Cổ phiếu phân bón vẫn 'ngóng' Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi
Nhìn về triển vọng ngành phân bón từ nay cho tới cuối năm, một trong những yếu tố được kỳ vọng nhất là câu chuyện liên quan đến Luật Thuế giá trị gia tăng.
Kinh doanh khả quan
Trong chu kỳ hồi phục của nền kinh tế và thị trường chứng khoán (TTCK), nhóm cổ phiếu hàng hóa, trong đó có phân bón, luôn là một trong những lựa chọn ưa thích của các nhà đầu tư do được hưởng lợi kép từ sản lượng và giá bán tăng. Trên thực tế, giá các cổ phiếu thuộc ngành này trên sàn chứng khoán như DPM, DCM, DGC, LAS, DDV… đã có mức tăng vài chục phần trăm kể từ đầu năm 2024 đến nay. Diễn biến này là có cơ sở nếu xét trên sự chuyển biến về kết quả kinh doanh của ngành phân bón trong hai quí đầu năm. Thống kê từ báo cáo tài chính cho thấy, nhóm các “ông lớn” ngành này hầu hết đều báo kết quả kinh doanh tăng trưởng.
Nổi bật nhất là Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, HOSE: DCM) với doanh thu 3.863 tỉ đồng trong quí 2. Với việc có thêm 176 tỉ đồng chủ yếu là thặng dư lợi nhuận từ việc mua Nhà máy phân bón Hàn Việt (KVF), đã giúp DCM lãi ròng 569 tỉ đồng, gấp gần 2 lần cùng kỳ. Lũy kế nửa đầu năm, Đạm Cà Mau ghi nhận doanh thu 6.607 tỉ đồng và lãi ròng 915 tỉ đồng, tăng lần lượt 10% và 69% so với cùng kỳ. Đạm Cà Mau đã thực hiện được 56% mục tiêu doanh thu và vượt gần 16% kế hoạch lãi sau thuế của cả năm.
Một “ông lớn” khác là Đạm Phú Mỹ (HOSE: DPM) cũng báo lãi ròng 239 tỉ đồng trong quí 2, gấp 2,3 lần cùng kỳ. Động lực tăng trưởng của Đạm Phú Mỹ nằm ở sự phục hồi của giá phân bón và tiết kiệm chi phí. Qua đó, lợi nhuận sau thuế bán niên đạt 503 tỉ đồng, tương đương hoàn thành 93% kế hoạch năm.
Trong số các thành viên của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Phân bón Bình Điền (HOSE: BFC) là một cái tên đáng chú ý khi báo lãi ròng kỷ lục với 232 tỉ đồng trong nửa đầu năm, gấp 7,5 lần cùng kỳ. Một số thành viên khác trong nhóm Vinachem cũng có kết quả kinh doanh tích cực như: Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (HNX: LAS) lãi ròng 67 tỉ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ; Hóa chất cơ bản Miền Nam (mã CSV) lãi ròng 69 tỉ đồng, tăng 38%; hay Công ty cổ phần DAP-Vinachem (UpCom: DDV) có quí tăng ấn tượng với 64 tỉ đồng lãi sau thuế, gấp 72 lần cùng kỳ và là quí đạt lợi nhuận cao thứ 5 kể từ khi cổ phiếu lên sàn UpCom năm 2015. Riêng “ông lớn” Hóa chất Đức Giang (HOSE: DGC) dù vẫn dẫn đầu về lãi ròng toàn ngành trong quí 2 với 842 tỉ đồng nhưng ngược chiều giảm nhẹ 3%. Dù vậy, mức lợi nhuận này chỉ thua thời điểm đạt đỉnh lợi nhuận vào giai đoạn 2021-2022.
Kỳ vọng vào chính sách mới
Nhìn về triển vọng ngành phân bón từ nay cho tới cuối năm, một trong những yếu tố được kỳ vọng nhất là câu chuyện liên quan đến Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT). Trên thực tế, thông tin này đã được đề cập đến nhiều mỗi khi nhắc đến ngành phân bón trong những năm qua. Tuy nhiên, những luồng thông tin mới gần đây cho thấy dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi vẫn đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều khiến khả năng mặt hàng phân bón thuộc diện chịu thuế GTGT còn đang bỏ ngỏ.
Những người ủng hộ việc tiếp tục giữ phân bón thuộc diện không chịu thuế GTGT (VAT) như quy định hiện hành cho rằng, VAT là thuế gián thu, người chịu thuế là người tiêu dùng cuối cùng. Việc chuyển phân bón sang chịu thuế suất VAT 5% sẽ làm người nông dân phải chịu tác động lớn do giá phân bón sẽ tăng khi có thuế, dẫn đến giá thành sản phẩm nông nghiệp tăng.
Luồng quan điểm thứ hai là đưa nhóm phân bón quay lại diện chịu thuế VAT 5%. Về lý thuyết, tăng thuế sẽ làm tăng giá sản phẩm, nhưng thực tế có thể không như vậy. Hiện nay các doanh nghiệp phân bón không được khấu trừ thuế VAT đầu vào nên phải tính vào giá thành sản phẩm. Nếu đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT, các doanh nghiệp sẽ được khấu trừ thuế đầu vào, giúp chi phí sản xuất giảm.
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt thì đây là một cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp giảm giá bán, chiếm lĩnh thị trường. Dự thảo Luật Thuế GTGT sửa đổi với việc đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT 5% dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 (diễn ra vào tháng 10 tới đây) và nếu được thông qua sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2025.
Theo ước tính, nếu dự thảo này được thông qua, lợi nhuận nhóm doanh nghiệp phân bón có thể sẽ tăng hàng chục phần trăm nhờ được khấu trừ thuế đầu vào; đồng thời, giá bán phân bón nhập khẩu sẽ tăng thêm 5% do chịu thuế GTGT. Điều này giúp gia tăng tính cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất phân bón nội địa. Hiện tại, giá phân bón trong nước cao hơn giá phân bón nhập khẩu một phần là do giá thành cao hơn khi các doanh nghiệp sản xuất phải chịu thêm chi phí thuế VAT 10% (do không được khấu trừ).
Trong trường hợp kém khả quan hơn là mặt hàng phân bón tiếp tục giữ ở diện không chịu thuế VAT thì xét ở phương diện cơ bản, các doanh nghiệp ngành này vẫn đang kinh doanh tương đối tốt. Sau những tháng đầu năm 2024 giảm mạnh, giá phân bón trên thị trường thế giới đã tăng trở lại kể từ cuối tháng 5, đầu tháng 6 do nguồn cung tại Ai Cập bị thắt chặt bởi thiếu khí đốt. Bên cạnh đó, tin tức Trung Quốc trì hoãn việc xuất khẩu phân bón trở lại đã hỗ trợ xu hướng tăng giá của mặt hàng này.
Tại ngày 31-8, giá phân bón urê trên trang Trading Economics ở mức 309 đô la Mỹ/tấn, tăng 3,5% so với tuần trước và tăng 2,07% so với tháng trước. Giá phân bón urê trong nước được nhận định sẽ còn tăng vào cuối quí 3 khi bước vào vụ đông xuân. Bên cạnh đó, kỳ vọng nhu cầu ở các thị trường nhập khẩu sẽ tăng trở lại từ tháng 9 khi bước vào vụ mùa (lúa mì, bắp) của thế giới.
Nhìn chung, cổ phiếu ngành phân bón vẫn là một lựa chọn đầu tư đáng chú ý trong năm nay nhờ cả yếu tố cơ bản lẫn khả năng có thông tin chính sách hỗ trợ. Mặc dù vậy, với việc giá đã tăng mạnh kể từ đầu năm, các hoạt động mua vào tại nhóm cổ phiếu này được khuyến nghị canh ở các vùng giá thấp khi thị trường có những đợt điều chỉnh sâu bất ngờ như hồi giữa tháng 4 hay đầu tháng 8 vừa qua.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận