menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Hải

Doanh nghiệp địa ốc loay hoay tìm vốn thay thế kênh trái phiếu

Hai kênh dẫn vốn quan trọng vào lĩnh vực bất động sản, gồm kênh tín dụng ngân hàng và phát hành trái phiếu khiến bị “siết”, khiến bài toán huy động vốn để đảm bảo tiến độ kinh doanh của các doanh nghiệp địa ốc càng khó khăn hơn…

Doanh nghiệp địa ốc loay hoay tìm vốn thay thế kênh trái phiếu
Các chuyên gia kinh tế cho rằng vốn trái phiếu cần được sớm tháo gỡ, tạo lực để bất động sản đi lên theo đà hồi phục tích cực của nền kinh tế. Ảnh: Q,H

Ồ ạt phát hành cổ phiếu, trái phiếu quốc tế

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 của Tập đoàn Đất Xanh (HoSE: DXG) diễn ra ngày 28/5 vừa qua, ông Lương Trí Thìn - Chủ tịch HĐQT đơn vị này đã bật mí về kế hoạch phát hành 300 triệu USD trái phiếu ra thị trường quốc tế, tương ứng khoảng 6.959 tỷ đồng.

Số tiền thu được dự kiến để cấp vốn cho một số dự án đầu tư và vốn lưu động, hoặc sử dụng cho mục đích khác.

Theo ông Lương Trí Thìn, trái phiếu là loại chuyển đổi/không chuyển đổi quốc tế, không kèm chứng quyền, phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài. Khối lượng phát hành cụ thể do HĐQT hoặc đại diện theo ủy quyền của HĐQT quyết định. Kỳ hạn trái phiếu lên đến 60 tháng kể từ ngày phát hành. Thời điểm phát hành dự kiến trong năm 2022.

Nếu áp dụng chuyển đổi, người sở hữu trái phiếu có quyền chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông trong vòng 60 tháng sau ngày hoàn thành đợt phát hành.

"Giá chuyển đổi do HĐQT quyết định phụ thuộc vào điều kiện thị trường và thỏa thuận với nhà đầu tư", ông Thìn thông tin.

Không chỉ Đất Xanh, thời gian gần đây các doanh nghiệp địa ốc liên tục đưa ra các kế hoạch tăng vốn ngoài kênh trái phiếu, trong bối cảnh kênh dẫn vốn này tạm thời bị "nghẽn" lại.

Chẳng hạn, Công ty CP Bamboo Capital từ đầu năm đến nay đã có 2 lần tăng vốn điều lệ, từ 2.975 tỷ đồng vào cuối năm 2021 lên 5.033 tỷ đồng ngày 5/5.

Trong năm 2022, Bamboo Capital có kế hoạch tăng vốn gấp đôi bằng phương án phát hành thêm cổ phiếu. Cụ thể, doanh nghiệp này sẽ phát hành hơn 266 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, bán đấu giá 250 triệu cổ phần ra công chúng, 25 triệu cổ phiếu trả 5% cổ tức 2021 và 5 triệu cổ phiếu ESOP. Tổng giá trị cổ phiếu phát hành trong năm 2022 tính theo mệnh giá là 5.183 tỷ đồng.

Sau khi hoàn tất các đợt phát hành, vốn điều lệ của Bamboo Capital sẽ tăng từ 5.033 tỷ đồng lên khoảng 10.500 tỷ đồng.

Giai đoạn từ 2022-2026, Bamboo Capital dự kiến lộ trình tăng vốn chủ sở hữu trong năm 2022 là 29.000 tỷ đồng, 2023 sẽ là 36.000 tỷ đồng, 2024 sẽ là 41.000 tỷ đồng, 2025 là 47.000 tỷ đồng và 2026 là 56.000 tỷ đồng. Vào năm 2026, tổng tài sản công ty sẽ vào khoảng 185.000 tỷ đồng.

Tương tự, năm nay TTC Land dự kiến tăng vốn từ 3.664 tỷ đồng lên 4.653 tỷ đồng thông qua trả cổ tức 8% số lượng cổ phiếu đang lưu hành, tỷ lệ thực hiện quyền 25:02, tương ứng phát hành thêm 29,3 triệu cổ phiếu.

Đồng thời, TTC Land cũng dự kiến phát hành gần 51,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 14%, giá chào bán 14.000 đồng/cổ phiếu; phát hành cổ phiếu ESOP 5%, tương ứng phát hành thêm 18,32 triệu cổ phiếu với giá chào bán 11.000 đồng/cổ phiếu.

Công ty CP Đầu tư LDG cũng có kế hoạch phát hành thêm 120 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá dự kiến 12.000 đồng/cổ phiếu nhằm bổ sung cho hoạt động M&A và góp vốn đầu tư ở một số dự án mới…

Loại bỏ trái phiếu "rác" làm ảnh hưởng đến thị trường

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, trái phiếu "rác" trong lĩnh vực bất động sản đang làm ảnh hưởng toàn bộ hoạt động phát hành trái phiếu huy động vốn của doanh nghiệp. Vì vậy, cần chấn chỉnh, phân loại, xếp hạng tín nhiệm các doanh nghiệp để có thể "cởi trói" cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu lành mạnh.

"Thị trường bất động sản TP.HCM đang gặp nhiều khó khăn, nguồn cung hạn hẹp, cung cầu lệch pha và hàng trăm dự án vướng mắc pháp lý chưa được tháo gỡ. Có 3 dòng vốn chính cho doanh nghiệp bất động sản thì 2 dòng đang bị "bóp" là tín dụng và trái phiếu, kênh huy động từ khách hàng cũng đang "tắc" thì làm sao doanh nghiệp bất động sản "thở" nổi?", ông Châu đặt vấn đề.

Theo Chủ tịch HoREA, sức khỏe của thị trường bất động sản phản ánh thực trạng, sức khỏe của nền kinh tế. Vì vậy, Chính phủ cần định hướng dòng vốn tích cực để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững; có sự minh bạch, công bằng… chứ không phải "lúc nóng sốt, lúc đóng băng".

Doanh nghiệp địa ốc loay hoay tìm vốn thay thế kênh trái phiếu

Nguồn vốn từ kênh trái phiếu rất quan trọng với các DN địa ốc... Ảnh: Quốc Hải

Đồng quan điểm, TS. Trần Du Lịch, Phó chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), cho hay, gần đây, sự liên thông giữa thị trường tài chính và thị trường bất động sản không minh bạch đã tạo ra rủi ro lớn. Do đó, Nhà nước đang chấn chỉnh và lành mạnh hóa 2 thị trường này.

Theo ông Lịch, hiện có rất nhiều điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển và thu hút vốn đầu tư vào thị trường bất động sản. TP.HCM có hàng trăm dự án "nghẽn" do liên quan đến các thủ tục quy trình hành chính, nên không phát triển được. Những dự án này nguy hiểm với nhà đầu tư khi lượng tiền đổ vào khá lớn, nhưng không thể triển khai. Bên cạnh đó là các vướng mắc liên quan đến vấn đề pháp lý của hàng chục đạo luật khác nhau như vấn đề giá đất, thu tiền đất, giao đất cho thuê đất…

"Nếu thị trường bất động sản ngưng trệ sẽ tác động rất lớn tốc độ phát triển kinh tế. Đặc biệt đối với TP.HCM, thị trường bất động sản càng quan trọng, vì nó sẽ thúc đẩy rất nhiều ngành phát triển, giúp nên kinh tế nhanh chóng phục hồi sau dịch", ông Lịch nhấn mạnh.

Nhiều doanh nghiệp gấp rút mua lại trái phiếu trước thời hạn

Tổng Công ty CP thiết bị điện Việt Nam (GEX) vừa hoàn tất mua lại 300 tỷ đồng trái phiếu. Lô trái phiếu này có mã GEXH2124001, được phát hành vào ngày 19/5/2021, kỳ hạn 3 năm, kéo dài đến ngày 19/5/2024 với lãi suất cố định 8,5%năm.

Giá mua lại được GEX tính bằng mệnh giá trái phiếu (100 triệu đồng/trái phiếu) cộng với tiền lãi tính theo số ngày thực tế.

Tương tự, Công ty CP An Phát Finance cũng tất toán trước hạn toàn bộ 7 lô trái phiếu có tổng giá trị 570 tỷ đồng.

Công ty Intimex Việt Nam mua lại trước hạn gói 2.000 tỷ đồng trái phiếu có kỳ đáo hạn vào tháng 9/2027.

Ngân hàng Phương Đông cũng mua trước hạn toàn bộ lô trái phiếu 200 tỷ đồng vào ngày 12/5. Công ty Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) cũng thương lượng thành công để thanh toán trước hạn gói trái phiếu 155 tỷ đồng vào ngày 18/5…

Theo dữ liệu của Bộ Tài chính, trong 4 tháng đầu năm 2022, tổng khối lượng trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là 24.700 tỷ đồng, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
1 Bình luận 2 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại