May Tiên Sơn dự kiến phát hành cổ phiếu tăng vốn "tại chỗ"
Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa (May Tiên Sơn) vừa có tờ trình gửi Đại hội đồng cổ đông về việc phát hành cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu.
Tăng vốn tại chỗ
Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa (HoSE: AAT) vừa có Tờ trình gửi Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) về việc thay đổi phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ sang chào bán cổ phiếu ra công chúng cho các cổ đông hiện hữu.
Theo đó, AAT đề xuất ĐHĐCĐ phương án chào bán cổ phiếu ra công chúng cho các cổ đông hiện hữu để huy động vốn với tỷ lệ quyền mua 2:1 (sở hữu 2 cổ phiếu được mua thêm 1 cổ phiếu phát hành). Số lượng cổ phiếu mà AAT dự kiến chào bán là 35.409.551 cổ phiếu phổ thông, với mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý, đây là mức giá cao gần gấp đôi thị giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/8 của AAT là 5.400 đồng/cp.
Về thời điểm phát hành, AAT dự kiến chào bán trong năm 2023, có thể kéo dài sang năm 2024. Nếu thực hiện huy động vốn thành công, AAT sẽ thu về khoảng 354 tỷ đồng, và toàn bộ số tiền này dự kiến sẽ được đơn vị đầu tư mua lại 100% cổ phần của Công ty CP Hoàng Hải - TS.
Theo tìm hiểu và tở trình, Công ty CP Hoàng Hải - TS, được thành lập ngày 18/4/2022, hoạt động chính trong lĩnh vực cho thuê bất động sản. Công ty có địa chỉ tại khu thương mại dịch vụ và dân cư B - TM1, khu đô thị mới Đông Hương, phường Đông Hương, Tp.Thanh Hóa, ông Trịnh Xuân Hà là người đại diện pháp luật.
Công ty Hoàng Hải - TS có số vốn điều lệ là 113.678.000.000 đồng và là chủ sở hữu, vận hành khu nhà phức hợp PH1 thuộc khu thương mại dịch vụ và dân cư B - TM1 khu đô thị mới Đông Hương, Tp.Thanh Hóa.
Trước đó, trong tháng 7, Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa hoàn thành phát hành thành công hơn 7 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Theo đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 100:11, tương đương mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 11 cổ phiếu mới. Nguồn vốn phát hành được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2022 căn cứ Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2022.
Kết quả kinh doanh ảm đạm
Theo BCTC nửa năm 2023, May Tiên Sơn ghi nhận hoạt động sản xuất kinh doanh rất sa sút. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1,87 tỷ đồng, giảm 99% so với mức hơn 110 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022. Giải thích nguyên nhân sụt giảm, báo cáo gửi Uủ ban Chứng khoán Nhà nước, phía công ty cho biết do 6 tháng năm 2022 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận lớn từ việc bán bất động sản đầu tư, cụ thể là chuyển nhượng máy may xuất khẩu Nga Sơn trị giá 280 tỷ đồng, đem lại 105 tỷ đồng lợi nhuận gộp. Trong khi đó, cùng kỳ năm nay Tiên Sơn không bán được bất động động sản nào có giá trị lớn tương đương.
Đồng thời, đầu năm nay, tình hình kinh tế khó khăn, lạm phát tăng cao, chính trị thế giới diễn biến phức tạp. Vì vậy, khiến doanh thu sụt giảm 50% so với cùng kỳ khi chỉ ghi nhận 287 tỷ đồng, nhưng chi phí giá vốn lại không giảm, chi phí lãi vay tăng khiến lợi nhuận của Tiên Sơn sụt giảm mạnh so với cùng kỳ.
Về cơ cấu sở hữu, tại ngày 30/6, ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch HĐQT công ty đang nắm giữ hơn 7,55 triệu cổ phiếu AAT, tương đương 11,84% trong khi đó các thành viên khác thuộc gia đình ông Lâm đang năm giữ nhiều chức vụ quan trọng như ông Trịnh Xuân Lượng, Phó Tổng Giám độc nắm 1,77%. Các ông bà người thân còn lại nắm giữ khoảng 3% cổ phần của May Tiên Sơn. Còn lại khoảng 85% cổ phần còn lại thuộc quyền sở hữu của các cổ đông khác.
Hiện, các thành viên gia đình, hoặc người thân có liên quan ông Trịnh Xuân Lâm được Hội đồng quản trị tin tưởng giao nắm giữ nhiều vị trí quan trọng. Cụ thể, ông Trịnh Xuân Lâm là Chủ tịch HĐQT công ty, các con trai ông Lâm gồm: ông Trịnh Xuân Lượng Phó Tổng Giám Đôc, trước đó là Tổng Giám đốc vừa miễn nhiệm ngày 23/5 vừa qua. Các ông Trịnh Văn Dương, Trịnh Xuân Dưỡng, đều là Phó Tổng Giám đốc công ty. Ông Lê Đăng Thuyết, Phó Tổng Giám đốc, là em rể của ông Lâm.
Đáng chú ý, tương tự như các kỳ báo cáo trước, trong kỳ này May Tiên Sơn tiếp tục có phát sinh nhiều các hoạt động kinh tế và ghi nhận số dư lên tới hàng trăm tỷ đồng với các bên liên quan, là các công ty "sân sau" của nhiều thành viên trong gia đình ông Trịnh Xuân Lâm.
Cụ thể, Theo BCTC 6 tháng 2023 đã được kiểm toán, tại ngày 30/6, Tiên Sơn ghi nhận số dư trả trước cho Công ty Cổ phần may Tastu (vốn điều lệ 20 tỷ đồng, ông Trịnh Xuân Lâm sở hữu 90% cổ phần) hơn 47,6 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Lương Phát (vốn điều lệ 160 tỷ đồng, ông Trịnh Văn Lượng nắm 50,97% cổ phần, Tập đoàn Tiên Sơn nắm 42,08%) trên 52,7 tỷ đồng; Công ty CP Great Vina (vốn điều lệ 1,8 tỷ đồng, ông Trịnh Văn Dương nắm 60% cổ phần) đã tất toán hơn 10 tỷ đồng so với đầu kỳ; Công ty CP DG Win Việt Nam (vốn điều lệ 50 tỷ đồng, ông Trịnh Văn Dương nắm 99,4% cổ phần) hơn 29 triệu đồng; Công ty CP Victory Việt Nam 15 tỷ đồng. Ngoài ra là khoản phải thu hơn 7,7 tỷ đồng từ Công ty CP Tiên Sơn Nga Sơn (vốn điều lệ 10 tỷ đồng, ông Trịnh Xuân Lâm nắm 60% cổ phần, còn lại Trịnh Xuân Lượng và Trịnh Văn Dương mỗi người nắm 20% cổ phần); Công ty Cổ phần may Tastu là hơn 1,3 tỷ đồng. Các khoản phải thu khác ngắn hạn 31,9 tỷ đồng từ ông Trịnh Xuân Lượng và Trịnh Xuân Lâm. Các khoản phải thu khác dài hạn từ Công ty CP Lương Phát, Công ty CP Victory Việt Nam và Công ty Cp Great Vina tổng 29,1 tỷ đồng.
Về các chỉ số tài chính cơ bản của AAT, 6 tháng đầu năm 2023, tổng tài sản công ty không có biến động lớn so với đầu năm khi ghi nhận 1.021 tỷ đồng, giảm 30 tỷ so với cùng kỳ. Trong đó, tài sản ngắn hạn ghi nhận hơn 427 tỷ đồng, giảm 15 tỷ so với đầu năm. Tài sản dài hạn ghi nhận 594 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, Tiên Sơn ghi nhận các khoản nợ phải trả gần 289 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn gần 164 tỷ đồng, nợ dài hạn 125 tỷ đồng, tương ứng mức giảm lần lượt là hơn 2 tỷ đồng và khoảng 30 tỷ đồng so với đầu năm. Tại thời điểm cuối quý II, công ty ghi nhận vốn chủ sở hữu là hơn 732 tỷ đồng, tăng nhẹ hơn 1 tỷ so với đầu năm.
Việt Phương
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường