Nhóm tài chính và chứng khoán giảm sâu, VN-Index lùi về 1.174 điểm
Tiếp tục đà giảm của phiên sáng, thị trường chứng khoán trong phiên chiều 26/9 diễn biến tiêu cực và càng nới rộng đà giảm. Đã có lúc chỉ số VN-Index mất hơn 39 điểm và lùi về mức 1.164 điểm, HNX-Index giảm hơn 11,5 điểm, xuống mức 252,8 điểm. Tuy nhiên, về cuối phiên, đà giảm đã được thu hẹp.
Chốt phiên chiều 26/9, VN-Index mất gần 29 điểm và lùi về 1.174 điểm; HNX-Index giảm 8,7 điểm còn 255 điểm. Thanh khoản hiện đang có sự gia tăng với hơn 20 ngàn tỷ đồng, tương đương 885 triệu đơn vị được giao dịch, điều này cho thấy áp lực bán đang là khá lớn.
Trong phiên chiều, nhóm ngành giảm mạnh nhất phải kể đến là chứng khoán, tài chính, thiết bị điện, khai khoán, sản xuất hàng gia dụng… Trong đó, nhóm ngành tài chính giảm đến 6,58%, nhóm ngành chứng khoán giảm 5,44%.
Top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất, kéo chỉ số VN-Index giảm hơn 12 điểm phải kể đến CTG, BID, VHM, VPB, VCB, VRE, MBB, TCB, VIC. Trong đó, trong phiên sáng, chỉ mỗi VCB tăng điểm mạnh nhất thì nay đứng 5 trong top cổ phiếu giảm mạnh nhất sàn.
Theo nhận định của các chuyên gia tài chính – chứng khoán, việc thị trường giảm sâu trong đầu tuần không thể kể tới nguyên nhân động thái FED tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lần thứ ba liên tiếp trong tuần qua, điều này đã tác động đến Việt Nam và ngay sau đó, NHNN cũng đã ban hành quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 1%.
Chuyên gia Rồng Việt nhận định, hai động thái trên đã ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, khiến thị trường chứng khoán chưa thể thu hút dòng tiền tham gia trở lại và có thể thị trường sẽ tiếp tục đối diện với trạng thái suy yếu trong thời gian tới. Do vậy, nhà đầu tư vẫn nên giữ danh mục ở mức an toàn và quan sát tín hiệu của dòng tiền. Đồng thời, nhà đầu tư nên chờ tín hiệu hỗ trợ đáng tin cậy hoặc lùi về mức giá hợp lý để tích lũy cổ phiếu có định giá tốt.
Còn theo nhận định của ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco, trong ngắn hạn, thị trường chưa có thêm thông tin nào tác động tiêu cực trong khi phía trước vẫn còn nhiều câu chuyện để chờ đợi như: số liệu vĩ mô quý 3 trong tuần tới với mức tăng trưởng GDP kỳ vọng 2 chữ số, thông tin kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp dần được công bố với mức tăng trưởng lợi nhuận đột biến đến từ nhiều nhóm ngành.
Mặc dù vậy, về mặt kỹ thuật, VN-Index vẫn chưa thoát khỏi xu hướng giảm ngắn hạn và áp lực chốt lời vẫn còn. Do vậy, ông Nguyễn Anh Khoa dự báo trong tuần này, thị trường sẽ lình xình đi ngang nhưng có sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm ngành, nhóm cổ phiếu.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý là hiện tại mức P/E thị trường đang ở vùng thấp của 5 năm, kết hợp với kết quả kinh doanh quý 3 dự kiến tăng mạnh sẽ giúp mặt bằng định giá P/E trở nên hấp dẫn hơn và kích hoạt dòng tiền giải ngân trung và dài hạn. Vì thế, việc tăng lãi suất của NHNN là hoàn toàn phù hợp để kiểm soát lạm phát cũng như ổn định giá trị đồng nội tệ sau khi FED liên tục tăng lãi suất từ đầu năm.
Theo đó, ông Khoa cho rằng, việc tăng lãi suất sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thị trường chứng khoán vì cơ chế dẫn truyền từ lãi suất điều hành tới cung tiền sẽ có độ trễ, trong khi biến số ảnh hưởng nhiều tới chứng khoán chính là yếu tố cung tiền. Hơn nữa, mặt bằng lãi suất cho vay cũng cố gắng duy trì ở mức thấp chứ không tăng theo lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế.
Đối với một số nhóm cổ phiếu có thể có tác động nhất định, các ngành có tỷ lệ tiền gửi ngân hàng cao hoặc có tỷ trọng lớn trong tổng tài sản như nhóm bảo hiểm, khu công nghiệp, dầu khí sẽ hưởng lợi tốt. Đối với nhóm bảo hiểm cũng được hưởng lợi kép khi giảm trích lập dự phòng các nghĩa vụ bảo hiểm trong tương lai (giảm dự phòng toán học).
Đối với các ngành chịu ảnh hưởng tiêu cực, cần xét tới các trường hợp lãi suất cho vay có tăng tương ứng hay không. Nếu có, các ngành có tỷ lệ vay nợ cao như bất động sản, xây dựng... có thể bị ảnh hưởng. Trường hợp ngược lại, kết quả kinh doanh nhóm ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng khi bị thu hẹp biên lãi suất ròng (NIM).
Với thông tin trên, ông Nguyễn Anh Khoa khuyến nghị nhà đầu tư nên cơ cấu tỷ trọng danh mục đầu tư ở mức tối đa 50% cổ phiếu, có thể chuyển hướng giải ngân sang các nhóm ngành có tính phòng vệ lạm phát và hưởng lợi trong môi trường lãi suất tăng hoặc lạm phát biến động như bảo hiểm (danh mục đầu tư chủ yếu là tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn) hay tiện ích (nhu cầu tiêu thụ tăng lên sau dịch COVID-19 cũng như ít chịu biến động bởi chu kỳ kinh tế).
Ngoài ra, nhóm xây dựng hạ tầng với kỳ vọng đẩy nhanh tốc độ thi công trong các tháng cuối năm và hưởng lợi khi giá thép xây dựng điều chỉnh khá lớn kể từ đầu năm cũng là cơ hội để đầu tư trong giai đoạn này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận