Lợi nhuận đi lùi, doanh nghiệp thủy sản đang gánh bao nhiêu nợ?
Trong số các doanh nghiệp thủy sản, Tập đoàn Sao Mai ghi nhận tổng nợ vay ở mức cao nhất với 10.782 tỷ đồng tại cuối năm 2023, tăng 10% so với số đầu kỳ.
Nhìn lại năm 2023, theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản cả nước đạt 9 tỷ USD, giảm 18% so với năm 2022. Trong đó, giảm ở hầu hết các sản phẩm chủ lực như ttôm, cá tra, cá ngừ…
Dưới tác động đó, doanh nghiệp thủy sản dù có những kịch bản với những kỳ vọng bứt phá nhưng vẫn ghi nhận lợi nhuận đi lùi, thậm chí là giảm sâu, lỗ nặng.
Màu buồn trùm lên doanh nghiệp thủy sản
Theo báo cáo tài chính mới công bố của Công ty Cổ phần Nam Việt (HoSE: ANV), quý IV/2023, doanh nghiệp ghi nhận nhiều chỉ số sụt giảm, báo hiệu một năm kinh doanh không mấy tích cực của doanh nghiệp ngành thủy sản này.
Theo đó, quý IV/2023, doanh thu thuần của Nam Việt đạt 1.111 tỷ đồng giảm 3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên do giá vốn hàng bán tăng mạnh nên lợi nhuận gộp của công ty bị bào mòn mạnh, giảm 51% so với quý IV/2022 còn 996 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2023, Thủy sản Nam Việt ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.439 tỷ đồng, giảm 9%. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của công ty “bay hơi" tới 94% chỉ còn 42 tỷ đồng; chạm đáy lợi nhuận từ năm 2027.
Tại Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC), quý IV/2023, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.395 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, ngoại trừ chi phí bán hàng phát sinh nhẹ, các khoản còn lại đều được Vĩnh Hoàn tiết giảm đáng kể. Cụ thể, chi phí tài chính đạt 37 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 84 tỷ đồng; giảm lần lượt 66% và 47% so với quý IV/2022.
Kết quả, sau khi trừ các chi phí, quý IV/2023, Vĩnh Hoàn báo lãi sau thuế 66 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ. Giải trình, Vĩnh Hoàn cho biết nguyên nhân là do sản lượng bán và giá bán giảm dẫn đến chênh lệch biến động lợi nhuận sau thuế.
Lũy kế năm 2023, doanh thu của Vĩnh Hoàn đạt 10.078 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ các chi phí, doanh nghiệp của bà Trương Thị Lệ Khanh báo lãi 949 tỷ đồng, “bốc hơi" tới gần 53% cùng kỳ năm trước.
Chung tình cảnh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC), doanh thu thuần quý IV/2023 của doanh nghiệp đạt 3.223 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán tăng mạnh đã kéo lợi nhuận gộp của Minh Phú đi lùi 49% xuống còn 290 tỷ đồng.
Đáng chú ý, doanh thu hoạt động tài chính của Minh Phú cũng giảm tới 82%, còn đạt 26,8 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của Minh Phú đạt 9,1 tỷ đồng, giảm 96% so với cùng kỳ năm trước.
Giải trình chênh lệch lợi nhuận, Minh Phú cho biết, lợi nhuận sau thuế giảm chủ yếu do kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh các công ty nuôi tôm thương phẩm của tập đoàn trong kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh chưa có hiệu quả.
Lũy kế năm 2023, doanh thu thuần của Minh Phú đạt 10.688 tỷ đồng, giảm 34% so với năm trước. Sau thuế, công ty báo lỗ 105 tỷ đồng trong khi năm trước đó có lãi 838 tỷ đồng. Kể từ năm 2008, đây là mức lỗ kỷ lục của công ty.
Tương tự, Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai (HoSE: ASM) cũng ghi nhận tình hình sản xuất kinh doanh sụt giảm.
Theo đó, doanh thu thuần trong quý IV/2023 của Sao Mai đạt 2.788 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp giảm tới 75% xuống 16,5 tỷ đồng. Đây là kết quả kinh doanh theo quý thấp nhất từ năm 2018 của công ty đến nay.
Luỹ kế cả năm 2023, Tập đoàn Sao Mai ghi nhận tổng doanh thu đạt 11.968 tỷ đồng, giảm 13%. Dưới sự bào mòn của các khoản chi phí, Tập đoàn Sao Mai báo lãi sau thuế đạt hơn 274 tỷ đồng, đi lùi tới 71,5% so với năm 2022.
Một điểm sáng hiếm hoi được ghi nhận tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) với kết quả hoạt động kinh doanh tăng trưởng trong quý cuối năm, bất chấp những dự báo khó khăn chung của toàn ngành.
Cụ thể, quý IV/2023, doanh thu thuần của Sao Ta đạt 1.252 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Do biên độ tăng của giá vốn hàng bán cao hơn biên độ tăng của doanh thu nên lợi nhuận gộp trong kỳ của công ty giảm 8% xuống còn 139,8 tỷ đồng.
Khấu trừ các khoản chi phí, quý IV/2023 Sao Ta báo lãi 88,7 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế cả năm 2023, doanh thu thuần của công ty đạt 5.087 tỷ đồng, giảm 10% so với năm 2022. Sau thuế, công ty báo lãi 302 tỷ đồng, giảm 6% so với năm 2022.
Nợ vay phát sinh mạnh
Với nền kinh doanh sa sút, lợi nhuận sụt giảm, một số doanh nghiệp thủy sản phát sinh nợ vay tăng mạnh. Điển hình nhất, tại Tập đoàn Sao Mai, năm 2023, ngoài chi phí bán hàng tiết giảm, các khoản chi phí còn lại đều phát sinh so với cùng kỳ. Trong đó, tăng mạnh nhất là chi phí tài chính đạt 791 tỷ đồng, cao hơn 40% so với năm 2022.
Chi phí tài chính bị đẩy lên cao là do trong năm, chi phí lãi vay tăng vọt từ 470 tỷ đồng lên 741 tỷ đồng, tăng 57% do với cùng kỳ năm trước.
Đối chiếu sang bên kia bảng cân đối kế toán, tính đến ngày 31/12/2023, tổng nợ phải trả của Sao Mai tăng 10,8% lên 12.466 tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ vay chiếm phần lớn với 10.782 tỷ đồng, tăng gần 10% so với đầu năm.
Tương tự, tại Sao Ta, tính đến cuối năm 2023, dư nợ của doanh nghiệp ngành tôm này ở mức 1.110 tỷ đồng, tăng 27% so số đầu kỳ, đa số là nợ ngắn hạn.
Theo đó, Sao Ta có 824 tỷ đồng vay ngắn hạn tại ngân hàng, tăng tới 60% so với đầu năm. Đây là một trong những nguyên nhân đẩy khoản vay ngắn hạn của công ty từ 872 tỷ đồng lên 1.100 tỷ đồng, tương đương tăng 26%.
Ở chiều ngược lại, dư nợ của Nam Việt ở mức 2.260 tỷ đồng tiết giảm 12,5% so với đầu kỳ. Trong đó, vay tài chính đạt 1.883 tỷ đồng, chiếm 83% tổng nợ phải trả.
Bên cạnh đó, dư nợ của Vĩnh Hoàn tại ngày 31/12/2023 đạt 3.238 tỷ đồng, giảm 16% so với số đầu năm, giảm chủ yếu do cắt giảm bớt các khoản vay tài chính trong kỳ.
Còn tại Minh Phú, nợ doanh nghiệp tại ngày cuối năm 2023 ở mức 4.737 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,3% so số tại ngày đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính dài hạn đạt 3.648 tỷ đồng, giảm 3,5%; vay và nợ thuê tài chính dài hạn đạt 238 tỷ đồng, tăng 79%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận