Doanh nghiệp ngành gỗ chịu cảnh bấp bênh trong quý III/2023
Chịu ảnh hưởng chung từ thị trường, các doanh nghiệp ngành gỗ kinh doanh khá chật vật trong quý III/2023 với lợi nhuận tăng trưởng âm, thậm chí là lỗ.
Theo số liệu ước tính của Tổng cục Hải quan, tính chung 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 10,8 tỷ USD, giảm 19,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 7,3 tỷ USD, giảm 22,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình thế giới diễn biến nhanh, thách thức nhiều hơn so với dự báo như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột tại Nga và Ukraine vẫn gay gắt, gần đây là xung đột tại Dải Gaza; kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm. Hoạt động xuất, nhập khẩu tại nhiều thị trường bị thu hẹp.
Bối cảnh trên đã tác động sâu sắc, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp ngành gỗ trong quý III/2023.
Lợi nhuận thu hẹp theo thị trường
Với xu thế chung của toàn ngành, Công ty Cổ phần Gỗ An Cường (HoSE: ACG) mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý III/2023 với nhiều chỉ số sụt giảm, báo hiệu nhiều tín hiệu khó khăn. Công ty cho biết, nguyên nhân là do tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới diễn biến phức tạp. Ngoài ra, một phần nguyên nhân cũng đến từ việc người tiêu dùng thận trọng trong chi tiêu.
Cụ thể, doanh thu thuần của công ty trong quý đạt 963 tỷ đồng, giảm 18%. Dù giá vốn hàng bán tiết giảm nhưng lợi nhuận gộp của công ty vẫn giảm 14% xuống còn 298 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính đạt 8,6 tỷ đồng, chi phí bán hàng đạt 123 tỷ đồng; tiết giảm lần lượt 29% và 10% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp của Gỗ An Cường lại phát sinh nhẹ thêm 4%, lên 37 tỷ đồng.
Sau khi trừ các chi phí, doanh nghiệp ngành gỗ này báo lãi 129,8 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Gỗ An Cường ghi nhận doanh thu thuần 2.611 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 275 tỷ đồng; giảm lần lượt 16% và 38% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2023, công ty đặt ra mục tiêu doanh thu đạt 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 668 tỷ đồng. Như vậy, với những kết quả đạt được, Gỗ An Cường đã hoàn thành 52% kế hoạch doanh thu và 41% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Tương tự, quý III/2023, Công ty Cổ phần Phú Tài (HoSE: PTB) ghi nhận doanh thu đạt 1.186 tỷ đồng, giảm 23%. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận của Phú Tài ghi nhận 77 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ.
Như vậy, trong kỳ mặc dù tiết giảm chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp nhưng lợi nhuận vẫn giảm tới 35,8%, nguyên nhân chủ yếu do giảm lợi nhuận gộp.
Lý giải lợi nhuận lao dốc trong quý III, Gỗ Phú Tài cho biết do doanh thu từ ngành gỗ giảm do khó khăn chung của thị trường châu Âu, và Mỹ, bên cạnh đó là sự suy yếu thị trường bất động sản trong giai đoạn hiện nay đã làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh quý III.
Luỹ kế trong 3 quý đầu năm 2023, Gỗ Phú Tài ghi nhận doanh thu đạt 4.070 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 242 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2023, Phú Tài lên kế hoạch doanh thu đạt 7.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, Công ty Phú Tài mới hoàn thành 60,5% so với kế hoạch năm.
Bước sang quý IV/2023, Công ty Phú Tài ước tính doanh thu khoảng 1.473 tỷ đồng, giảm 14,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế khoảng 106 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.
Nghịch lý doanh thu tăng, lợi nhuận giảm
Khác với các doanh nghiệp trên, tại một số công ty ngành gỗ vẫn ghi nhận doanh thu tăng trưởng nhờ các biện pháp giảm giá, khuyến mại. Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán tăng dẫn đến sau khi trừ các khoản, lợi nhuận của doanh nghiệp vẫn đi lùi, thậm chí lỗ.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HoSE: TTF) ghi nhận doanh thu đạt 386 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước; giá vốn bán hàng tăng khiến lợi nhuận gộp giảm còn 62 tỷ đồng.
Sau khi trừ các chi phí, Gỗ Trường Thành báo lỗ sau thuế 9 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 2,7 tỷ đồng. Đây cũng là quý lỗ thứ 2 liên tiếp của công ty.
Kết thúc 9 tháng đầu năm, Gỗ Trường Thành đạt 1.100 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 28% cùng kỳ. Chi phí hoạt động giảm đáng kể song do lãi gộp giảm mạnh hơn dẫn đến lợi nhuận sau thuế chuyển âm 49 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tăng vượt mức 3.100 tỷ.
Năm 2023, doanh nghiệp của Chủ tịch Mai Hữu Tín đặt kế hoạch 2.222 tỷ đồng doanh thu và 54 tỷ lợi nhuận sau thuế. Tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản của Gỗ Trường Thành giảm về dưới mức 3.000 tỷ đồng trong đó vốn chủ sở hữu còn 368 tỷ đồng.
Đối với Công ty cổ phần Chế biến Gỗ Đức Thành (HoSE: GDT), quý III/2023 ghi nhận doanh thu tăng, nhưng lợi nhuận giảm do giai đoạn này công ty phải giảm giá khuyến mại nhiều để lấy đơn hàng.
Cụ thể, doanh thu của Gỗ Đức Thành đạt gần 70 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế quý III/2023 đạt hơn 8 tỷ đồng, giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Công ty cho biết, doanh thu tăng nhẹ do có thêm doanh thu của sản phẩm nội thất mới phát triển. Lợi nhuận sau thuế giảm do công ty phải giảm giá, khuyến mãi nhiều để lấy đơn hàng. Trong khi đó, các khoản chi phí quản lý không giảm như bảo hiểm xã hội, khấu hao, lương nhân viên quản lý.
Lũy kế 3 quý đầu năm, Gỗ Đức Thành ghi nhận doanh thu thuần đạt 222 tỷ đồng, giảm 26,5% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính giảm 34,7%, xuống còn 7,8 tỷ đồng. Kết quả Gỗ Đức Thành báo lãi 23,8 tỷ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận