Cảng Hải Phòng (PHP): Vốn lớn, hiệu quả thấp
Quy mô vốn lớn, có lợi thế cảng nước sâu, song hiệu quả kinh doanh của Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng (mã PHP) lại ở nhóm dưới trong ngành.
Nhiều lợi thế, EPS vẫn ở “chiếu dưới”
Cảng Hải Phòng được biết đến là công ty có vốn điều lệ lớn nhất trong các doanh nghiệp cảng biển, với 3.269 tỷ đồng. Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đại diện chủ sở hữu nhà nước nắm giữ lên tới 92,56%.
Công ty có lợi thế nắm giữ 6 trong 9 cầu cảng khu vực cảng Lạch Huyện, đây đều là những cảng nước sâu, có vị trí tốt để thu hút nguồn hàng. Hiện Công ty đang triển khai xây dựng các bến container số 3 và số 4 tại khu bến cảng Lạch Huyện với giá trị đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng.
Năm 2021, dù đại dịch Covid-19 bùng phát và tình trạng thiếu container rỗng trên toàn cầu trầm trọng, nhưng tổng sản lượng hàng hóa thông qua khu vực Hải Phòng vẫn đạt 91,749 triệu tấn, tăng 8% so với năm 2020.
Riêng thị phần hàng hóa hợp nhất của Cảng Hải Phòng (bao gồm cả cảng Đình Vũ) chiếm 49,8% sản lượng thông qua cảng biển khu vực Hải Phòng. Nhờ vậy, Công ty ghi nhận doanh thu hợp nhất 2.284 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 694,6 tỷ đồng, tăng lần lượt là 12,5% và 23% so với năm 2020. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất kể từ khi doanh nghiệp cổ phần hóa đến nay.
Bốn năm trước đó, lợi nhuận sau thuế của Công ty biến động không lớn, lần lượt đạt hơn 482 tỷ đồng trong năm 2017; 515,7 tỷ đồng trong năm 2018; gần 503 tỷ đồng năm 2019 và 564,3 tỷ đồng vào năm 2020.
Biên lợi nhuận của Công ty khá mỏng, năm 2016 là 2,5% thì sau 5 năm, đến 2021 chỉ nhích nhẹ lên 3%. Trong khi đó, biên lợi nhuận năm 2021 của Công ty cổ phần Cảng Đồng Nai là 18%; Công ty cổ phần Cảng Cam Ranh, Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng, Công ty cổ phần Container Việt Nam đều là 22%.
Hiệu quả sinh lời trên mỗi cổ phần của PHP cũng ở nhóm cuối của ngành cảng biển, với 1.680 đồng vào năm 2021, trong khi ở Cảng Đồng Nai là 9.310 đồng, Cảng Đà Nẵng là 2.450 đồng, Công ty cổ phần Container Việt Nam là 3.170 đồng… Năm 2021, Công ty chỉ trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 4%.
Quý đầu năm nay, Cảng Hải Phòng ghi nhận doanh thu hợp nhất 548,5 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ 2021.
Tuy vậy, chi phí vốn tăng 11%, dẫn đến lợi nhuận gộp giảm 3,6%, xuống còn 196,5 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 9,9% lên 41,5 tỷ đồng, trong khi doanh thu tài chính đạt 38,6 tỷ đồng, giảm 11,7% so với cùng kỳ.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 167 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ. Tại ngày 31/3/2022, Cảng Hải Phòng có khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn là 2.645 tỷ đồng, giảm 106 tỷ đồng so với hồi đầu năm.
Năm 2022, Cảng Hải Phòng đặt kế hoạch kinh doanh đi lùi, với doanh thu hợp nhất đạt 2.367 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 790 tỷ đồng, lần lượt tương đương 95,7% và 91,9% mức thực hiện năm ngoái. Theo lãnh đạo Công ty, năm 2022, Cảng Hải Phòng đứng trước khó khăn do cạnh tranh về giá cước dịch vụ và thị phần hàng hóa.
Chạy nước rút để tránh huỷ niêm yết
Câu chuyện cổ đông đang quan tâm nhất là liệu cổ phiếu PHP có nguy cơ bị hủy niêm yết hay không. Bởi lẽ, trên báo cáo kiểm toán năm 2021 của doanh nghiệp, kiểm toán viên tiếp tục nêu ý kiến ngoại trừ về việc quyết toán cổ phần hóa, các chi phí liên quan đến dự án cầu cảng số 04, 05 và bãi container cảng Chùa Vẽ.
Như vậy, sau 8 năm cổ phần hóa, đến nay, Cảng Hải Phòng vẫn chưa quyết toán xong phần vốn nhà nước liên quan đến dự án đầu tư bằng nguồn vốn ODA cầu cảng 04, 05 và bãi container thuộc bến cảng Chùa Vẽ.
Theo thông báo của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, cổ phiếu PHP có khả năng bị hủy niêm yết theo quy định tại điểm h, khoản 1, Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP do báo cáo tài chính 3 năm liên tục (2019, 2020, 2021) kiểm toán viên có ý kiến ngoại trừ.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, diễn ra vào ngày 28/4 vừa qua, Cảng Hải Phòng đã thông qua báo cáo phương án quản lý khai thác cầu cảng số 04,05, bãi container cảng Chùa Vẽ và phần chi phí khác phân bổ cho gói thiết bị.
Theo đó, ngày 18/3/2022, Công ty gửi công văn đến Bộ Giao thông - Vận tải có ý kiến báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt phương án để Công ty thực hiện xong nghĩa vụ và sớm được quyết toán phần vốn nhà nước.
Ngày 29/3/2022, Bộ Giao thông - Vận tải có ý kiến cho biết, Bộ đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ đề nghị sớm tham mưu báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo. Sau khi Chính phủ có ý kiến, Bộ sẽ khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức, xây dựng triển khai thực hiện theo quy định.
Đến nay, Công ty chưa cập nhật thông tin mới và theo quy chế niêm yết chứng khoán của HNX thì Cảng Hải Phòng phải báo cáo, giải trình cụ thể, song không quy định thời hạn cụ thể.
Giá cổ phiếu PHP đã giảm mạnh gần 50% từ đỉnh trước khi phục hồi lên 22.000 đồng/cổ phiếu vào cuối tuần qua, tương đương định giá P/E hơn 13 lần và P/B là 1,64 lần, không quá hấp dẫn so với mặt bằng chung của thị trường.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận