5 ngân hàng sẽ được nới room tín dụng cuối năm
Trong báo cáo ngành ngân hàng mới công bố, Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS) ước tính có 5 ngân hàng được nới room tín dụng trong lần cấp tín dụng lần thứ hai của Ngân hàng Nhà nước trong ngày 28/11/2024.
Cụ thể, ngân hàng VietinBank (từ 14% lên 16%), ACB (từ 18,4% lên 20,69%), VIB (từ 18,4% lên 21,6%), Techcombank (từ 18,5% lên 20%) và MSB (từ 16,3% lên 18,27%). Theo dự phóng, VIB là ngân hàng được nới nhiều room nhất trong lần này.
"Việc được cấp thêm room tín dụng giúp các ngân hàng nói trên mở rộng quy mô kinh doanh, khi mà nhu cầu tín dụng thường cao hơn thời điểm cuối năm", báo cáo SHS cho hay.
Theo SHS, nhóm ngân hàng tư nhân đặc biệt là nhóm cho vay doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn như Techcombank, HDBank hay LPBank đều đã vượt hạn mức năm và đã được nới room tín dụng.
Trong nhóm ngân hàng tư nhân cho vay bán lẻ, VPBank tăng trưởng tín dụng 9% (55% hạn mức), khá thấp so với các ngân hàng thương mại khác trong nhóm. Lý do một phần đến từ việc VPBank tiếp tục chủ động giảm dư nợ trái phiếu doanh nghiệp, 9 tháng năm 2024 ghi nhận giảm 47% xuống 18.442 tỷ đồng sau khi đã giảm 20% trong năm 2023. Cho vay khách hàng hợp nhất tăng 12,2% (cùng kỳ 2023 tăng 19%).
SHS cũng cho biết, dư nợ tín dụng bất động sản đến cuối tháng 9/2024 đạt 3,15 triệu tỷ đồng tăng 15% so với cùng kỳ và tăng 9% từ đầu năm, chiếm khoảng 21% tổng tín dụng, có sự phân hóa rõ rệt giữa tín dụng đầu tư và tín dụng tiêu dùng.
Mảng bất động sản tiêu dùng cá nhân vay mua nhà, sửa nhà 9 tháng năm 2024 ghi nhận 1,8 triệu tỷ đồng tăng 7,2% so với năm ngoái và tăng 4,6% từ đầu năm. Mảng cho vay chủ đầu tư liên tục tăng tỷ trọng trong 2 năm gần đây, đạt 1,3 triệu tỷ đồng tăng 28,2% so cùng kỳ năm ngoái và 16% từ đầu năm.
Đối với ảnh hưởng của việc Thông tư 02 về tái cơ cấu nợ sẽ hết hiệu lực từ ngày 31/12/2024, SHS cho biết hiện chưa có thông tin từ phía Ngân hàng Nhà nước liên quan tới việc gia hạn hoặc dừng áp dụng Thông tư 02 theo đúng lộ trình dự kiến.
Tại thời điểm cuối quý 2/2024, dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02 có giá trị 230 nghìn tỷ đồng, tăng 25,6% từ đầu năm. Theo quy định, các ngân hàng phải trích lập dự phòng khoản nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02 theo đúng nhóm nợ, khoản chênh lệch so với nhóm nợ hiện tại được trích lập 50% mỗi năm, đạt 100% vào cuối năm 2024.
“Việc không gia hạn Thông tư 02 có thể làm tăng quy mô nợ xấu và giảm tỷ lệ bao phủ nợ xấu, không ảnh hưởng đến trích lập dự phòng của ngân hàng”, Chứng khoán SHS nhận định.
Theo SHS, Thông tư 02 hết hiệu lực sẽ có tác động khác nhau đối với từng ngân hàng. Nhóm ngân hàng như BIDV, Vietcombank, VietinBank, Techcombank, ACB,… sẽ ít chịu ảnh hưởng nhờ sở hữu bộ đệm dự phòng vững chắc và sức khỏe tài chính tốt. Nhóm ngân hàng có tỷ lệ nợ nhóm 2 cao và tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp dự báo sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn.
Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng có dự đoán hạn mức tín dụng được cấp mới của ACB khoảng 20%. Theo đó, tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm của ACB đạt 13,8% so với cuối năm 2023 được dẫn dắt bởi nhóm khách hàng doanh nghiệp, trong khi phân khúc khách hàng cá nhân cũng có những dấu hiệu hồi phục từ quý 3.
Về tình hình tăng trưởng tín dụng, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 7/12, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, đến ngày 29/11, tăng trưởng tín dụng đạt 11,9%, nhưng đến ngày 7/12 đã đạt 12,5%.
Thống đốc cho biết thêm, tăng trưởng tín dụng năm nay cao hơn cùng kỳ năm ngoái dù ngay từ đã bộc lộ nhiều khó khăn. "Tốc độ tăng trưởng tín dụng này khá tích cực so với cùng thời điểm năm 2023. Như thời điểm này của năm ngoái mới tăng được khoảng 9% còn năm nay đã tăng đến 12,5%", Thống đốc đánh giá.
Theo đó, tổng dư nợ của nền kinh tế đến thời điểm hiện nay đạt khoảng 15.300 nghìn tỷ đồng. Huy động vốn cũng đạt 14.800 nghìn tỷ đồng. Tốc độ tăng của huy động vốn đạt 7,36%. Như vậy, tốc độ tăng dư nợ cao hơn khá nhiều so với tốc độ huy động vốn.
Tính đến cuối tháng 9/2024, dư nợ tín dụng bất động sản đạt 3,15 triệu tỷ đồng tăng 15% so với cùng kỳ và tăng 9% từ đầu năm, chiếm khoảng 21% tổng tín dụng, có sự phân hóa rõ rệt giữa tín dụng đầu tư và tín dụng tiêu dùng.
Dự phóng về tình hình tăng trưởng tín dụng trong năm 2024, Thống đốc kỳ vọng "Thông thường, cuối năm sẽ là thời điểm giải ngân rất tích cực nên chúng tôi hy vọng sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng 15%".
Chứng khoán ACBS cũng dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng ở mức 15% trong năm 2025, tương đương mục tiêu năm 2024 và cao hơn tăng trưởng GDP danh nghĩa.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường