Khi những doanh nghiệp bền bỉ nhất cũng 'mệt mỏi'
Ngay cả những doanh nghiệp bền bỉ nhất trên sàn chứng khoán cũng khó có thể duy trì chuỗi tăng lợi nhuận giữa bối cảnh nền kinh tế u ám trong thời gian dài và chưa thấy cơ hội “sáng” lại một cách rõ rệt.
Ảnh minh hoạRơi rớt dần
Kết quả kinh doanh quý III/2023 của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán đã không đạt kỳ vọng của hầu hết đơn vị phân tích cũng như nhà đầu tư, thậm chí là gây thất vọng. Theo số liệu từ Công ty Chứng khoán SSI, tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp trên 3 sàn chứng khoán ước tính giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu quý thứ 4 liên tiếp suy giảm.
Đáng chú ý, nếu so với với quý liền trước, lợi nhuận sau thuế quý III/2023 toàn thị trường ước tính giảm 3,5%, cho thấy xu hướng hồi phục lợi nhuận vẫn khá mong manh.
Suốt từ năm 2020 tới nay, các doanh nghiệp Việt Nam trải qua rất nhiều khó khăn, từ đại dịch Covid-19 đến khủng hoảng trái phiếu, lãi suất vọt lên cao rồi kinh tế suy thoái. Tuy nhiên trên sàn chứng khoán vẫn tồn tại một số ít doanh nghiệp liên tiếp ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận hàng quý so với cùng kỳ năm trước đó.
Trong số những doanh nghiệp bền bỉ nhất thị trường này, chắc chắn phải kể đến Công ty Cổ phần FPT (HoSE: FPT). Tính đến hết quý II/2023, lợi nhuận của FPT đã tăng trưởng 11 quý liên tiếp so với cùng kỳ năm trước đó, chủ yếu tăng trưởng hai chữ số. Bên cạnh FPT, một doanh nghiệp công nghệ khác thậm chí còn ghi nhận chuỗi tăng lợi nhuận ấn tượng hơn, đó là Tập đoàn Công nghệ CMC (HoSE: CMG). Tính đến hết quý II/2023, lợi nhuận của tập đoàn này đã tăng 16 quý liên tiếp so với cùng kỳ năm trước đó.
Nhiều doanh nghiệp khác mặc dù không thể ghi nhận chuỗi tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng như FPT hay CMG nhưng cũng đạt từ 6 quý liên tiếp trở lên tính đến cuối quý II/2023. Như trường hợp của Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (HoSE: BMP) và Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (HoSE: RAL), lợi nhuận của các doanh nghiệp này đều tăng 7 quý liên tiếp.
Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (HoSE: DHG) cũng là doanh nghiệp ghi nhận chuỗi tăng lợi nhuận ấn tượng với 6 quý liên tiếp; đặc biệt, xét trong 14 quý tính đến hết quý II/2023, chỉ có 1 quý ghi nhận giảm.
Không chỉ các doanh nghiệp thông thường, các định chế tài chính như ngân hàng cũng có không ít đại diện ghi nhận chuỗi tăng lợi nhuận liên tục. Có thể kể đến Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE: VCB) với 8 quý tăng liên tiếp tính đến hết quý II/2023, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HoSE: BID) với 7 quý liên tiếp, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB, HoSE: VIB) với 7 quý liên tiếp.
Nhiều doanh nghiệp "dứt" chuỗi tăng trưởng lợi nhuận
Tuy nhiên, sang đến quý III/2023, có tới một nửa doanh nghiệp trong danh sách trên đã “dứt” chuỗi tăng lợi nhuận. Đầu tiên là CMG khi lợi nhuận sau thuế quý vừa qua giảm 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái, qua đó mất chuỗi tăng lợi nhuận được duy trì rất lâu.
Bên cạnh đó, DHG cũng mất chuỗi tăng khi lợi nhuận quý III/2023 giảm 36,7% so với cùng kỳ. Song song với đó, hai ngân hàng BID và VIB cũng ghi nhận lợi nhuận quý gần nhất suy giảm so với cùng kỳ, dù VIB chỉ giảm nhẹ 3,9% trong khi BID giảm 13,2%.
Có thể thấy, ngay cả những doanh nghiệp bền bỉ nhất trên sàn chứng khoán cũng khó có thể duy trì chuỗi tăng lợi nhuận giữa bối cảnh nền kinh tế u ám trong thời gian dài và chưa thấy cơ hội “sáng” lại một cách rõ rệt.
Trữ tiền, chờ thời
Trong lúc thị trường còn gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp mạnh có xu hướng duy trì thái độ phòng thủ khi duy trì lượng “tiền mặt” - tên tạm gọi cho các khoản tiền, tương đương tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn - ở mức cao.
Lấy VN30 làm đại diện, loại trừ các định chế tài chính (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán) vốn có chức năng “buôn tiền”, có 15 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh với tổng lượng “tiền mặt” ở mức hơn 278.400 tỷ đồng tính đến hết quý III/2023, tăng hơn 13.600 tỷ đồng so với cuối năm trước.
Trong số này, có 8 doanh nghiệp ghi nhận lượng “tiền mặt” tăng. Tăng nhiều nhất là trường hợp của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (HoSE: MWG) với mức tăng lên đến hơn 8.100 tỷ đồng; kế đó là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (HoSE: PLX) tăng hơn 8.000 tỷ đồng; FPT tăng hơn 7.200 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (HoSE: VNM) tăng hơn 6.100 tỷ đồng; Tổng công ty Khí Việt Nam (HoSE: GAS) tăng hơn 5.400 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Vincom Retail (HoSE: VRE) tăng hơn 1.600 tỷ đồng. Còn lại là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HoSE: GVR) và Công ty Hàng không Vietjet (HoSE: VJC) đều tăng dưới 1.000 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, bộ đôi Vingroup - Vinhomes ghi nhận lượng “tiền mặt” giảm mạnh lần lượt hơn 6.300 tỷ đồng và hơn 7.100 tỷ đồng. Diễn biến này khá đặc thù bởi 2 doanh nghiệp này có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nguồn tiền cho hãng xe VinFast.
Để giảm mức độ “nhiễu” từ bộ đôi Vingroup - Vinhomes, có thể thống kê thêm dữ liệu “tiền mặt” từ nhóm HNX30 để thấy rõ hơn nữa xu hướng “trữ tiền, chờ thời” của doanh nghiệp. Cụ thể, trong nhóm HNX30, loại trừ các định chế tài chính (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán), có 25 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh với tổng lượng “tiền mặt” tính đến hết quý III/2023 là hơn 23.600 tỷ đồng, tăng tới hơn 3.300 tỷ đồng so với cuối năm ngoái.
Trong số 25 doanh nghiệp này, có tới 14 doanh nghiệp ghi nhận lượng “tiền mặt” tăng. Tập đoàn C.E.O (HNX: CEO) ghi nhận mức tăng mạnh nhất, lên đến hơn 2.100 tỷ đồng; kế đó là Công ty Cổ phần Tasco (HNX: HUT) với mức tăng hơn 770 tỷ đồng. Hàng loạt doanh nghiệp cũng ghi nhận mức tăng trăm tỷ như Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao (HNX: LAS) tăng hơn 450 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Cảng Đoạn Xá (HNX: DXP) tăng hơn 280 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Thành Đạt (HNX: DTD) tăng hơn 230 tỷ đồng, Tổng công ty Hoá chất và Dịch vụ Dầu khí (HNX: PVC) tăng hơn 120 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, trong số 11 doanh nghiệp ghi nhận lượng “tiền mặt” giảm, chỉ có 2 doanh nghiệp giảm trên trăm tỷ.
Trên sàn UPCoM, các doanh nghiệp lớn nhất cũng tăng dự trữ “tiền mặt”. Thống kê đối với 5 doanh nghiệp “khủng” gồm Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR), Công ty Cổ phần Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam (UPCoM: VEA), Tổng công ty Đầu tư Quốc tế Viettel (UPCoM: VGI) và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) cho thấy, tổng lượng “tiền mặt” tính đến hết quý III/2023 lên đến hơn 116.000 tỷ đồng, tăng hơn 21.600 tỷ đồng so với cuối năm ngoái.
Số doanh nghiệp tăng “tiền mặt” lên đến 4, trong đó BSR tăng mạnh nhất khi trữ thêm hơn 11.400 tỷ đồng, tiếp đó là VEA trữ thêm hơn 6.100 tỷ đồng, VGI tăng hơn 3.300 tỷ đồng và MCH tăng hơn 1.300 tỷ đồng. Riêng ACV suy giảm nhưng mức giảm chỉ chưa đến 700 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận