Cổ phiếu ngân hàng ép mạnh, VN-Index thử thách lại mốc 1260 điểm
Thị trường bất ngờ chìm vào một đợt bán hạ giá khá mạnh trong phiên sáng nay, đẩy thanh khoản tăng 23% so với sáng hôm qua nhưng số cổ phiếu đỏ trong VN-Index nhiều gấp 4,7 lần số xanh. Toàn phiên là nhịp trượt giảm của chỉ số, với mức thấp nhất xuống tận 1260,14 điểm...
Diễn biến giảm khá mạnh này đồng nghĩa với việc VN-Index đã trả lại toàn bộ biên độ tăng của ngày 25/12 vừa qua, đồng thời kiểm định lại mốc tâm lý 1260 điểm. Chốt phiên sáng chỉ số đang giảm 8,19 điểm tương đương -0,65%, với 67 mã xanh/313 mã đỏ.
Ban đầu thị trường chưa quá xấu, giao dịch chậm chạp, giá giảm nhẹ với thanh khoản rất kém. Tuy nhiên áp lực bán hạ giá đã mạnh dần lên sau đó. VN-Index chạm đáy khoảng 11h15 và ít phút còn lại cải thiện không đáng kể. Độ rộng tại đáy ghi nhận 57 mã tăng/324 mã giảm. Như vậy cũng chỉ khoảng 10 mã đổi được màu giá ở những phút cuối.
VN30-Index đang giảm tới 1,03% với duy nhất 3 mã tăng và 23 mã giảm. Nhóm blue-chips vẫn là sức ép chính lên VN-Index với loạt cổ phiếu ngân hàng tác động mạnh. Dẫn đầu là CTG giảm 1,84%, TCB giảm 1,64%, VPB giảm 1,57%. Ngoài ra trong 10 mã khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất thì tới 7 mã ngân hàng, lấy đi 3,7 điểm trong tổng số 3,19 điểm. Toàn nhóm ngân hàng ở các sàn thì chỉ còn 4/27 mã là xanh. May mắn vẫn còn VCB tăng 0,44% và BID tăng 0,52%. Tuy vậy tới 15 mã đang giảm quá 1% cho thấy nhóm này suy yếu nghiêm trọng. Ngân hàng cũng là nguyên nhân khiến VN30-Index giảm sâu hơn VN-Index (-0,65%).
Với sức ép từ các cổ phiếu lớn, điểm số mất nhiều khiến các cổ phiếu vừa và nhỏ rất khó để đi ngược dòng. Độ rộng cho thấy vẫn có 67 mã xanh trên sàn HoSE nhưng số thực sự mạnh mẽ thì rất ít. Xuất sắc nhất đang là CTR với mức tăng 4,14% và thanh khoản ấn tượng 273,7 tỷ đồng. Mới buổi sáng mà thanh khoản của CTR đã lập kỷ lục 20 phiên. Sự bùng nổ ở cổ phiếu này là cá biệt, thậm chí suốt tháng 12 CTR hầu như chỉ đi ngang. Ngoài CTR, chỉ có vài mã đạt thanh khoản tốt và giá tăng có thể kể tới là NVL tăng 1,44% khớp 90,6 tỷ; CMG tăng 1,01% với 64,1 tỷ; DHC tăng 1,59% với 46,5 tỷ; YEG tăng 1,09% với 40,1 tỷ; BFC tăng 1,23% với 31,3 tỷ và KSB tăng 1,33% với 24,5 tỷ.
Nhóm giảm giá dĩ nhiên chiếm ưu thế hoàn toàn. Trong 313 cổ phiếu đỏ, có tới 97 mã giảm quá 1%, tập trung 42% tổng thanh khoản sàn HoSE. Không có gì bất ngờ khi cổ phiếu ngân hàng thanh khoản cao nhất trong nhóm này như CTG, TCB, STB. Tuy nhiên cũng khá nhiều cổ phiếu xuất hiện thanh khoản lớn, phản ánh sức ép thực sự mạnh: HCM giảm 1,71% khớp 155,4 tỷ; MWG giảm 1,49% khớp 147,9 tỷ; BAF giảm 3,23% với 104,5 tỷ; DXG giảm 1,59% với 89,6 tỷ; DBC giảm 1,77% với 68,3 tỷ…
Thanh khoản sàn HoSE sáng nay tăng 20% so với sáng hôm qua, đạt gần 5.063 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ đầu tuần. Liên tiếp các phiên trượt giảm gần đây – đặc biệt là trong buổi sáng – có thanh khoản thấp hơn phần nào thể hiện nhu cầu bán không cao. Sáng nay khá đặc biệt khi nhiều cổ phiếu giảm sâu và có giao dịch lớn. Đây là thay đổi đáng chú ý, dù không có thêm thông tin bất lợi nào xuất hiện.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng quay lại bán ra nhiều hơn, sàn HoSE đang ghi nhận quy mô bán 699,8 tỷ đồng, cao nhất 5 phiên. Điểm tốt là bên mua cũng tăng lên mức 410,5 tỷ, cao nhất 4 phiên, giúp mức ròng còn -289,3 tỷ đồng, thấp hơn sáng hôm qua. FPT vẫn đang bị xả nổi bật với 138,7 tỷ đồng ròng. Ngoài ra có CTG -66,5 tỷ. Khoảng 7 mã khác bị bán ròng quanh 10 tỷ. Phía mua ròng có CTR +24,4 tỷ và BID +20,6 tỷ là nhiều, 5 mã khác được mua ròng quanh 10 tỷ. Như vậy chênh lệch ròng lớn nhất vẫn là do FPT.
Lực bán mạnh và nhóm ngân hàng suy yếu đã tạo sức ép đáng kể lên VN-Index khiến chỉ số này giảm hẳn xuống ngưỡng 1260 điểm. Đây là diễn biến tiêu cực nhưng chưa phải là quá xấu, vì về cơ bản thị trường vẫn đang dao động trong biên độ khá rộng từ 1250 điểm tới 1280 điểm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường