Thị trường chứng khoán: VN-Index lấy lại đà tăng điểm, song vượt vùng đỉnh chưa thành
Thị trường chứng khoán trong nước tuần (3 – 7/6) diễn biến tích cực hơn hẳn so với tuần trước đó. Chỉ số VN-Index lấy lại đà tăng khá tốt, sau 2 tuần giằng co và điều chỉnh trước đó. Thanh khoản giữ được ở mức khá, trong khi đó, khối ngoại đã bán ròng giảm đáng kể. Thị trường đã nỗ lực vượt vùng đỉnh nhưng chưa thành và cơ hội đó có thể tiếp tục được kiểm định vào tuần mới.
Thị trường chứng khoán trong nước vừa trải qua một tuần (3 – 7/6) với giao dịch khởi sắc hơn. Chỉ số VN-Index đã tăng trở lại sau mấy tuần điều chỉnh trước đó. Mặc dù chưa thực sự bùng nổ và chưa chinh phục thành công vùng đỉnh xung quanh mốc 1.290 điểm, nhưng nhìn chung các yếu tố đã cho thấy sự tích cực hơn. Thanh khoản vẫn ở mức khá tốt, trong bối cảnh khối ngoại cũng giảm bán ròng khá mạnh.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số VN-Index dừng lại ở mức 1.287,58 điểm, tăng +25,86 điểm, tương đương +2,04% so với cuối tuần trước. Thị trường khởi đầu tuần bằng một phiên tăng khá ấn tượng, đưa chỉ số dễ dàng lấy lại mốc 1.280 điểm. Chỉ số VN-Index sau đó giằng co trong biên độ hẹp, nhưng vẫn giữ được mốc trên, cho dù nỗ lực vượt vùng đỉnh bất thành.
Trên sàn Hà Nội, chỉ số chính duy trì đà tăng trong tuần. Theo đó, chỉ số HNX-Index đóng cửa tại 144,99 điểm, tăng +1,9 điểm so với tuần trước, tương đương +0,8%; trong khi đó, chỉ số UPCoM-Index đạt 98,96 điểm, tăng +2,98 điểm, tương ứng 3,1% so với tuần trước.
Cũng trong tuần, cổ phiếu các nhóm ngành trên thị trường đều có sự tăng trưởng so với tuần trước. Theo đó, nhóm ngành viễn thông dẫn đầu đà tăng, tăng +6,7% so với tuần trước; tiếp đến là ngành công nghệ thông tin với +6,1%; thứ ba là nhóm ngành tiêu dùng với +5,5%... Bên cạnh đó, một số ngành cũng tăng điểm khá so với tuần trước đó như: công nghiệp, dầu khí, ngân hàng, nguyên vật liệu, tài chính…
Cụ thể như, trong tuần qua, nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin có diễn biến khá nổi bật khi tăng mạnh, tiêu biểu là cổ phiếu đầu tàu như: FPT (+5,5%), ITD (+30,31%), CMG (+12,32%)…
Các cổ phiếu nhóm ngành bảo hiểm cũng tăng trưởng tốt với nhiều mã nổi bật như: BVH (+3,46%), MIG (+3,35%)... Nhóm cổ phiếu thực phẩm và đồ uống tăng với sự góp mặt của: SAB (+16,47%), VNM (+3,67%), BNA (+16,82%), SAF (+7,96%)... Nhóm cổ phiếu ngân hàng có sự phân hóa, bên cạnh sắc xanh đến từ VCB (+1,94%), TCB (+4,47%), STB (+10,41%)… thì cũng đi ngang của VPB (+0%) hay sắc đỏ từ EIB (-0,75%)…
Trong khi đó, các cổ phiếu hóa chất điều chỉnh giảm -1,9% chủ yếu do DGC (-3,33%), thì cổ phiếu phân bón tuần qua ghi nhận sự tích cực với DCM (+4,13%), DPM (+8,19%), BFC (+3,55%).
Xét về mức đóng góp tích cực cho chỉ số VN-Index trong tuần đứng đầu là SAB (+3,16 điểm), tiếp đó là FPT (+2,33 điểm), TCB (+1,83 điểm), VCB (+1,81 điểm). Đột biến nhất là cổ phiếu POW (+10,71%) khi có tuần tăng mạnh thứ 2 liên tiếp với khối lượng giao dịch tăng, đạt 134,1 triệu cổ phiếu, tăng 5,2% so với tuần trước. Ở chiều ngược lại MWG làm mất đi -0,52 điểm, DGC -0,39 điểm...
Thanh khoản toàn thị trường chứng khoán trong tuần vẫn được duy trì ở mức khá tốt, tương tự mức của tuần trước đó. Cụ thể, tổng giá trị giao dịch bình quân phiên 3 sàn đạt 25.982 tỷ đồng/phiên, tăng nhẹ +2,0% so với con số tuần trước. Đóng góp vào mức tăng nhẹ của thanh khoản tuần qua chủ yếu đến từ sàn HOSE. Theo đó, giá trị giao dịch bình quân phiên của HOSE đạt 22.766 tỷ đồng/phiên, tăng +4% so với tuần trước; trong khi đó, giá trị giao dịch bình quân phiên trên HNX và UPCoM lần lượt giảm -11,3% và -2,7%, đạt 1.648 tỷ đồng/phiên và 1.568 tỷ đồng/phiên.
Khối ngoại vẫn có một tuần giao dịch bán ròng nhưng giá trị bán ròng đã giảm đáng kể. Theo đó, khối ngoại đã bán ròng 1.687 tỷ đồng trên toàn thị trường, giảm rất mạnh so với con số kỷ lục của tuần trước khoảng 7.800 tỷ đồng. Như vậy, khối ngoại vẫn duy trì chuỗi tuần bán ròng mạnh và liên tục, nâng giá trị bán ròng tính từ đầu năm lên tới 36.572 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán trong nước tuần qua đón nhận một số thông tin tích cực và có tác động phần nào tới tâm lý của nhà đầu tư. Trên thế giới, thông tin về lãi suất được cắt giảm tại một số quốc gia, khu vực đã tạo kỳ vọng cho hành động giảm lãi suất của FED.
Cụ thể, tuần qua, lần đầu tiên sau 4 năm, Ngân hàng Trung ương Canada (BOC) đã tiên phong cắt giảm lãi suất trong nhóm G7 từ mức 5% xuống còn 4,75%. Tiếp nối sau đó vào ngày 6/6, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã chính thức hạ lãi suất chủ chốt xuống 3,75%, đánh dấu lần cắt giảm đầu tiên kể từ năm 2019 và sau 6 lần giữ nguyên chính sách liên tiếp kể từ tháng 7/2023.
Trong khi đó, ở trong nước, thị trường tiền tệ cũng có sự hạ nhiệt về tỷ giá và giá vàng. Cùng với đà giảm của giá vàng thế giới và giải pháp bán vàng thông qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước của Ngân hàng Nhà nước, giá vàng SJC trong nước tuần vừa qua đã giảm mạnh về 76,98 triệu đồng/lượng so với 87 triệu đồng cuối tuần trước (31/5), chênh lệch với giá thế giới cũng giảm chỉ còn hơn 4 triệu đồng/lượng.
Sự giằng co đã xuất hiện trên thị trường chứng khoán trong nước khi chỉ số VN-Index tiến tới vùng đỉnh xung quanh 1.290 điểm. Thị trường đã có 3 phiên liên tiếp tiếp cận mốc này nhưng đều chưa thành công. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, thị trường hiện đang có những dấu hiệu tích cực hơn.
Chỉ số đã hồi phục với thanh khoản ở mức vừa phải. Điểm tích cực hơn ở dòng tiền trên thị trường đó chính là áp lực bán đã giảm mạnh, điều đó có nghĩa là nhà đầu tư đang kỳ vọng thị trường ngắn hạn có thể sẽ vẫn còn tăng. Bên mua dù chưa mạnh, nhưng khi chỉ số chịu áp lực bán đều cho thấy lực cầu cân đối.
Thị trường tuần tới sẽ ít thông tin tác động hơn, ngoại trừ diễn biến trên thị trường tiền tệ trong nước, cũng như sự kỳ vọng về phiên họp của FED sắp tới. Do đó, sự bứt phá có thể chưa xảy ra nhưng với những tín hiệu hiện có, kết hợp với tâm lý tích cực hơn, chỉ số VN-Index vẫn có khả tăng tiếp cận ngưỡng 1.300 điểm trong ngắn hạn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận