"Cú ngã lợi nhuận" quý III của ngân hàng sau thành công quý II/2024
Tính đến chiều ngày 30/10/2024 đã có 911 doanh nghiệp niêm yết (đại diện 84,6% vốn hóa toàn thị trường) công bố kết quả kinh doanh quý III.
Số liệu từ Fiintrade, tổng lợi nhuận sau thuế quý III/2024 của 911 doanh nghiệp tăng 16,1% so với cùng kỳ 2023, nhưng giảm 3,1% so với quý trước liền kề do kết quả kém tích cực từ nhóm tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm).
Xét theo quy mô vốn hóa, tăng trưởng lợi nhuận đóng góp chủ yếu bởi nhóm vốn hóa lớn VN30 với mức tăng 20,2% so với cùng kỳ trong khi nhóm vốn hóa vừa VNMID và nhỏ VNSML tăng lần lượt 8,5% và 30,6%.
Đối với nhóm ngân hàng, tính đến nay đã có 24/27 ngân hàng niêm yết công bố báo cáo tài chính quý III/2024. Dữ liệu từ Fiintrade, hầu hết các ngân hàng đều ghi nhận lợi nhuận quý III giảm với quý II/2024, ngoại trừ VPB, HDB, EIB và STB.
Các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước (VCB, CTG, BID) cùng ghi nhận tín dụng tăng chậm lại và NIM kém đi. Lợi nhuận sau thuế của 22 ngân hàng này tăng 18,2% so với cùng kỳ nhờ nền so sánh cùng kỳ thấp và ngược lại, giảm 9,5% so với quý II/2024.
Lãi suất tại Việt Nam đã giảm liên tục trong năm qua, điều này sẽ phần nào hỗ trợ nhu cầu vay trên toàn hệ thống, mặc dù giải quyết các vấn đề cản trở dự án bất động sản mới sẽ là động lực quan trọng hơn cho nhu cầu vay liên quan đến bất động sản. Lãi suất thấp hơn cũng có lợi cho chất lượng tổng tài sản của ngành và mặc dù lãi suất thấp thường làm giảm biên lãi ròng (NIM) của ngân hàng, bà Nguyễn Thị Thúy Anh, Chuyên gia phân tích Ngân hàng của VinaCapital dự báo NIM sẽ ổn định vào năm tới nhờ cải thiện cơ cấu cho vay (tức là nhiều khoản vay thế chấp và cho vay bán lẻ hơn).
Xu hướng tăng lãi suất tiền gửi tiếp tục chững lại trong tháng 9, khi chỉ có một vài ngân hàng tăng lãi suất với mức tăng từ 0,1% - 0,5%, cho thấy thanh khoản hệ thống khá dồi dào trong vài tuần đầu tháng.
Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng việc cơn bão Yagi gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng khiến nhiều doanh nghiệp mất khả năng trả nợ, có thể làm gia tăng áp lực nợ xấu (nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống đến cuối tháng 6 năm nay đã tăng 5,8% so với cuối năm 2023). Do đó, đây là yếu tố thúc đẩy các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động nhằm thu hút vốn mới, qua đó giúp đảm bảo thanh khoản.
“Chúng tôi cho rằng sự phục hồi của tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm, sẽ phần nào gây áp lực lên thanh khoản hệ thống và có thể dẫn đến việc tăng lãi suất đầu vào”, MBS nhận định.
Tính đến ngày 30/9, tăng trưởng tín dụng đã tăng 9%, cao hơn so với mức 6,92% ghi nhận vào cùng kỳ năm 2023. Ở chiều ngược lại, việc lạm phát ở mức thấp và FED hạ lãi suất được kỳ vọng sẽ tạo thêm dư địa cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ tại Việt Nam. Dựa vào các yếu tố trên, MBS dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 20 điểm cơ bản, dao động quanh mức 5,1% - 5,2% vào cuối năm 2024.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận