nhà đầu tư vẫn cần theo dõi sát những yếu tố vĩ mô cũng như hoạt động kinh doanh của từng doanh nghiệp để có chiến lược đầu tư phù hợp nhất”, ông Huy chia sẻ thêm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận