Thanh khoản tiếp tục “dò đáy”, cổ phiếu nhỏ có lợi thế
Giao dịch chậm chạp sáng nay tiếp tục đẩy thanh khoản xuống mức thấp mới, hai sàn niêm yết chỉ khớp thành công gần 4.075 tỷ đồng, giảm 9% so với sáng hôm qua. Nhà đầu tư nội lẫn ngoại đều giảm cường độ giao dịch, nhưng cổ phiếu vẫn giữ được trạng thái phân hóa và biên độ dao động rất hẹp...
Những nỗ lực tăng vẫn xuất hiện, chủ yếu là do thay đổi cung cầu trong thời gian ngắn. Thị trường có nhịp tăng sớm và khá tốt đầu phiên nhưng chỉ kéo dài chừng 45 phút sau khi có giá mở cửa. VN-Index đạt đỉnh lúc 9h45, tăng 4,2 điểm so với tham chiếu nhưng đến cuối phiên chỉ còn tăng 1,04 điểm (+0,08%). Độ rộng tại đỉnh chỉ số ghi nhận 198 mã tăng/88 mã giảm và kết phiên còn 142 mã tăng/182 mã giảm.
Cũng giống như các phiên trước, mức thanh khoản quá kém khiến dao động giá không ổn định và rất dễ thay đổi. Trong bối cảnh này, nhóm cổ phiếu nhỏ có lợi thế lớn nhất vì các dòng tiền nhỏ vẫn hoạt động phù hợp với thanh khoản bình thường. Chỉ số VNSmallcap đang tăng 0,31% trong khi Midcap tăng 0,02% còn VN30 lại giảm 0,01%. Thanh khoản rổ Smallcap thậm chí chiếm 15,2% tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE, thị phần cao nhất kể từ đầu tháng 6/2024.
Cả 5 cổ phiếu tăng kịch trần của VN-Index sáng nay đều thuộc nhóm vốn hóa nhỏ, bao gồm LIX, PAC, SAM, HVH và YEG. Ngoài ra cả loạt cổ phiếu tăng mạnh khác cũng thuộc rổ này như ICT tăng 5,45%, SGT tăng 4,01%, JVC tăng 3,99%, HAX tăng 3,07%, BAF tăng 2,55%, DBD tăng 1,53%... Dĩ nhiên thanh khoản tuyệt đối ở các cổ phiếu này không lớn, nhưng ngưỡng vài tỷ tới vài chục tỷ đồng cũng là dư địa đủ rộng cho các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ.
Các dòng tiền lớn chắc chắn không “cựa nổi” với mức thanh khoản như vậy. Thực tế nhóm này hầu như dừng giao dịch, thể hiện qua thanh khoản tổng thể cực thấp và rổ VN30 cũng chỉ đạt hơn 1.395 tỷ đồng, mức thấp chưa từng thấy kể từ đầu năm. Kỷ lục thấp hơn sáng nay là phiên sáng ngày 21/12/2023 với 1.271 tỷ đồng.
Toàn sàn HoSE chỉ có 4 cổ phiếu giao dịch được hơn 100 tỷ là FPT với 216,7 tỷ, giá tăng 0,68%; DBC với 190,3 tỷ, giá tăng 3,31%; MWG với 122 tỷ, giá giảm 0,5% và HPG với 110 tỷ, giá tham chiếu. Sàn HoSE khớp “miệt mài” trong buổi sáng cũng chỉ khoảng 3.783 tỷ đồng, giảm 10% so với sáng hôm qua.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng đang giảm mạnh cường độ, tổng giá trị mua vào ở HoSE chỉ là 343 tỷ, giảm 40% so với sáng hôm qua, bán ra 414,5 tỷ, giảm 58%. Mức bán ròng tương ứng 71,5 tỷ. Dù vị thế tổng thể là bán ròng nhưng các cổ phiếu được mua ròng lại trội hơn. Nguyên nhân là khối ngoại bán dài trải ở nhiều cổ phiếu nhưng không bán mạnh cụ thể. Cụ thể, chỉ có MWG bị bán ròng 37,1 tỷ là đáng kể nhất, cổ phiếu đứng thứ 2 là VRE cũng chỉ -19,8 tỷ và 5 cổ phiếu khác bị bán ròng hơn 10 tỷ. Phía mua lại có FPT +50,1 tỷ, DBC +36,3 tỷ, HDB +30,7 tỷ nổi bật.
Do thanh khoản quá nhỏ nên cổ phiếu biến động giá phập phù, chủ đạo là thay đổi với biên độ hẹp. Cụ thể, trong 182 mã đỏ của VN-Index thì chỉ có 48 mã giảm hơn 1%, đại đa số thanh khoản vài trăm triệu đồng. Tổng giao dịch nhóm yếu nhất này chỉ chiếm 4% sàn. Phía tăng cũng vậy, trong 142 mã xanh có 43 mã tăng hơn 1%, thanh khoản chiếm 17,1% sàn. Phía tăng tích cực hơn là nhờ vài mã như DBC, BAF, PVT, HDG giao dịch khá sôi động.
Nhìn từ góc độ tổng thể, gần 79% thanh khoản sàn HoSE và 74% số cổ phiếu dao động nhỏ. Đây không phải là trạng thái ổn định vì cung cầu yếu ở cả hai chiều và rất dễ thay đổi nếu có lệnh mua bán quyết liệt hơn. Nhóm blue-chips đang lình xình và thanh khoản thấp nhất 1 năm cho thấy chưa có tác động mạnh nào xuất hiện. Cổ phiếu giảm sâu nhất là VJC cũng chỉ mất 0,69% và cổ phiếu tăng khỏe nhất FPT cũng chỉ tăng 0,68%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường