Chứng khoán biến động, chuyên gia tiết lộ 3 nhóm ngành tiềm năng đến cuối năm
Dệt may, thủy sản (cá tra), cảng và vận tải biển là các ngành có thể hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và chính sách thương mại mới của Mỹ.
Theo báo chiến lược tháng 11/2024 của SSI Research, thị trường tài chính toàn cầu ghi nhận những tín hiệu tích cực trong tháng 10, với dòng vốn đổ mạnh vào các tài sản rủi ro, nhất là ở các thị trường phát triển. Dòng vốn vào quỹ cổ phiếu tại các thị trường phát triển có sự bứt phá, trong khi tại các thị trường mới nổi, dòng vốn gần như đi ngang. Sự kiện bầu cử Mỹ khiến cho dòng vốn đầu tư bị thu hút vào thị trường này và khả năng USD mạnh lên khiến cho triển vọng của các thị trường đang phát triển dường như kém hấp dẫn hơn, trong đó có Việt Nam, các quỹ chủ động quay lại rút ròng mạnh tại Việt Nam trong tháng 10.
Trong quý III/2024, nhiều doanh nghiệp niêm yết đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trên 30%, phản ánh sự phục hồi lan tỏa trong nhiều lĩnh vực. Tuy vậy, thị trường tháng 11 được dự báo sẽ tiếp tục biến động trước những yếu tố tác động vĩ mô và quốc tế.
Hiện tại, định giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức hấp dẫn hơn khi lợi nhuận của các doanh nghiệp tiếp tục xu hướng hồi phục, mở ra cơ hội đầu tư cho những nhà đầu tư dài hạn. Việc triển khai các cơ chế hỗ trợ như pre-funding để nâng hạng thị trường cũng là động lực tích cực về lâu dài.
Trong chiến lược đầu tư, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư tập trung vào các công ty có lợi nhuận tăng trưởng mạnh, vì đây là yếu tố chính sẽ dẫn dắt giá cổ phiếu trong năm 2024 và 2025. Các ngành dệt may, thủy sản (đặc biệt là cá tra) và cảng và vận tải biển được dự báo sẽ hưởng lợi lớn từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng và chính sách thương mại mới của Mỹ. Đây là những lĩnh vực đáng cân nhắc bổ sung vào danh mục cho giai đoạn tới.
Tháng 10 vừa qua, dòng vốn vào các quỹ cổ phiếu toàn cầu ghi nhận mức tăng trưởng mạnh, với tổng cộng 85 tỷ USD, tăng 58% so với tháng 9. Đáng chú ý là dòng vốn vào thị trường Mỹ, đạt 54,1 tỷ USD trong tháng và 305 tỷ USD từ đầu năm.
Các nhà đầu tư cá nhân đẩy mạnh việc giải ngân vào các cổ phiếu, đặc biệt là nhóm công nghệ. Ngược lại, dòng vốn vào thị trường mới nổi có sự chững lại, chủ yếu duy trì nhờ vào dòng tiền quay lại Trung Quốc sau gói kích thích kinh tế. Trong khi đó, Ấn Độ ghi nhận sự rút ròng lần đầu tiên sau 18 tháng tăng trưởng liên tục, do tác động từ sức hút của đồng USD và dòng vốn đổ về Trung Quốc.
Các chuyên gia dự đoán, sự hấp dẫn của thị trường Mỹ sẽ duy trì ít nhất hai tháng sau bầu cử và các chính sách kích thích kinh tế của Trung Quốc sẽ tiếp tục tác động đến các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, trong dài hạn, các thị trường mới nổi với định giá hấp dẫn và câu chuyện tăng trưởng riêng sẽ trở thành điểm sáng cho dòng vốn quốc tế, với kỳ vọng tăng trưởng trở lại trong năm 2025.
Báo cáo tháng 11/2024 của SSI Research cũng cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam đã kiểm định ngưỡng cản 1.300 điểm nhưng không thành công và giảm về 1.264,5 điểm vào cuối tháng 10, giảm 1,8% so với tháng trước. Các yếu tố rủi ro địa chính trị và tỷ giá biến động đã gây áp lực lên thị trường. Khối ngoại cũng quay lại bán ròng mạnh trên sàn HOSE với tổng giá trị 9,8 nghìn tỷ đồng.
SSI Research nhận định thị trường có thể vẫn biến động trong tháng 11, chịu ảnh hưởng từ các sự kiện bên ngoài như bầu cử Tổng thống Mỹ và các chính sách kinh tế trong nước. Dù vậy, định giá thị trường thấp hơn mức đầu tháng, tạo cơ hội hấp dẫn cho các nhà đầu tư dài hạn. Các chính sách như Thông tư 68 và việc sửa đổi Luật Chứng khoán được kỳ vọng sẽ thu hút dòng vốn ngoại trở lại.
Nhà đầu tư nên tập trung chọn lọc vào các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng bền vững, đặc biệt ở các nhóm ngành có triển vọng tích cực từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và chính sách thương mại mới của Mỹ. SSI Research khuyến nghị thêm mới HDG vào danh mục và tiếp tục giữ KDH, VCI, HPG, VPB, HAH, và CTG trong tháng 11.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận