menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Hướng

Kính Đáp Cầu (DSG), Nasco (NAS) bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

Kính Đáp Cầu và Nasco là những cái tên đầu tiên bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục trong mùa công bố báo cáo kiểm toán năm 2021.

Kính Đáp Cầu: Lỗ “ăn” gần hết vốn chủ

Trên báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021 của Công ty cổ phần Kính Đáp Cầu (mã chứng khoán DSG), Hãng Kiểm toán AASC nhấn mạnh, tại thời điểm ngày 31/12/2021, nợ ngắn hạn của Công ty đã vượt quá tài sản ngắn hạn 51,4 tỷ đồng, tổng số nợ quá hạn chưa thanh toán là 70,25 tỷ đồng và lỗ lũy kế là 295,42 tỷ đồng, tương ứng 98,47% vốn chủ sở hữu.

“Điều này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty”, báo cáo viết.

Bên cạnh đó, kiểm toán viên cũng đưa ý kiến ngoại trừ với khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho của Kính Đáp Cầu. Theo đó, tại ngày 31/12/2021, Công ty đã thực hiện đánh giá giá trị thuần có thể thực hiện được của toàn bộ hàng tồn kho, trích lập dự phòng bổ sung và ghi nhận vào chi phí của năm 2021 số tiền 16,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bằng các thủ tục kiểm toán đã thực hiện, công ty kiểm toán không thể đánh giá được việc ghi nhận toàn bộ chi phí dự phòng nêu trên vào kết quả kinh doanh năm nay có phù hợp hay không và không thể xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh số liệu có liên quan trên.

Kính Đáp Cầu tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, được cổ phần hóa từ năm 2005. Công ty hiện có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, trong đó cổ đông Nhà nước sở hữu 86,41% (tính tại thời điểm 31/12/2021). Suốt 9 năm qua, Công ty liên tục báo lỗ.

Năm 2013, Công ty lỗ 4,4 tỷ đồng; năm 2014 lỗ 3,1 tỷ đồng; năm 2015 lỗ 17,7 tỷ đồng; năm 2016 lỗ 20 tỷ đồng; năm 2017 lỗ 16,2 tỷ đồng; năm 2018 lỗ 13,2 tỷ đồng; năm 2019 lỗ 7,4 tỷ đồng; năm 2020 lỗ hơn 20,4 tỷ đồng. Năm 2021, Công ty đặt kế hoạch lỗ hơn 12 tỷ đồng, nhưng kết quả là lỗ hợp nhất hơn 34,5 tỷ đồng.

Nguyên nhân thua lỗ năm 2021 vượt xa kế hoạch, theo lý giải của doanh nghiệp, là dù dừng sản xuất dây chuyền kính cán 120 tấn/ngày và 80 tấn/ngày từ năm 2012 và năm 2016, song Công ty vẫn phải tiếp tục trích khấu hao tài sản cố định của hai dây chuyền sản xuất này tổng cộng 7,3 tỷ đồng trong năm qua. Bên cạnh đó, Công ty phát sinh khoản lỗ 16,6 tỷ đồng do thực hiện trích lập dự phòng giảm giá thành phẩm, nguyên vật liệu tồn kho.

Hiện Công ty chỉ còn vận hành nhà máy sản xuất các sản phẩm kính tôi, kính dán, kính hộp; nhà máy gia công kính tiết kiệm năng lượng tại Khu công nghiệp Yên Phong - tỉnh Bắc Ninh và sản xuất gương nhôm tại phân xưởng hiện có của Nhà máy kính Đáp Cầu.

Tuy vậy, dây chuyền gia công lắp dựng kính chưa phát huy hết công suất, Công ty TNHH MTV Lắp dựng kính không hoàn thành kế hoạch sản xuất - kinh doanh của năm 2021. Doanh thu tiêu thụ của công ty con này chỉ đạt 32% kế hoạch, lỗ 7,3 tỷ đồng.

Kính Đáp Cầu đã có công văn giải trình về ý kiến ngoại trừ của kiểm toán viên. Theo đó, “trong năm 2021, Công ty đã thu thập các hồ sơ, tài liệu chứng minh giá gốc tồn kho cao hơn giá trị thuần và đã thực hiện trích lập các khoản chi phí dự phòng giảm giá hàng tồn kho gồm nguyên vật liệu, vật tư, thành phẩm tồn kho giá trị 16,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do kiểm toán viên không thể xác định được chi phí dự phòng này được ghi nhận vào chi phí của năm 2021 hay chi phí các năm trước đó nên mới đưa ra ý kiến ngoại trừ về vấn đề này”.

Năm 2022, Kính Đáp Cầu đặt mục tiêu công ty con có lãi và thanh toán một số khoản nợ phải trả đã quá hạn cho khách hàng.

Tuy nhiên, Công ty tự nhận thấy do doanh thu bán hàng thấp, dòng tiền hạn chế nên kế hoạch trả nợ không đạt như cam kết với khách hàng. Vì vậy, còn tiềm ẩn các rủi ro pháp lý ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty sau này, đặc biệt là các khoản công nợ phải trả đối với Chi nhánh Xăng dầu Bắc Ninh và một số khách hàng khác.

Báo cáo thường niên năm 2021 của Công ty cho biết, hiện tại, công ty mẹ đang các thủ tục để xin chuyển đổi 12,5 ha đất từ đất xây dựng nhà máy kính sang đất ở hỗn hợp theo chủ trương đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Song, tương lai của doanh nghiệp vẫn còn mịt mờ. Bởi lẽ, với thực trạng mảng kinh doanh lõi ngày càng đi xuống, tài chính kiệt quệ, việc khai thác khu đất này cũng như tái cấu trúc doanh nghiệp là bài toán không đơn giản. Đầu tư - kinh doanh bất động sản vốn là lĩnh vực vốn đòi hỏi kinh nghiệm triển khai cũng như nguồn lực tài chính lớn.

Nasco: Cú sốc từ đại dịch Covid

Từng là doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh khá tốt, với thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) năm 2018 và 2019 đều trên 3.000 đồng, song mới đây, Công ty cổ phần Dịch vụ sân bay hàng không Nội Bài (Nasco, mã NAS) bị đơn vị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục.

Cụ thể, trên báo cáo kiểm toán năm 2021 của Nasco, kiểm toán viên đưa ra ý kiến: “Tính đến ngày 31/12/2021, các khoản nợ ngắn hạn của Công ty đã vượt quá tài sản ngắn hạn 26,7 tỷ đồng. Đồng thời, trong năm 2021, khoản lỗ thuần từ hoạt động sản xuất - kinh doanh, lỗ sau thuế của Công ty mẹ với số tiền lần lượt là 127,8 tỷ đồng và 91,5 tỷ đồng, dẫn đến lỗ luỹ kế tới 31/12/2021 là 85,4 tỷ đồng. Những điều này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty”.

Báo cáo tài chính của Công ty cũng cho thấy, tại thời điểm cuối năm 2021, Nasco ghi nhận tổng tài sản hơn 266 tỷ đồng, giảm 67% so với đầu năm. Nợ phải trả là hơn 211 tỷ đồng, cao gấp gần 4 lần so với vốn chủ sở hữu (54,9 tỷ đồng). Doanh thu giảm 36% so với năm 2020 đạt 251 tỷ đồng.

Trên báo cáo tài chính riêng của Nasco, Công ty Kiểm toán UHY đã đưa ra ý kiến ngoại trừ về việc chưa thu thập được đầy đủ thư xác nhận liên quan đến số dư tại ngày 31/12/2021 của các khoản công nợ trả trước cho người bán với tiền hơn 4 tỷ đồng. Các thủ tục kiểm toán thay thế chưa đem lại đầy đủ các bằng chứng kiểm toán cần thiết làm cơ sở đưa ra ý kiến nhận xét về số dư của khoản mục trên cũng như ảnh hưởng của nó đến các chỉ tiêu có liên quan trên báo cáo tài chính.

Năm 2021 là năm thứ hai liên tiếp Nasco rơi vào tình cảnh thua lỗ. Năm 2021, báo cáo tài chính NAS ghi nhận thua lỗ hơn 137 tỷ đồng. Trước đó, năm 2020, Công ty lỗ 319 triệu đồng. Dịch bệnh Covid-19 đã khiến các doanh nghiệp hàng không lao đao và Nasco không phải là ngoại lệ.

Đợt bùng phát dịch bệnh ở trong nước cùng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt theo Chỉ thị 16 ở nhiều tỉnh, thành phố trong một thời gian dài khiến doanh thu của Công ty suy giảm mạnh, trong khi chi phí đầu vào lại tăng mạnh (khấu hao, chi phí lãi vay, chi phí nguyên liệu).

Ngoài ra, Công ty còn phải trích lập dự phòng lỗ đầu tư. Cụ thể, công ty mẹ đã trích lập hơn 44 tỷ đồng dự phòng lỗ đầu tư tại các công ty có vốn góp (Nasco Logistics, VSSI), nhất là Nasco

Logistics lỗ hơn 89 tỷ đồng do phải trích lập 90 tỷ đồng đầu tư vào Công ty cổ phần Nhà ga Quốc tế Cam Ranh và trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi là 1,63 tỷ đồng.

Tuy vậy, với việc khôi phục trở lại các đường bay trong nước và quốc tế và thực tế các sân bay chật kín người từ Tết Nguyên đán tới nay, có thể kỳ vọng các doanh nghiệp ngành hàng không, trong đó có Nasco sớm cải thiện doanh thu và lợi nhuận.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại