Nỗi lo lợi nhuận ngân hàng những tháng cuối năm
Các công ty chứng khoán dự báo lãi suất đầu vào sẽ vẫn tiếp tục đi lên từ nay đến cuối năm.
NIM ngân hàng trước áp lực từ “ba bề, bốn bên”
Báo cáo của nhiều đơn vị phân tích đã cho thấy, từ giữa năm 2022, tốc độ tăng lãi suất huy động đã nhanh hơn và ngày càng nới rộng khoảng cách so với đà tăng của lãi suất cho vay. Theo phó thống đốc Đào Minh Tú cập nhật tại phiên họp báo chính phủ thường kỳ đầu tháng 9, thời gian qua lãi suất nhìn chung có ghi nhận mức tăng nhẹ. Lãi suất đầu vào tăng mạnh hơn lãi suất đầu ra.
Giới phân tích đã chỉ ra nhiều tác nhân khiến cho lãi suất huy động tăng nhanh hơn so với lãi suất cho vay. Trong đó, lý do được nhắc đến nhiều nhất chủ yếu là do tín dụng tăng trưởng nhanh hơn so với huy động.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy điều tương tự. Cụ thể, đến hết tháng 7 tăng trưởng tín dụng ở mức 9,42%, thời điểm cuối tháng 6 con số này là 9,35%. Ở chiều ngược lại, tăng trưởng huy động từ mức 4,51% đã giảm xuống còn 4,21%. Chênh lệch huy động vốn – tín dụng tiếp tục giảm mạnh và đã xuống mức âm trong tháng 7.
Các công ty chứng khoán như SSI và VCBS dự báo, lãi suất đầu vào sẽ vẫn tiếp tục đi lên từ nay đến cuối năm. Cả năm 2022, lãi suất huy động có thể tăng 0,5-1,5%.
Theo các chuyên gia, ngân hàng thương mại có bản chất là định chế tài chính trung gian kinh doanh chênh lệch lãi suất. Vì lẽ đó, hiệu quả kinh doanh của các nhà băng sẽ phụ thuộc khá nhiều vào sai khác giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động (biên lãi ròng-NIM). Khi chi phí đầu vào tăng, các nhà băng cũng phải tăng lãi suất cho vay để có thể duy trì một biên lợi nhuận nhất định. Tuy nhiên, trong thời gian ngắn, các tổ chức tín dụng không thể ngay lập tức chuyển toàn bộ lượng chi phí tăng thêm sang cho người tiêu dùng.
Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Lê Hoài Ân - CFA, lãi suất cho vay đầu ra tăng chậm hơn lãi suất đầu huy động đầu vào đã thu hẹp NIM của các ngân hàng và ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các nhà băng trong nửa đầu năm nay.
Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước cũng đã thể hiện rõ quan điểm không tăng mà phấn đấu hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Trong bối cảnh đó, nhiều đơn vị dự báo, năm 2022 NIM các ngân hàng sẽ vẫn duy trì ổn định và khó có thể rộng rãi như trước.
Quân bài CASA liệu có còn hiệu nghiệm?
Thời gian vừa qua, các ngân hàng có thực hiện chiến lược mở rộng gia tăng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) để góp phần mở rộng NIM. Tuy nhiên, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, cũng cho thấy số dư tiền gửi thanh toán cá nhân tại hệ thống ngân hàng tính đến cuối quý II đã giảm hơn 61.600 tỷ so với cuối quý 1/2022.
Báo cáo tài chính của các nhà băng cũng cho thấy, tỷ lệ CASA tại nhiều ngân hàng như Techcombank, Vietcombank, MSB, ACB, SHB, OCB, LienVietPostBank,…bị sụt giảm trong quý 2 vừa qua. Chẳng hạn, tỷ lệ CASA của Techcombank giảm từ 50,4% xuống 47,5%, của Vietcombank giảm từ 36,3% xuống 35,4%, MSB giảm từ 38,3% xuống 36,7%, ACB giảm từ 25,8% về 25%.
Tuy nhiên, theo đánh giá từ công ty chứng khoán ACB (ACBS), mặc dù CASA giảm nhưng hiện con số này vẫn đang được duy trì ở mức cao, điều đó sẽ góp phần hạn chế tác động của việc tăng lãi suất huy động.
Trên thực tế, trong bối cảnh bùng nổ về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tiền gửi thanh toán tại các ngân hàng đã tăng lên đáng kể, không ít ngân hàng đã thiết lập kỷ lục mới về CASA. Loại tiền gửi này cũng đã nhân lên 2,5 lần trong 3 năm qua.
Phía công ty chứng khoán Mirae Asset cũng có nhận định, do các lo ngại về biến động kinh tế kém tích cực, nên người tiêu dùng sẽ có xu hướng chọn lọc hơn khi mua sắm. Vì vậy, số dư trong tài khoản thanh toán giảm làm cho CASA của phần lớn các ngân hàng giảm. Thêm vào đó, việc tìm kiếm các kênh đầu tư an toàn để bù vào rủi ro lạm phát và suy giảm tỷ giá đang là lựa chọn hàng đầu, trong bối cảnh lãi suất từ các kênh đầu tư có thu nhập cố định (tiền gửi, trái phiếu) chưa đủ hấp dẫn. Vì thế, trong trung hạn, CASA sẽ không có mức tăng tốt như giai đoạn 2020 và 2021.
Theo ông Huỳnh Hoàng Phương, Trưởng khối phân tích công ty tư vấn tài chính FIDT, NIM lãi suất huy động tăng thường gây áp lực lên biên lãi ròng của ngân hàng, NIM các nhà băng sẽ đi ngang hoặc giảm nhẹ trong nửa cuối 2022. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng cũng sẽ rất khác nhau giữa các ngân hàng. Các nhà băng có tỷ lệ CASA cao có thể sẽ ít chịu tác động hơn. Vì phần lớn nguồn vốn của các nhà băng này được huy động từ nguồn không kỳ hạn và tác động của việc tăng lãi suất lên loại vốn này cũng sẽ ít hơn so với tiền gửi có kỳ hạn.
Liệu ngân hàng có thể kỳ vọng gia tăng lợi nhuận từ nguồn thu nhập khác?
Theo chuyên gia Lê Hoài Ân, việc thu hẹp NIM mặc dù có tác động không tốt lên kết quả hoạt động kinh doanh của các, song nó đã gián tiếp kích thích các nhà băng đẩy mạnh việc bán chéo các sản phẩm tài chính khác, tạo ra nguồn lợi nhuận bù đắp phần tăng trưởng tín dụng bị hạn chế.
Thực tế cho thấy, ngay từ đầu năm, sau khi ghi nhận tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ, nhiều ngân hàng đã ghi nhận tình trạng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng (room cho vay), có cả những trường hợp đã hết room ngay khi vừa hết quý I. Hoạt động cho vay chững lại khiến các ngân hàng phải đẩy mạnh bán các sản phẩm, dịch vụ khác để duy trì nguồn thu.
Báo cáo tài chính gần nhất của các ngân hàng cũng đã cho thấy xu hướng đó, khi nhiều ngân hàng đã ghi nhận lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước, như Sacombank tăng 86%, SHB tăng 64%, HDBank lãi thuần hơn 835 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi…
Theo chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán, Đại học Kinh tế TP.HCM, ngân hàng có thu nhập chính và thu nhập phụ. Trong đó, thu nhập chính chủ yếu đến từ hoạt động cho vay và phụ thuộc nhiều vào room tín dụng. Bên cạnh đó, các nhà băng còn phải đảm bảo hệ số an toàn vốn, bắt buộc họ phải tăng vốn để đảm bảo an toàn. Điều này khiến họ khó lòng tăng được ROE (Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu). Từ đó, các nhà băng phải phát triển nguồn thu phụ. Trong đó, nguồn đem lại thu nhập nhiều nhất cho các ngân hàng là bảo hiểm nhân thọ. Hoa hồng cho việc bán bảo hiểm nhân thọ có thể lên đến trên 100%, bán 1.000 tỷ các ngân hàng có thể lãi 1.000 tỷ.
Kết quả khảo sát của Vietnam Report cũng cho thấy trong những tháng cuối năm 2022, thu nhập ngoài lãi được kỳ vọng sẽ có triển vọng tăng trưởng tốt, chủ yếu đến từ bancassurance. Hoạt động này cũng sẽ trở thành động lực thúc đẩy lợi nhuận. Bên cạnh đó, 100% chuyên gia và ngân hàng tham gia khảo sát cũng đánh giá, thu nhập từ lãi của các ngân hàng trong thời gian tới sẽ khó khăn hơn bởi chính sách quản trị rủi ro ngày càng nghiêm ngặt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận