24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Sao Mai
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Doanh nghiệp nào sẽ hưởng lợi từ dự án Lô B - Ô Môn hơn 10 tỷ USD?

Việc khởi công dự án phát triển mỏ khí lớn như Lô B - Ô Môn sẽ là động lực tăng trưởng cho các công ty trong chuỗi giá trị dầu khí tại Việt Nam những năm tới.

Báo cáo mới đây của VNDirect về ngành dầu khí cho thấy sau nhiều năm trì hoãn do vướng mắc tại dự án nhà máy điện Ô Môn III, chuỗi dự án Lô B - Ô Môn có khả năng khởi công trong năm nay và sẽ là động lực tăng trưởng cho các công ty trong chuỗi giá trị dầu khí tại Việt Nam, củng cố nền tảng cơ bản của ngành những năm tới.

Kỳ vọng khởi công vào cuối quý II

VNDirect cho biết Lô B - Ô Môn là một trong những dự án khí lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại, với tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ USD cho nhiều dự án thành phần từ khâu thượng nguồn đến hạ nguồn.

Theo PVN, ước tính khoảng 19,23 tỷ USD sẽ được bổ sung vào ngân sách nhà nước trong vòng đời 20 năm của dự án từ các dự án thượng nguồn và đường ống dẫn khí. Ngoài ra, 4 nhà máy nhiệt điện khí tại Ô Môn sẽ mang lại tổng công suất 3.810MW, bổ sung nguồn cung điện cho khu vực miền Nam trong tương lai.

"Chúng tôi cho rằng nhu cầu khí để sản xuất điện sẽ tăng mạnh trong giai đoạn tới do Dự thảo Quy hoạch Điện 8 đặt mục tiêu biến nhiệt điện khí trở thành nguồn điện chủ lực cho đến năm 2030 nhờ tính ổn định và tương đối thân thiện với môi trường so với nhiệt điện than, chiếm 23% tổng công suất hệ thống vào năm 2030 (từ mức 12% hiện nay)" - báo cáo của VNDirect nêu.

VNDirect cũng nhận định tính cấp thiết của việc triển khai dự án phát triển mỏ khí Lô B - Ô Môn, đặc biệt khi quyền tự chủ nguồn cung khí là vô cùng quan trọng sau cuộc khủng hoảng khí tự nhiên gần đây trên phạm vi toàn cầu.

Mặc dù có tiềm năng rất lớn nhưng chuỗi dự án này đã bị chậm tiến độ trong nhiều năm do những vướng mắc tại dự án nhà máy điện Ô Môn III liên quan đến nguồn vốn ODA tài trợ cho nhà máy. Nguyên nhân của tình trạng này là do không xác định được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư đối với dự án Ô Môn III sử dụng vốn vay ODA. Việc chậm trễ này cũng dẫn đến sự bế tắc của toàn chuỗi Lô B - Ô Môn vì quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Ô Môn III sẽ là tiền đề để hoàn tất các đàm phán thương mại và lựa chọn nhà thầu EPC cho phân khúc thượng nguồn và trung nguồn.

Doanh nghiệp nào sẽ hưởng lợi từ dự án Lô B - Ô Môn hơn 10 tỷ USD?
Các cột mốc chính của dự án Lô B - Ô Môn. VNDirect kỳ vọng chuỗi dự án sẽ được khởi công trong nửa cuối 2022 và đón dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2025.

Tuy nhiên, VNDirect chỉ ra điểm tích cực cho chuỗi dự án sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 144/2021/NĐ-CP (ngày 16/12/2021) về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để thay thế Nghị định 56, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để phê duyệt chủ trương đầu tư nhà máy điện Ô Môn III.

Theo đó, VNDirect kỳ vọng dự án thượng nguồn sẽ có quyết định đầu tư cuối cùng (FID) vào cuối quý II/2022 sau khi Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư cho Ô Môn III trong quý II, tạo tiền đề cho toàn chuỗi dự án Lô B - Ô Môn khởi công trong nửa cuối năm 2022.

Những doanh nghiệp nào hưởng lợi?

Theo kế hoạch phát triển mỏ (FDP), dự án sẽ bao gồm việc phát triển mỏ khí tại lô B&48/95 và 52/97, và xây dựng một đường ống dẫn khí từ Lô B tới Ô Môn. Dự án phát triển mỏ khí Lô B có tổng vốn đầu tư xấp xỉ 6,7 tỷ USD trong thời gian 20 năm. Dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn có tổng mức đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD do PVN, PV GAS, MOECO (Nhật Bản) và PTTEP (Thái Lan) làm chủ đầu tư theo hình thức hợp doanh.

Với khối lượng công việc rất lớn kể trên, VNDirect nhận thấy có nhiều cơ hội việc làm cho các nhà cung cấp dịch vụ trong suốt vòng đời dự án.

Ở nhóm thượng nguồn (dự án phát triển mỏ khí lô B), phạm vi công việc của dự án bao gồm một giàn xử lý trung tâm (CPP), 46 giàn đầu giếng (WHP), một giàn nhà ở, một tàu chứa condensate (FSO) và 750 giếng khai thác.

Với hoạt động EPCI (thiết kế - mua sắm - thi công - lắp đặt và chạy thử), VNDirect cho rằng PVS và PVX (bao gồm cả công ty con PXS) có thể tham gia vào các hợp đồng EPC phát triển mỏ khí trong liên doanh với các nhà thầu nước ngoài. Đáng chú ý, PVS đã chứng tỏ được khả năng của mình trong việc xây lắp các dàn khoan dầu khí ở cả thị trường trong nước và nước ngoài như dự án Sao Vàng - Đại Nguyệt, hay dự án Gallaf tại Qatar.

Ở mảng khoan, dịch vụ giếng khoan, với kế hoạch hơn 700 giếng khai thác, các chuyên gia phân tích cho rằng dự án có thể mang lại nhiều cơ hội việc làm cho PVD - đơn vị cung cấp dịch vụ khoan những năm sắp tới.

"Là đơn vị kinh doanh dung dịch khoan hàng đầu tại Việt Nam, PVC cũng có thể thu được lợi ích từ chiến dịch khoan tại dự án Lô B" - báo cáo nêu.

Doanh nghiệp nào sẽ hưởng lợi từ dự án Lô B - Ô Môn hơn 10 tỷ USD?
Dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn.

Ở nhóm trung nguồn (đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn), dự án đường ống có tổng chiều dài 431km với công suất thiết kế 20,3 triệu m3/ngày. "Với tư cách là nhà đầu tư chính của đường ống Lô B - Ô Môn, PV GAS sẽ được hưởng lợi nhờ nguồn khí bổ sung từ Lô B và cước phí vận chuyển khí" - các chuyên gia VNDirect nhận định. VNDirect kỳ vọng lượng khí bổ sung kể từ năm 2026 sẽ bù đắp sự cạn kiệt nhanh chóng tại các mỏ khí lâu năm, góp phần duy trì sự tăng trưởng của GAS trong dài hạn.

VNDirect ước tính hợp đồng bọc ống chiếm khoảng 5-6% tổng mức đầu tư dự án. Sở hữu nhà máy bọc ống duy nhất tại Việt Nam, PVCoating (PVB) là đơn vị thực hiện hầu hết các hợp động bọc ống ngoài khơi tại Việt Nam, đơn cử như tuyến ống Nam Côn Sơn 2. Do đó, các chuyên gia phân tích của VNDirect cho rằng PVB sẽ tiếp tục nhận được hợp đồng bọc ống tại dự án đường ống Lô B - Ô Môn.

Với kinh nghiệm đã thực hiện một số dự án tại Việt Nam như đường ống Sao Vàng - Đại Nguyệt, đường ống Nam Côn Sơn 2, VNDirect kỳ vọng PVS và công ty con POS sẽ có nhiều cơ hội giành được hợp đồng EPC cho dự án này. Kết hợp với dự án thượng nguồn sẽ tạo nên lượng backlog tiềm năng rất lớn cho mảng M&C của PVS trong những năm tới. Bên cạnh đó, một nhà thầu xây lắp dầu khí khác như PVX (bao gồm công ty con PXT) có thể tham gia vào dự án đường ống này với tư cách là nhà thầu phụ.

Cuối cùng là nhóm hạ nguồn với 3 nhà máy nhiệt điện khí mới tại Trung tâm Điện lực Ô Môn. Các dự án nhà máy điện sẽ tạo ra lượng backlog rất lớn cho các nhà thầu EPC trong nước nhưng VNDirect cho rằng cơ hội cho các nhà thầu dầu khí như PVS trong mảng này là tương đối hạn chế.

"4 nhà máy điện khí tại Ô Môn với tổng công suất lên tới 3.810MW sẽ bổ sung nguồn cung điện cho miền Nam trong tương lai" - VNDirect nhận định.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
69.20 +1.00 (+1.47%)
10.40 -0.10 (-0.95%)
23.55 -0.05 (-0.21%)
33.30 -0.30 (-0.89%)
1.50 -0.10 (-6.25%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả