Cổ phiếu dầu khí đua nhau lập đỉnh, tài khoản nhà đầu tư găm giữ nhân đôi sau 1 tháng
Cổ phiếu đua nhau nhập đỉnh, có mã tăng tới 130% chỉ trong 1 tháng. Theo đó, khoản tiền đầu tư cổ phiếu dầu khí nhanh chóng có "quả ngọt"
Suốt phiên giao dịch hôm nay, VN-Index giằng co khốc liệt, về cuối phiên vượt nhẹ tham chiếu khi nhóm vốn hoá lớn thu hẹp đáng kể đà giảm. Tại rổ VN30, sự phân hoá diễn ra với 16 mã giảm và 13 mã tăng. BID, MSN, VHM, VRE, BVH, GVR, POW, MBB là những mã ảnh hưởng tiêu cực nhất tới chỉ số. Dù thanh khoản gần đây cải thiện, nhưng dòng tiền vẫn chưa thực sự quay lại nhóm VN30. Đây cũng là nguyên nhân khiến thị trường thiếu động lực đi lên, không có nhóm ngành đủ mạnh dẫn dắt.
Ở chiều ngược lại, VCB giữ nhịp cho chỉ số, đóng cửa ở mức 83.000 đồng/cổ phiếu. Còn lại, tâm điểm thị trường tiếp tục là nhóm hàng hoá. Nhóm cổ phiếu hàng hoá như xăng dầu, dầu khí GAS, PLX, thép HPG, phân bón, DPM, DCM, vận tải biển GMD đều lọt nhóm 10 mã hoạt động tích cực nhất.
Trong bối cảnh giá dầu tăng vọt sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo lệnh cấm nhập nhiên liệu hoá thạch từ Nga (bao gồm dầu), cổ phiếu dầu khí miệt mài tăng giá.
Chỉ trong 1 tháng, PVC tăng tới 130%. Từ vùng giá dưới 15.000 đồng/cổ phiếu sau Tết Nguyên đán, tới nay, PVC đã lên 34.400 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là mã sinh lời tốt nhất họ “P” trong tháng đầu năm. Một số mã khác cũng ghi nhận đà tăng ấn tượng chỉ trong 1 tháng: PXT tăng giá 76%, PXS, PVD, PVS là 30-40%...
Giới phân tích nhận định, trong ngắn hạn, cổ phiếu giao dịch chủ yếu phụ thuộc vào diễn biến của giá dầu và tâm lý của nhà đầu tư. Do đó, nhiều nhà đầu tư lo ngại việc giá dầu có thể giảm trong thời gian tới sẽ khiến cổ phiếu nhóm này lao dốc mạnh, song chuyên gia cho rằng việc giá dầu giảm xuống mức cân bằng vẫn là kịch bản sáng cho cổ phiếu dầu khí.
Nhìn về triển vọng trong dài hạn, cổ phiếu ngành dầu khí vẫn được củng cố bởi khi giá dầu neo ở mức 80 USD/thùng sẽ thúc đẩy các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí, giúp cải thiện nền tảng cơ bản của ngành.
Cổ phiếu các nhóm hàng hoá khác khởi sắc trở lại, sau phiên 8/3 đồng loạt điều chỉnh. Nhóm phân bón ngoài DPM, DCM lọt top dẫn dắt thị trường, thì còn có BFC tăng trần, PSW, VAF tăng mạnh. PMB, SFG đều tăng giá.
Cổ phiếu thép tiếp tục tăng giá dù biên độ tăng “lép vế” các nhóm hàng hoá khác, nhưng lại là nhóm giữ thanh khoản cao. NKG tăng mạnh hơn 4%, còn lại HSG, POM, VGS tăng trên 2%. HPG tăng nhẹ gần 1%.
Đáng chú ý trong phiên giao dịch hôm nay, là nhóm cổ phiếu vận tải biển. VSC, HAH, VOS, GMD tăng trần. DXP, MVN, DVP, PHP, SGP,… tăng mạnh. Vận tải biển cũng là ngành chịu ảnh hưởng vì căng thẳng Nga – Ukraine, trên cả 2 hướng tích cực và tiêu cực. Nhóm phân tích của Chứng khoán BSC cho rằng, ngành vận tải biển trong năm 2022 vẫn có sự tăng trưởng lợi nhuận ở mức cao, vì sản lượng vận tải gia tăng với trọng tải đội tàu tăng lên, và giá cước vận tải duy trì ở mức cao.
Tuy nhiên, bất ổn chính trị ở Nga và Ukraine cũng tạo ra rủi ro cho các chủ tàu khi vào cảng 2 quốc gia này, từ đó dẫn tới việc giá cước vận tải các tuyến liên quan đến 2 quốc gia này tăng mạnh do chủ tàu yêu cầu mức phí cao hơn. Dù vậy, các doanh nghiệp vận tải biển ở Việt Nam chủ yếu thực hiện cho thuê tàu định hạn thuộc các tuyến Trung Đông – Nội Á nên việc cước vận tải tuyến Nga và Ukraine tăng sẽ không ảnh hưởng đến các doanh nghiệp này.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 0,03 điểm lên 1.473,74 điểm. HNX-Index giảm 1,29 điểm (-0,29%) xuống 444,6 điểm. UPCoM-Index tăng 0,76 điểm (0,67%) lên 113,37 điểm.
Thanh khoản vẫn duy trì mức cao, tiếp tục có phiên giao dịch tỷ đô. Tuy nhiên, về cuối phiên chiều, giao dịch trên thị trường có phần kém sôi động, kéo theo giá trị khớp lệnh sàn HoSE kết phiên giảm 10,2% xuống còn 28.932 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận