Giám đốc phân tích Yuanta: "Xu hướng đi lên vẫn rất bền, vận hành KRX là bàn đạp cho thị trường thời gian tới"
Năm nay, không những chỉ doanh nghiệp kinh doanh hồi phục còn một yếu tố nữa là điểm cộng cho thị trường: nhiều doanh nghiệp chi trả cổ tức bằng tiền lớn và triển khai hệ thống mới KRX.
Sau 3 tháng tăng ròng rã với mức tăng trưởng gần 15% tính từ đầu năm đến cuối tháng 3, VN-Index đang trong giai đoạn "nhạy cảm" với thanh khoản sụt giảm mạnh chỉ còn trên dưới 20.000 tỷ đồng trong một vài phiên gần đây. Áp lực chính đến từ tỷ giá, chênh lệch lợi suất... Trước áp lực đó, khối ngoại bán ròng hơn 16.000 tỷ đồng từ đầu năm trái ngược với kỳ vọng của thị trường rằng nhóm nay sẽ quay trở lại mua ròng từ quý 1 năm 2024.
Diễn biến thị trường tiếp theo sẽ như thế nào đang được nhà đầu tư quan tâm. VnEconomy đã có trao đổi nhanh với ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta.
Sau 5 tháng tăng ròng rã, thị trường đang bước vào xu hướng giằng co điều chỉnh với nhiều diễn biến bất lợi về vĩ mô như tỷ giá, chênh lệch lợi suất cao...Ông đánh giá thế nào về những tác động này lên thị trường chứng khoán trong thời gian tới?
- Thị trường hiện tại đang đối diện nhiều rủi ro. Đầu tiên là tỷ giá. Áp lực tỷ giá khá lớn vì thời gian vừa qua đồng đô la có xu hướng hồi phục, áp lực này khả năng còn duy trì trong bối cảnh lạm phát ngắn hạn đang quay lại khi diễn biến giá dầu tăng, căng thẳng địa chính trị tăng. Tức là rủi ro chi phí đẩy kéo lạm phát tăng cao dẫn đến lãi suất tăng kéo đồng USD tăng theo.
Thứ hai, chênh lệch lãi suất tiền đô la và tiền đồng. Thời gian gần đây mức chênh lệch thu hẹp một chút nhờ các ngân hàng thương mại hiện nay tăng lãi suất huy động tiền đồng tuy nhiên lãi suất tiền đô la vẫn neo ở mức cao. Vì ban đầu nhà đầu tư kỳ vọng tháng 6 Fed giảm lãi suất tuy nhiên mức kỳ vọng này đã giảm dần chỉ còn dưới 50%. Sự kỳ vọng giảm, vô hình chung gây áp lực lãi suất tiền đô duy trì ở mức cao. Chênh lệch lợi suất tiền đồng và USD tiếp tục lớn.
Thứ ba, về căng thẳng địa chính trị khiến giá hàng hóa như giá dầu bị tác động mạnh nhất. Thông thường dầu chiếm 30% trong tính rổ CPI thành ra lạm phát neo cao khả năng cao Fed khó sớm hạ lãi suất, lãi suất có xu hướng tăng lên. Đó là những yếu tố cộng hưởng về tình hình tỷ giá.
Lãi suất tăng lại, lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 1 năm tăng, trái phiếu kỳ hạn Việt Nam cũng tăng. Nhìn từ năm 2022 đến nay, đồng đô và lợi suất trái phiếu ảnh hưởng trực tiếp đến chứng khoán, hai chỉ báo này tăng lên thì thị trường chứng khoán đều rất khó khăn.
Chưa kể, tháng 4 này là vùng trũng thông tin và khá trầm lắng, nhà đầu tư đang chờ đợi kế hoạch kinh doanh năm 2024 nên hầu như không phải là thời điểm nhà đầu tư trading mạnh.
Ông dự báo thế nào về VN-Index trong ngắn hạn?
- Có hai vùng hỗ trợ cần quan tâm. Vùng hỗ trợ số 1 VN-Index rơi về 1.230-1.235 điểm tất nhiên liệu vùng này có giữ vững được không vẫn còn sớm để trả lời; trường hợp xấu nhất rơi về 1.200 - 1.210, đây là vùng hỗ trợ mạnh của thị trường. Thời gian cân bằng nhất đâu đó ở 2 tuần cuối cùng của tháng 4, có thể rơi vào thời gian này để tiếp tục đà tăng.
Động thái bán ròng của khối ngoại hơn 16.000 tỷ đồng từ đầu năm, xu hướng này được dự báo còn mạnh nữa, liệu với áp lực bán như vậy dòng vốn nội có bị lung lay?
- Khuynh hướng bán ròng của khối ngoại sẽ chiếm chủ đạo trong thời điểm tháng 4 này. Liệu có quay lại mua ròng không thì phải hết tháng 5 sang tháng 6 mới quay lại mua ròng và phải đợi tỷ giá hạ nhiệt. Nhà đầu tư nước ngoài họ nhìn vào tỷ giá, tỷ giá tăng lên có xu hướng bán ròng ra. Họ nắm giữ USD có lợi hơn cổ phiếu nên bán ra và chờ đợi nhịp điều chỉnh sâu của thị trường để mua lại, hoặc đợi tỷ giá hạ nhiệt. Từ nay đến tháng 6 khó kỳ vọng đợt sụt giảm mạnh của tỷ giá, do đó xu hướng bán ròng vẫn còn và kỳ vọng cuối tháng 5 tháng 6 dòng tiền ngoại mới quay lại.
"Thị trường từ đầu năm đến nay đã tăng hơn 14%, nhiều cổ phiếu tăng bằng lần, tăng mấy chục phần trăm cũng có. Do đó, nhịp điều chỉnh là cần thiết để xu hướng đi lên tiếp tục bền vững. Nhưng không vì thế mà quá bi quan như giai đoạn 2023. Năm 2024 về trung và dài hạn xu hướng đi lên vẫn rất bền, không đến mức rung lắc mạnh. Những nhịp điều chỉnh là cơ hội cho nhà đầu tư mua vào với tầm nhìn đầu tư dài hạn một chút", ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân chứng khoán Yuanta.
Tuy nhiên, đà bán của nhóm này không ảnh hưởng nhiều đến thị trường. Quan sát cho thấy, từ đầu năm đến tháng 2-3 nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 11.000 tỷ tính riêng cổ phiếu trong khi 2023 bán ròng cả năm 23.000 tỷ. Riêng trong tháng 2-3 bán họ bán với lượng khổng lồ nhất nhưng cũng không ảnh hưởng đến xu hướng của thị trường. Chưa kể, nhóm này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ.
Tất nhiên tâm lý nhà đầu tư cá nhân có ảnh hưởng nhưng không đáng kể, không phải là nguyên nhân chính cho đợt điều chỉnh gần đây. Nhà đầu tư bán ra để chốt lời khi Vn-Index về sát mốc 1.300 điểm.
Vậy đâu sẽ là động lực cho thị trường trong một xu hướng dài hạn?
Thị trường có rất nhiều yếu tố hỗ trợ: Năm 2024 thực sự là một năm an toàn để găm vào cổ phiếu khi kinh tế đang hồi phục trở lại, Mỹ và châu Âu cũng đang hồi phục; 3 tháng đầu năm Việt Nam xuất siêu; tăng trưởng GDP trong quý đầu tiên cũng rất tốt; môi trường lãi suất trong nước thấp đi; kỳ vọng lớn nhất cả thị trường thế giới và trong nước là Fed giảm lãi suất tháng 6 dù vẫn phải chờ. Nhưng ít nhất năm nay kỳ vọng Fed sẽ có 2 nhịp giảm lãi suất.
Với Việt Nam, lãi suất có thể nhích tăng, nhưng vẫn ở mức thấp nên dòng tiền vẫn ưa chuộng kênh đầu tư có rủi ro cao hơn như cổ phiếu.
Năm nay, không những chỉ doanh nghiệp kinh doanh hồi phục còn một yếu tố nữa là điểm cộng cho thị trường: nhiều doanh nghiệp chi trả cổ tức bằng tiền lớn. Đó là yếu tố rất tốt bên cạnh triển khai hệ thống mới KRX. Khả năng cao đầu tháng 5 sẽ golive, đó là bàn đạp cho thị trường chứng khoán.
Trước nhiều yếu tố bất lợi, tâm lý nhà đầu tư bắt đầu yếu đi, thanh khoản 2 phiên gần đây rơi về mức thấp, ông có lời khuyên gì cho nhà đầu tư để đi qua giai đoạn này?
Hiện tại thị trường không quá thuận lợi, nhất là thời điểm 2-3 tuần đầu tiên của tháng 4 không thuận lợi để nhà đầu tư lướt sóng, chúng ta nên đưa tỷ trọng cổ phiếu về mức thấp đối với nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn. Không nên đánh bằng margin, quan sát vùng hỗ trợ 1.230 - 1.235 và vùng hỗ trợ mạnh 1.200-1.210 để giải ngân.
Với tầm nhìn trung và dài hạn thì những nhịp điều chỉnh là cơ hội mua để nắm giữ. Mặc dù tháng 4 thị trường chỉnh, mức sinh lời thu hẹp thậm chí là thua lỗ nhưng nhìn cho cả năm nay thì đó không phải là vấn đề quan ngại của thị trường.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận