24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trung Nguyên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Kết quả kinh doanh và giá cổ phiếu không phải lúc nào cũng “chung đường”!

Trên thực tế, lợi nhuận doanh nghiệp là yếu tố chính tác động đến giá cổ phiếu, nhưng đôi khi giá cổ phiếu lại có diễn biến ngược chiều.

Kết quả kinh doanh và giá cổ phiếu không phải lúc nào cũng “chung đường”!
Lợi nhuận sau thuế năm 2022 của nhóm thủy sản có khả năng tăng 123% so với năm 2021. Ảnh: T.L

Phân hóa ngay trong ngành

Các doanh nghiệp liên quan đến xuất khẩu được nhận định sẽ đạt kết quả kinh doanh tích cực trong quí 2-2022, điển hình là nhóm thủy sản. Số liệu và phân tích của Fiinpro cho thấy, lợi nhuận sau thuế năm 2022 của nhóm doanh nghiệp ngành này có khả năng tăng 123% so với năm 2021. Kết quả quí 1-2022 lý giải kỳ vọng trên khi lợi nhuận tăng 264% so với cùng kỳ, nhờ doanh thu tăng trưởng và biên lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) được cải thiện. Giá xuất khẩu tăng tốt, nhu cầu tiêu thụ (đặc biệt là cá tra) tại nhiều thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, EU hồi phục mạnh sau thời gian đỉnh điểm của dịch Covid-19 là những yếu tố hỗ trợ cho ngành thủy sản trong nửa đầu năm nay.

Tuy vậy, trên thực tế, không phải doanh nghiệp nào có mảng kinh doanh thuộc lĩnh vực này cũng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng tốt mà kết quả hoạt động kinh doanh sẽ phụ thuộc không nhỏ vào từng loại sản phẩm xuất khẩu cũng như từng thị trường xuất khẩu. Thời gian vừa qua, các doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường EU và Mỹ được hưởng lợi nhiều hơn so với doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường khác như Trung Quốc.

Cụ thể, trong quí 2-2022, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) đạt 784 tỉ đồng lợi nhuận ròng, gấp ba lần cùng kỳ năm ngoái; Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) ước đạt hơn 114 tỉ đồng lợi nhuận, tăng 50% so với cùng kỳ. Trái ngược với VHC và FMC, Công ty cổ phần Thủy sản An Giang (AGF), sau khi báo lỗ 15,7 tỉ đồng trong quí 1-2022 (đưa mức lỗ lũy kế lên tới 863 tỉ đồng) cho biết lợi nhuận quí 2 sẽ tiếp tục là con số âm, đánh dấu quí thua lỗ thứ bảy liên tiếp. Thị trường xuất khẩu chính của AGF là Trung Quốc – quốc gia đang thực hiện chính sách zero Covid, hạn chế nhập khẩu nên các công ty xuất khẩu sang thị trường này gặp nhiều khó khăn, không thể duy trì sản lượng sản xuất như dự kiến. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu tăng, chi phí cước tàu tăng vọt, việc đặt container xuất khẩu gặp nhiều khó khăn cũng khiến doanh thu xuất khẩu bị ảnh hưởng.

Ở nhóm doanh nghiệp cao su, lợi nhuận có sự phân hóa chủ yếu do ảnh hưởng bởi các khoản thu tài chính từ công ty con, hay doanh thu hoạt động khác như thanh lý cây cao su. Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu cao su sẽ giúp giá mủ cao su tiếp tục tăng hoặc neo ở mức cao. Theo đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ hưởng lợi kép về sản lượng xuất đi và giá trị thu về. Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (PHR) hồi tháng 5 kỳ vọng doanh thu trong quí 2-2022 sẽ đạt 486 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 220 tỉ đồng. Tuy vậy, kết quả thực tế đã không được như kỳ vọng khi doanh thu thực tế chỉ đạt 239 tỉ đồng, giảm 31,6%, trong khi lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 8,7 tỉ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ. Thị trường xuất khẩu cao su chủ lực là Trung Quốc đang thực hiện chặt việc kiểm soát dịch bệnh là một trong những nguyên nhân chính khiến kết quả kinh doanh quí 2 của PHR không đạt dự báo.

Đối với ngành ngân hàng, lợi thế thuộc về một số ngân hàng lớn, có chất lượng tài sản tốt. Lợi nhuận toàn ngành năm 2022 được dự báo tăng trưởng 20-25%, nhưng kết thúc tháng 6, có ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tính bằng lần. Đơn cử, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) ước tính lợi nhuận sáu tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 1.800 tỉ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ năm ngoái. Với nhóm dầu khí, hiệu quả kinh doanh cũng tùy thuộc vào doanh nghiệp nằm ở đâu trong chuỗi giá trị ngành. Các nhóm hạ nguồn và trung nguồn thường “nhạy” với diễn biến giá dầu hơn các nhóm thượng nguồn. Tương tự, nhóm chứng khoán cũng tùy thuộc vào tỷ trọng tự doanh và chiến lược tự doanh, cơ cấu các nguồn doanh thu. Còn với nhóm bất động sản thì lại phụ thuộc vào “điểm rơi” lợi nhuận từ các dự án và quí 2 thường không phải là quí cao điểm.

Thị trường của sự kỳ vọng

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của những doanh nghiệp được kỳ vọng đạt lợi nhuận cao có diễn biến tăng giá khá mạnh trong thời gian qua. Dòng tiền thường có sự dịch chuyển như vậy để đón đầu cơ hội trong mỗi kỳ công bố kết quả kinh doanh quí. Theo thống kê từ Fiinpro, cổ phiếu thủy sản là một trong số ít ngành đi ngược thị trường chung khi ghi nhận mức tăng giá hơn 60% kể từ đầu năm 2022 đến nay. Trong thời gian tới, nhà đầu tư nắm giữ nhóm cổ phiếu này nên lưu ý đến một số yếu tố bất lợi. Một là, xuất khẩu tôm/cá thịt trắng vào Mỹ có thể chững lại do nhu cầu hạ nhiệt và tồn kho tăng. Hai là, giá xuất khẩu dự kiến giảm do nguồn cung từ các nước khác như Ấn Độ, Indonesia, Ecuador tăng (đối với tôm) và khả năng dư thừa nguồn cung nguyên liệu trong nước trong 3-4 tháng tới (đối với cá tra).

Trên thực tế, lợi nhuận doanh nghiệp là yếu tố chính tác động đến giá cổ phiếu, nhưng đôi khi giá cổ phiếu lại có diễn biến ngược chiều. Chẳng hạn, cổ phiếu DBC của Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam thời gian qua có một số phiên tăng trần, bất chấp doanh nghiệp này công bố lợi nhuận quí 2-2022 sụt giảm đến 93% so với cùng kỳ. Trước tình trạng doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh thua lỗ nhưng giá cổ phiếu tăng cao, hoặc lợi nhuận tăng trưởng mạnh thì giá cổ phiếu lại đi xuống, nhà đầu tư cần đánh giá cụ thể kết quả hoạt động, triển vọng kinh doanh của từng ngành, từng doanh nghiệp, cũng như kỳ vọng của thị trường. Như đà tăng giá của cổ phiếu DBC nhiều khả năng là do kỳ vọng của bên mua vào việc giá thịt heo đang tăng cao sẽ mang lại nguồn thu lớn cho DBC trong quí 3.

Nhìn chung, thị trường chứng khoán thường phản ánh trước các kỳ vọng của nhà đầu tư. Các yếu tố như xung đột Nga – Ukraine, Trung Quốc duy trì chính sách zero Covid, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh… được nhìn nhận đã phản ánh một phần vào giá cổ phiếu từ trước. Trong biến động tăng giá nguyên vật liệu thời gian qua, một số ngành đã được hưởng lợi là dầu khí, hóa chất, phân bón…, nhưng nguy cơ suy giảm lợi nhuận của các nhóm ngành này có thể diễn ra trong các quí tiếp theo. Ở chiều ngược lại, một số nhóm ngành có kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh trong hai quí đầu năm nay và giá cổ phiếu cũng đồng thời liên tục lao dốc rất có khả năng sẽ sớm tạo đáy và hồi phục trở lại. Chính vì diễn biến giá cổ phiếu phụ thuộc nhiều vào yếu tố kỳ vọng nêu trên nên việc tìm kiếm lợi nhuận khi đầu tư cổ phiếu không phải lúc nào cũng là điều dễ dàng!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
2.60 (0.00%)
27.55 +0.05 (+0.18%)
45.30 -0.20 (-0.44%)
54.50 -0.20 (-0.37%)
71.00 +1.30 (+1.87%)
prev
next

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả