Sóng cổ phiếu bảo hiểm cuồn cuộn nhờ cơn gió nào?
Tương tự hồi cuối tháng 8 năm nay, cổ phiếu bảo hiểm lần nữa phản ứng dữ dội trước thông tin “nới thêm room tín dụng” của Ngân hàng Nhà nước.
Đóng cửa phiên 29/11/2024, VN-Index nhích 0.67%, tương đương hơn 8 điểm, số mã tăng nhiều hơn 8% so với số mã giảm. Đặc biệt, nhóm cổ phiếu bảo hiểm tăng giá dữ dội và trở thành nhóm tăng tốt nhất thị trường với mức tăng 5.11%.
Biến động giá cổ phiếu bảo hiểm trong phiên 29/11/2024
Nguồn: VietstockFinance
Trong đó, ngoại trừ PGI đứng yên ở tham chiếu, các cổ phiếu bảo hiểm còn lại đều vươn mình “khoe sắc xanh” như PVI (+2.7%), PTI (+4.29%), BIC (+5.29%)... Tô điểm thêm cho bức tranh tươi sáng của cổ phiếu ngành bảo hiểm không thể thiếu sắc tím từ BVH (+6.98%) và MIG (6.78%).
Diễn biến giá cổ phiếu bảo hiểm từ tháng 7-11/2024
Nguồn: VietstockFinance
Diễn biến cổ phiếu bảo hiểm ở phiên hôm nay khá tương đồng với hồi cuối tháng 8/2024 khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có động thái “nới thêm room tín dụng” cho các tổ chức tín dụng (TCTD).
Ngay từ đầu năm 2024, NHNN đã giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (TTTD) cho các TCTD khoảng 15%, đề ra tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 15/1/2024. Ngày 28/08/2024, NHNN chủ động có văn bản thông báo điều chỉnh chỉ tiêu TTTD năm 2024 cho các TCTD. Đến ngày 22/11/2024, tín dụng toàn hệ thống tăng 11.12% so với cuối năm 2023.
NHNN cho biết trong điều kiện lạm phát được kiểm soát tốt dưới mức mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về điều hành tăng trưởng tín dụng linh hoạt, hiệu quả, kịp thời đáp ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, ngày 28/11/2024, NHNN tiếp tục thông báo điều chỉnh tăng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 đối với các TCTD theo nguyên tắc cụ thể, đảm bảo công khai, minh bạch. Việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của NHNN mà các TCTD không cần phải đề nghị.
Theo lý thuyết, khi tín dụng được đẩy mạnh, lãi suất cho vay thường có xu hướng giữ ổn định hoặc tăng nhẹ để đảm bảo biên lợi nhuận. Điều này có thể tạo áp lực buộc lãi suất huy động phải điều chỉnh tăng để thu hút tiền gửi, cân đối nguồn vốn, đảm bảo thanh khoản cho ngân hàng vào mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.
Vốn là ngành đặc thù bán các sản phẩm bảo hiểm có thời hạn ngắn nên danh mục đầu tư của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ thường tập trung chủ yếu vào tiền gửi và trái phiếu, chiếm hơn 80%; còn lại là cổ phiếu, bất động sản...
Do đó, ngoài mảng kinh doanh chính từ bảo hiểm, lợi nhuận từ hoạt động tài chính có thể tác động mạnh lên lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp bảo hiểm là bởi các doanh nghiệp này sở hữu lượng lớn tiền gửi. Bởi vậy, ngành bảo hiểm được cho là khá nhạy cảm với các quyết định lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại.
Và có lẽ vì thế mà thông tin nhà điều hành nới room tín dụng cho các ngân hàng là cơn gió đẩy sóng cổ phiếu bảo hiểm cuồn cuộn trong phiên hôm nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay