Lợi nhuận của TNS tăng trưởng đột biến nhờ đâu?
Nhờ nỗ lực tìm kiếm khách hàng, cũng như nguồn hàng có giá cả hợp lý, nên cả sản lượng sản xuất và tiêu thụ đều tăng mạnh, kéo lợi nhuận của TNS tăng trưởng vượt cả thời điểm bùng nổ của ngành thép.
Cụ thể, theo Báo cáo tài chính quý II/2024, Công ty CP Thép tấm lá Thống Nhất (UpCOM: TNS) ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng với doanh thu thuần tăng đột biến lên gần 920 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 656% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp đạt hơn 21 tỷ đồng, cũng tăng mạnh 906% so với cùng kỳ năm 2023.
TNS có quý kinh doanh lãi đột biến vượt cả thời điểm năm 2021 khi ngành thép bùng nổ
Trong kỳ, các chi phí của doanh nghiệp cũng tăng mạnh chẳng hạn như chi phí tài chính tăng 264%. Lên 4,3 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng 98% lên gần 1 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 14% lên gần 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp vẫn đạt 13,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 1,3 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân kết quả kinh doanh chuyển từ lỗ kỳ trước sang lãi kỳ này, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, mặc dù thị trường thép cán nguội đầu năm 2024 vẫn còn những diễn biến khó lường từ cạnh tranh địa chính trị, khả năng phục hồi chậm. Nhưng với nỗ lực tìm kiếm khách hàng, cũng như nguồn hàng có giá cả hợp lý, nhờ đó sản lượng sản xuất của doanh nghiệp tăng 162% và sản lượng tiêu thụ tăng 171% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý II/2024 tăng 798 tỷ đồng, tương đương tăng 656% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của TNS đạt 1.725 tỷ đồng, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 19 tỷ đồng. Với kết quả này, doanh nghiệp đã vượt 19 lần chỉ tiêu lợi nhuận cả năm 2024 (năm 2024, doanh nghiệp đặt chỉ tiêu lãi trước thuế chỉ 1 tỷ đồng).
Tính đến cuối quý II/2024, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt hơn 546 tỷ đồng, tăng hơn 37% so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn gần 331 tỷ đồng, tăng hơn 103% so với đầu năm, chủ yếu là hàng tồn kho với hơn 263 tỷ đồng, cũng tăng mạnh hơn 148% so với cùng đầu năm.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của doanh nghiệp tại thời điểm cuối quý II là gần 497 tỷ đồng, tăng hơn 35,4% so với đầu năm, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn chiếm hơn 452 tỷ đồng, tăng hơn 45,8% so với đầu năm.Tổng nợ phải trả của doanh nghiệp tăng mạnh so với đầu năm chủ yếu đến từ khoản phải trả người bán ngắn hạn và khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn.
Trên thị trường, mặc dù cổ phiếu TNS chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần, nhưng thị giá cổ phiếu cũng đã tăng trưởng gần 78% so với hồi đầu năm.
Theo Chứng khoán BVSC, thị trường thép nội địa có dấu hiệu phục hồi tích cực trong 4 tháng đầu năm 2024. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng và tôn mạ & ống thép trong nước tăng 11% và 7% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, trong tháng 4, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng và tôn mạ & ống thép đạt 822 nghìn tấn, tăng 88% so với cùng kỳ và 414 nghìn tấn, tăng 42% so với cùng kỳ. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 1/2023.
Theo ước tính của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nhu cầu tiêu thụ thép nội địa xấp xỉ 21,6 triệu tấn trong 2024, tăng 6,4% so với năm trước, với kỳ vọng những chương trình thúc đẩy nền kinh tế của Chính phủ có hiệu quả, trong đó có tháo gỡ khó khăn lĩnh vực bất động sản, hỗ trợ lãi suất, đẩy mạnh đầu tư công.
“Thép xây dựng sẽ trở thành điểm sáng hồi phục của thị trường thép nội địa trong 2024 khi ngành xây dựng dân dụng và đầu tư công đang ghi nhận tín hiệu phục hồi tích cực kể từ cuối năm 2023”, BVSC đánh giá.
Công ty Chứng khoán này cũng cho rằng, xuất khẩu là “điểm sáng” của ngành thép trong 2024. Theo đó, sản lượng xuất khẩu thép xây dựng và tôn mạ & ống thép trong nước tăng 51% và 54% so với cùng kỳ trong 4 tháng năm 2024.
Những động lực tăng trưởng xuất khẩu thép trong 2024 đến từ: Chênh lệch giữa giá thép HRC ở Bắc Mỹ và châu Âu cao hơn so với giá thép ở Việt Nam dao động 150-200 USD/tấn (tương đương tăng cao hơn so với giá HRC nội địa khoảng 25-35%); Châu Âu kiểm soát chặt hơn việc nhập thép bán thành phẩm do Nga sản xuất cũng sẽ hỗ trợ xuất khẩu thép Việt Nam sang khu vực này; và tăng trưởng hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng tại thị trường ASEAN, Mỹ và EU sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thép của Việt Nam.
Ngoài ra, BVSC kỳ vọng năm 2024 giá nguyên liệu sẽ hạ nhiệt và biến động với biên độ hẹp hơn, khi mức tồn kho nguyên liệu trở lại mức cao (đặc biệt tại Trung Quốc, thị trường tiêu thụ chính); Nguồn cung quặng toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 2-3%/năm trong giai đoạn 2024-2028, sẽ có thêm nguồn cung mới xuất hiện tại Canada, Ấn Độ và châu Phi; và nhu cầu tiêu thụ quặng sắt, than cốc có thể giảm dần khi Trung Quốc đang nỗ lực giảm lượng khí thải carbon trong sản xuất (đặc biệt là sản xuất thép).
“Chúng tôi kỳ vọng giá thép trong cuối năm 2024 và 2025 sẽ tăng so với nửa đầu năm 2024, động lực đến từ nhu cầu tiêu thụ phục hồi “rõ rệt” hơn. Giá thép xây dựng hiện tại đang khoảng 14.400 đồng/kg, dự báo tăng lên khoảng 14.650 đồng/kg trong nửa cuối năm 2024 và 14.835 đồng/kg trong 2025. Giá HRC hiện tại đang ở mức 13.750 đồng/kg, dự báo tăng lên 14.250 đồng/kg trong nửa cuối năm 2024 và 14.525 đồng/kg trong 2025”, BVSC nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường