Người nhà lãnh đạo CII mua 'chui' cổ phiếu
Công ty CP VNG (mã chứng khoán: VNZ) vừa thông qua việc dừng chào bán 7.108.262 cổ phiếu quỹ đã thông qua năm 2022 và thực hiện giảm vốn điều lệ về 287 tỷ đồng.
Trong tuần giao dịch từ ngày 10 - 14/7, chỉ số Vn-Index tăng 30,33 điểm lên 1.168,40 điểm. Thanh khoản trên sàn HoSE đạt hơn 91.598 tỷ đồng, tăng 18% so với tuần trước đó. Tương tự, chỉ số Hnx-Index cũng tăng 4,37 điểm lên 230,19 điểm. Thanh khoản sàn HNX tăng 13% so với tuần trước, lên hơn 9.106 tỷ đồng.
Trên sàn HoSE, khối ngoại bán ròng hơn 50 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng gần 1.024 tỷ đồng. Ngược lại, các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 4 triệu đơn vị trên HNX, tổng giá trị mua ròng gần 46 tỷ đồng. Với sàn Upcom, khối ngoại cũng mua ròng 435.020 đơn vị, giá trị bán ròng gần 48 tỷ đồng. Như vậy, tuần giao dịch từ ngày 10 - 14/7, khối ngoại đã bán ròng 45,56 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng tương ứng hơn 1.026 tỷ đồng.
Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan dầu khí - PV Drilling vừa bị nhóm quỹ liên quan Dragon Capital bán ra 1,1 triệu cổ phiếu PVD. |
Ngày 11/7, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital bán ra 1,1 triệu cổ phiếu PVD của Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan dầu khí - PV Drilling để giảm sở hữu từ 11,16% về còn 10,96% vốn điều lệ. Trong đó, quỹ CTBC Vietnam Equity Fund bán ra 600.000 cổ phiếu và quỹ Norges Bank bán ra 500.000 cổ phiếu PVD. Ngược lại, vào ngày 26/6, nhóm Dragon Capital mua vào 800.000 cổ phiếu PVD.
Đáng chú ý, bà Nguyễn Thị Huyền Sương, vợ ông Lưu Hải Ca - thành viên Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (mã chứng khoán: CII) vừa mua 30.000 cổ phiếu CII để nâng cổ phần sở hữu từ 0 lên 30.000 cổ phiếu. Trong đó, phiên ngày 27/6, bà Sương mua vào 20.000 cổ phiếu CII và phiên ngày 28/6 mua thêm 10.000 cổ phiếu.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Huyền Sương lại chưa đăng ký giao dịch cổ phiếu. Ngoài ra, theo dữ liệu trên HoSE, trong vòng hơn 1 tháng trở lại đây không có đăng ký giao dịch cổ phiếu của bà Nguyễn Thị Huyền Sương.
Trong khi đó theo quy định tại Thông tư 96/2020/TT-BTC, trước ngày dự kiến thực hiện giao dịch tối thiểu 3 ngày làm việc, người nội bộ và người có liên quan phải công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch theo mẫu quy định ban hành kèm theo Thông tư trên.
Ngoài ra, HoSE vừa ra quyết định nhắc nhở Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) vì chậm công bố thông tin. Cụ thể, ngày 4/7, HoSE mới nhận được thông báo thay đổi nhân sự là các thành viên Hội đồng quản trị và giám đốc tài chính của Xây dựng Hòa Bình, có hiệu lực kể từ ngày 27/6.
Căn cứ theo quy định về Quy chế công bố thông tin, doanh nghiệp phải công bố thông tin bất thường trong 24 giờ kể từ khi xảy ra sự kiện. Đối với việc Xây dựng Hòa Bình đã chậm công bố thông tin, HoSE nhắc nhở và đề nghị doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ báo cáo và công bố thông tin theo đúng thời gian quy định để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông.
Trước đó, theo Nghị quyết HĐQT số 01/2023/NQ-HĐQT.HBC ngày 27/6, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình bổ nhiệm nhiều vị trí trong Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2022 - 2024. Trong đó, ông Lê Văn Nam và bà Nguyễn Thị Lượt được bổ nhiệm giữ chức thành viên Hội đồng quản trị. Trước khi được bổ nhiệm, ông Nam là Tổng giám đốc Xây dựng Hòa Bình.
Xây dựng Hòa Bình cũng miễn nhiệm ông Nguyễn Trung Thành. Ông Thành không còn đảm nhận chức vụ giám đốc tài chính công ty từ ngày 1/7.
VNG hủy việc chào bán 7.108.262 cổ phiếu
Trong tuần qua, ông Phạm Thứ Triệu - Tổng giám đốc Công ty CP Dược phẩm Bến Tre (mã chứng khoán: DBT) đăng ký mua 396.000 cổ phiếu DBT để tăng tỷ lệ sở hữu. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 14/7 đến ngày 11/8 theo phương thức thỏa thuận. Nếu giao dịch thành công, ông Triệu sẽ nâng sở hữu tại Dược Bến Tre từ 1,97 triệu cổ phiếu lên 2,37 triệu cổ phiếu, tương đương 15,1% vốn điều lệ. Ước tính, ông Triệu phải chi khoảng 6 tỷ đồng để mua vào lượng cổ phiếu DBT như đã đăng ký.
Công ty CP Dược phẩm Bến Tre sẽ phát hành 700.000 cổ phiếu ESOP. |
Mới đây, Dược Bến Tre có thông báo phát hành cổ phiếu theo chương trình ESOP nhằm huy động vốn phục vụ hoạt động kinh doanh. Cụ thể, Dược Bến Tre dự kiến phát hành 700.000 cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 4,48% tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian nhận tiền mua cổ phiếu ESOP từ ngày 7/7 đến ngày 31/7. Số cổ phiếu này sẽ hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.
Công ty CP VNG (mã chứng khoán: VNZ) vừa thông qua việc dừng chào bán 7.108.262 cổ phiếu quỹ đã thông qua năm 2022 và giảm vốn điều lệ từ hơn 358 tỷ đồng về mức 287 tỷ đồng.
VNG đầu tư vào ZaloPay và ghi nhận bị thua lỗ lớn. |
Vào năm 2022, VNG đã xin ý kiến cổ đông bán 7.108.262 cổ phiếu với giá 177.881 đồng/cổ phiếu để thu về 1.264 tỷ đồng. Trong đó, bên mua dự kiến là Công ty CP Công nghệ BigV. Nếu giao dịch thành công, Công ty CP Công nghệ BigV sẽ nâng sở hữu từ 5,7% lên 30,5% vốn điều lệ tại VNG.
VNG lý giải, việc không chào bán cổ phiếu quỹ cho Công ty CP Công nghệ BigV là do một số lý do khách quan. Kế hoạch năm ngoái dù đã được thông qua nhưng chưa thực hiện, công ty đã cân nhắc kỹ lưỡng và đưa ra phương án mới chủ động trong năm 2023.
VNG cũng giải trình việc đầu tư vào ZaloPay ghi nhận lỗ lớn. Công ty cho rằng khoản lỗ đã được dự đoán trước và là khoản đầu tư dài hạn. Với các sản phẩm nền tảng, VNG tập trung vào chất lượng, công nghệ, nền tảng khách hàng mới tìm kiếm cơ hội doanh thu. Đây là mô hình kinh doanh phổ biến của các công ty công nghệ.
Năm 2023, VNG đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 9.281 tỷ đồng, tăng 19% so với thực hiện năm 2022 và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là âm 378 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận