Đầu tư chứng khoán chờ quà đón Tết
Với động lực đến từ sự phục hồi tích cực về mặt lợi nhuận của DN, câu chuyện nâng hạng và định giá TTCK Việt Nam hấp dẫn sẽ hút được dòng tiền ngoại trong năm 2025.
Riêng thời điểm đến cuối năm, giới chuyên gia cho rằng, sẽ có quà Tết cho nhà đầu tư nếu mua được cổ phiếu quanh ngưỡng 1.200 điểm và nắm giữ từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau để cơ hội chốt lời giá cao.
Nâng hạng thị trường sẽ thu hút vốn ngoại
Thời gian qua, sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Mỹ, dù đối mặt với rủi ro từ các chính sách thuế quan đã tạo tâm lý lạc quan trên toàn cầu. Đối với Việt Nam, thị trường chứng khoán vẫn giữ được sự ổn định đáng ngạc nhiên dù chịu áp lực rút vốn trong suốt một năm qua.
VN-Index phục hồi từ mức 1.200 lên 1.250 điểm.
Giới phân tích cho rằng, điều này phản ánh sự kiên cường của các nhà đầu tư trong nước, đặc biệt trong bối cảnh lợi nhuận DN hồi phục và kỳ vọng nâng hạng thị trường đang trở thành điểm nhấn. Câu chuyện nâng hạng và định giá hấp dẫn sẽ thu hút dòng tiền ngoại vào năm 2025, đặc biệt khi quá trình nâng hạng hoàn tất, Việt Nam sẽ chứng kiến dòng vốn ngoại lớn đổ vào.
Một trong những rủi ro đáng quan tâm nhất của chứng khoán hiện nay là vấn đề tỷ giá. Thực tế, chứng khoán Việt Nam đặc biệt chịu ảnh hưởng nhiều của tỷ giá, biến động VN-Index ngược chiều so với DXY Index (chỉ số đo lường sức mạnh đồng USD). Tuần qua, DXY đã giảm từ mức cao 108 xuống dưới 105, ngược lại VN-Index tăng mạnh mẽ.
Nói về rủi ro tỷ giá, ông Đinh Quang Hinh - Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT cho biết, tháng 12, kỳ vọng xu hướng chung của thị trường vẫn là phục hồi khi các yếu tố rủi ro như tỷ giá, căng thẳng thanh khoản ngắn hạn dần hạ nhiệt.
Điều này đến từ kỳ vọng Cục dự trữ liên bang Mỹ - Fed sẽ tiếp tục hạ lãi suất điều hành trong cuộc họp tháng 12 tới và nguồn cung USD trong nước cải thiện đáng kể dịp cuối năm.
Thông thường, các DN xuất khẩu có xu hướng bán lại ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại vào dịp cuối năm để phục vụ mua sắm hàng hóa trong nước, trả lương thưởng cho người lao động…
“Điều này cùng với giải ngân vốn FDI duy trì xu hướng tích cực và lượng kiều hối chảy về nước dịp cuối năm sẽ giúp hạ nhiệt áp lực tỷ giá. Nhờ đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thể chuyển hướng sang các mục tiêu khác là hỗ trợ thanh khoản hệ thống và tăng trưởng tín dụng nhằm tiến tới mục tiêu tăng trưởng tín dụng tham vọng trong năm nay là 15%” - ông Đinh Quang Hinh đánh giá.
Một tín hiệu đáng mừng là tuần qua, khối ngoại mua ròng 6 phiên liên tiếp. Tuy nhiên, tín hiệu này có duy trì được lâu không là câu hỏi được nhà đầu tư quan tâm.
Các chuyên gia nhận định, phản ứng khối ngoại hiện tại bám khá sát với thị trường tài chính thế giới, xu hướng dòng vốn quốc tế và độ mạnh, yếu của đồng USD. Tuần qua, đồng USD yếu tương đối rõ, DXY giảm hơn 1% so với đỉnh, qua đó dòng vốn quay trở lại thị trường Việt Nam.
Về cơ cấu nhà đầu tư, cá nhân trong nước đang là lực đỡ chính cho lực bán ròng của khối ngoại và tổ chức trong nước. Khi nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trở lại thì nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong nước cũng mua ròng. Dòng tiền từ nhà đầu tư tổ chức trong nước và nhà đầu tư cá nhân trong nước sẽ là trợ lực giúp thị trường năm nay không giảm quá sâu, ổn định, tích lũy dần hình thành nền giá mới để đi lên cho năm sau.
Chọn nhóm ngành nào tiềm năng?
Về quan điểm Tết năm nay, thị trường sẽ có "quà" cho nhà đầu tư không, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường Chứng khoán VPBank cho rằng, với động lực đến từ sự phục hồi tích cực về mặt lợi nhuận của DN, câu chuyện nâng hạng và định giá TTCK Việt Nam hấp dẫn sẽ hút được dòng tiền ngoại trong năm 2025. Đặc biệt là câu chuyện nâng hạng, nếu thực hiện được thì Việt Nam sẽ hút được dòng tiền ngoại lớn như nhiều thị trường khác đã đạt được từ giữa 2025.
“Tức là những nhà đầu tư nào mua được cổ phiếu quanh ngưỡng 1.200 và nắm giữ từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau nhiều khả năng được chốt lời giá cao là điều chắc chắn” - ông Trần Hồng Sơn nói.
Nhìn về xu hướng, TTCK Mỹ đang tăng trưởng tích cực, chỉ có một lo ngại là câu chuyện thuế quan. Đối với thị trường Việt Nam, như một số khu vực emerging (mới nổi) nói chung chịu áp lực rút vốn. Điểm sáng là trải qua 1 năm bị rút vốn nhiều như vậy nhưng TTCK Việt Nam gần như không biến động nhiều, giao dịch khoảng 50 đến tối đa 100 điểm. Đến thời điểm hiện tại, VN-Index phục hồi từ 1.200 lên 1.250 cho thấy dòng tiền nội rất kiên cường.
Với động lực đến từ sự phục hồi tích cực về mặt lợi nhuận của DN, câu chuyện nâng hạng và định giá TTCK Việt Nam hấp dẫn sẽ hút được dòng tiền ngoại trong năm 2025. Đặc biệt là câu chuyện nâng hạng, nếu thực hiện được thì Việt Nam sẽ hút được dòng tiền ngoại lớn như nhiều thị trường khác đã đạt được từ giữa 2025.
Về chiến lược đầu tư, với các nhà đầu tư mới, ông Trần Hồng Sơn khuyến nghị không nên tự mình tham gia thị trường nếu thiếu kinh nghiệm hoặc thời gian theo dõi sát sao. Thay vào đó, họ nên cân nhắc đầu tư thông qua các quỹ chuyên nghiệp. Ông cho biết, nhiều quỹ đầu tư tại Việt Nam như Vinacapital, SSIAM, Vietcombank Fund và DCVFM đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng từ 25% đến 30% trong năm nay.
“Nhà đầu tư nên chọn quỹ có khẩu vị rủi ro phù hợp và chi phí quản lý hợp lý. Các quỹ ETF hiện là lựa chọn với mức phí quản lý thấp nhất”- ông nhấn mạnh.
Đối với chiến lược theo dõi động thái của nhà đầu tư nước ngoài, ông Trần Hồng Sơn lưu ý rằng, việc khối ngoại mua ròng ở các cổ phiếu như MWG, SBT, NLG, HVN, MBB là tín hiệu tích cực, đặc biệt khi các mã này ở vùng giá thấp.
Ông cho rằng: “Chúng ta có thể mua theo một số cổ phiếu được khối ngoại ưu tiên, nhưng cần tập trung vào những cổ phiếu thuộc nhóm ngành tiềm năng”. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo về những cổ phiếu bị bán ròng mạnh, khuyến nghị nhà đầu tư nên tránh xa các mã này trong thời gian đà bán ròng chưa dừng lại.
Khuyến nghị nhóm cổ phiếu tiềm năng, chuyên gia VNDIRECT cho hay, nếu tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu và dòng tiền chảy vào nền kinh tế thực chất sẽ là cú huých lớn cho thị trường chứng khoán trong giai đoạn tháng 12 và đầu năm tới. Do đó, nhà đầu tư nên tận dụng các nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, xây dựng danh mục đầu tư cho năm tới, ưu tiên các nhóm ngành được kỳ vọng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý IV như công nghệ, logistics, xuất khẩu (dệt may, thủy sản) và ngân hàng.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu đầu tư công là một trong những điểm sáng tiềm năng của thị trường trong năm tới. Dù hiệu quả giải ngân đầu tư công trong nửa đầu năm 2024 chỉ đạt 40%, đây vẫn là yếu tố then chốt cho sự phát triển kinh tế. Nếu Việt Nam đẩy mạnh đầu tư công, sẽ có cơ hội đón đầu làn sóng dịch chuyển nhà máy và dòng vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt khi các chính sách thuế quan từ Mỹ có thể thúc đẩy xu hướng này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường