‘Room’ ngoại và bài toán nâng hạng thị trường
Việc một số doanh nghiệp lớn tự giảm tỷ lệ sở hữu tối đa với nhà đầu tư nước ngoài là một vấn đề quan trọng cần giải quyết trong nỗ lực tăng tỷ lệ sở hữu ngoại, nâng hạng thị trường chứng khoán.
Từ chuyện ứng xử với cổ đông ngoại tại một số doanh nghiệp
Năm 2010, Commonwealth Bank of Australia (CBA) mua 15% cổ phần của VIB, giúp vốn điều lệ của ngân hàng này tăng 600 thêm tỉ đồng và đem lại một khoản thặng dư tốt. Một năm sau, CBA tiếp tục mua cổ phần để nâng tỷ lệ sở hữu tại VIB lên mức 20%, là tỷ lệ sở hữu (room) tối đa mà một cổ đông nước ngoài được nắm giữ.
Sau khi nắm giữ cổ phần, CBA đã cử các chuyên gia sang hỗ trợ VIB trong các mảng như: ngân hàng bán lẻ, công nghệ ngân hàng, quản lý rủi ro, quản trị nguồn nhân lực, tài chính và nguồn vốn.
Bất ngờ, tháng 6-2024, VIB tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường, với nội dung thông qua đề xuất giảm tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room ngoại) từ 20,5% xuống 4,99%, từ ngày 1-7-2024.
Phản ứng, một số cổ đông đã đưa ra ý kiến như: “Việc hạ room ngoại có ảnh hưởng đến việc thoái vốn của nhà đầu tư chiến lược CBA hay không?”, “CBA có thảo luận về lộ trình thoái vốn hay không?”, “VIB có đang tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược hay không?”.
Những câu hỏi này đều được ghi trong biên bản họp, nhưng phần nội dung phản hồi chỉ ngắn gọn là "đã trả lời đầy đủ và thỏa đáng", nhưng trả lời thế nào lại không được đề cập tới trong biên bản hội nghị.
Thậm chí, các cổ đông nắm giữ 25,7% cổ phiếu có quyền biểu quyết tại tại cuộc họp, đã bỏ phiếu phủ quyết các nội dung mà HĐQT VIB đưa ra nhưng bất thành.
Tới 24-9, CBA xác nhận đã bán gần 5% vốn điều lệ tại VIB. Đáng lưu ý, đơn vị này chỉ có thể bán lại cổ phần cho nhà đầu tư nội do “room” ngoại đã tụt mạnh, không còn dư địa cho nhà đầu tư ngoại khác tham gia.
Trước VIB, PAN Group cũng từng tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường vào năm 2018, để trình cổ đông bổ sung quy định về việc giảm tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại doanh nghiệp mức 49% vào điều lệ công ty. Dù trước đó hai năm, chính lãnh đạo doanh nghiệp từng bày tỏ mong muốn mở room tối đa (100%) trên cơ sở Nghị định 60/2015 của Chính phủ.
Theo giải trình của doanh nghiệp, việc này xuất phát từ lo ngại doanh nghiệp sẽ bị xem như là nhà đầu tư nước ngoài và phải đáp ứng điều kiện, thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định với đối tượng này, khi nhà đầu tư nước ngoài nắm tỷ lệ sở hữu từ 51% trở lên.
Không chỉ VIB và PAN, số liệu từ Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, 500/1900 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch trên sàn hiện áp dụng mức “room” ngoại là 0%.
Trong số này, nhiều doanh nghiệp phải giới hạn “room” ngoại do cần tuân theo điều ước quốc tế, hoặc hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Nhưng một số doanh nghiệp giảm “room” ngoại do đề xuất của hội đồng quản trị và được thông qua bởi đa số cổ đông.
Còn xét riêng nhóm VN30, chỉ có Vinamilk, Sabeco và SSI không hạn chế sở hữu của khối ngoại.
Làm việc với nhiều nhà đầu tư, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, một trong những rào khiến các quỹ e ngại là “room” ngoại. Cụ thể, với yêu cầu về tính thanh khoản tốt, quỹ đầu tư chủ động và quỹ đầu tư mô phỏng theo biến động của chỉ số (ETF) không có nhiều lựa chọn khi tỷ lệ sở hữu tối đa và chất lượng hàng hoá vẫn là trở lực lớn.
“Vướng mắc liên quan đến ‘room’ ngoại tại Việt Nam cũng giống các thị trường khác, do số lượng doanh nghiệp ở ngành nghề kinh doanh có điều kiện bị hạn chế sở hữu nước ngoài chiếm tỷ trọng khá lớn. Tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại không ít doanh nghiệp lớn vẫn ở mức cao cũng là điều mà khối ngoại nhìn vào khi quyết định đầu tư”, ông Minh lưu ý.
Còn ông Tô Trần Hòa, Phó vụ trưởng, Vụ Phát triển thị trường thuộc Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cho biết, một vấn đề hiện nay là chưa làm rõ danh mục ngành nghề tiếp cận của nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng đây là câu chuyện cần nhiều bộ, ngành vào cuộc.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp khi đăng ký ngành nghề kinh doanh chọn các ngành rộng, bao trùm lên ngành nhỏ hơn chịu quy định giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Điều này khiến doanh nghiệp, dù không kinh doanh trong lĩnh vực hạn chế, vẫn không thể mở “room" cho nhà đầu tư nước ngoài.
“Danh mục ngành nghề tiếp cận của nhà đầu tư nước ngoài là vấn đề các bộ, ngành cần quyết tâm phối hợp và cùng nhau làm rõ. Nếu thực hiện được, trải nghiệm của nhà đầu tư chứng khoán sẽ được cải thiện đáng kể,” ông Hoà nói tại một hội thảo về thị trường vốn năm 2024.
Trông người, ngẫm ta
Để có thể nâng hạng thị trường chứng khoán, FTSE và MSCI từng nhiều lần khuyến nghị Việt Nam cần nới “room” ngoại.
Về phía cơ quan quản lý, Bộ Tài chính hiện đang thực hiện lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Nghị định 155/2020, với việc bỏ quy định “cho phép ĐHĐCĐ, Điều lệ công ty đại chúng được quyết định tỉ lệ sở hữu nước ngoài thấp hơn quy định pháp luật, trừ trường hợp có quyết định khác của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền” tại Điều 139 của dự thảo.
Việc sửa đổi Nghị định 155 sẽ theo hướng yêu cầu các công ty đại chúng trên thị trường chứng khoán bắt buộc phải công bố rõ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại mỗi công ty trên trang thông tin của công ty và sở giao dịch chứng khoán. Đồng thời, công bố một số loại thông tin nhất định song ngữ Việt - Anh để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài trong tiếp cận thông tin.
Tại một diễn đàn, bà Tạ Thanh Bình, Tổng giám đốc Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) cho rằng, nhiều doanh nghiệp đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau, trong đó có ngành nghề hạn chế tiếp cận với nhà đầu tư nước ngoài, nhưng thực tế không triển khai hoạt động. Vì vậy, cần khuyến nghị doanh nghiệp rà soát đăng ký kinh doanh, công bố rõ tỷ lệ sở hữu với nhà đầu tư ngoại, thay vì sử dụng mức chung là 49%.
Về giải pháp ngắn hạn, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường, Công ty chứng khoán VPBank (VPBankS) đánh giá, sản phẩm cổ phiếu không có quyền biểu quyết (NVDR) là giải pháp hiệu quả nhất ở thời điểm hiện tại. Bởi, nếu rà soát văn bản pháp quy về thay đổi tỷ lệ sở hữu tại các doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt tại ngân hàng, sẽ phải sửa đổi rất nhiều liên quan đến văn bản pháp luật.
“Thái Lan đã giải quyết nhu cầu giao dịch ngay lập tức của nhà đầu tư nước ngoài, là yếu tố quan trọng đã giúp thị trường này nâng hạng lên thị trường mới nổi, nhờ NVDR. Sản phẩm này giúp tổng giao dịch toàn thị trường Thái Lan tăng lên 20%”, ông Sơn cho biết.
Không chỉ ông Sơn, tại các kỳ Diễn đàn kinh tế Việt Nam (VBF) nhiều năm qua, đại diện nhà đầu tư nước ngoài cũng nêu vấn đề Việt Nam cần đưa sản phẩm NVDR vào vận hành giống Thái Lan, nhất là khi nhiều cổ phiếu tốt hiện hết “room” ngoại như ACB, FPT, MBB...
Theo đó, ưu điểm lớn nhất của NVDR là cho phép thị trường chứng khoán Việt Nam thu hút thêm được dòng vốn đầu tư nước ngoài, ngay cả với các cổ phiếu hết “room” ngoại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường