Xu thế chứng khoán tuần 30/10-3/11: Cẩn thận bẫy tăng giá
Chứng khoán tuần 23/10-27/10, VN-Index tiếp tục có tuần giao dịch gần cuối tháng 10 kém tích cực, đặc biệt là phiên giao dịch giảm điểm mạnh ngày 26/10/2023 khi VN-Index giảm 4,28% với thanh khoản rất đột biến và điều chỉnh mạnh về vùng giá 1.040 điểm.
Mặc dù có phiên giao dịch phục hồi tốt cuối tuần với đa số mã phục hồi tốt sau khi giảm mạnh, nhưng VN-Index vẫn giảm mạnh 4,26% so với tuần trước về mức 1.060,62 điểm. HNX-Index có diễn biến tương tự kết thúc tuần ở mức 218,04 điểm giảm 4,56% so với tuần trước.
Trong tuần thanh khoản trên HOSE đạt 70.404,20 tỷ đồng, giảm 10,3% so với tuần trước, khối lượng giao dịch giảm 5,7%, trong đó áp lực bán mạnh đột biến tập trung nhiều ở các mã trong VN30. Thanh khoản HNX giảm 10,5% với 9.183,29 tỷ đồng được giao dịch.
Nhà đầu tư nước ngoài gia tăng giao dịch và bán ròng trở lại với giá trị 1.289,77 tỷ đồng trên HOSE, trong đó bán ròng đột biến ở MWG, VIC, nhóm ngân hàng; mua ròng trên HNX với giá trị 74,56 tỷ đồng.
Bất động sản là tâm điểm của thị trường trong tuần khi có những biến động rất mạnh, tiêu cực với nhóm vốn hóa lớn và đa số các mã khác như VHM (-11,91%), LGL (-10,31%),NBB (-8,84%), NDN (-8,65%), CII (-7,08%)... trong khi một số mã vẫn có diễn biến phục hồi tốt, kết thúc tuần tăng điểm nhờ phiên tăng giá hết biên độ cuối tuần như CEO (+1,5%), DXG (+3,88%), DIG (+3,93%)...
Nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán sau tuần giảm điểm mạnh trước đó, tiếp tục có tuần giao dịch kém tích cực, đa số vẫn giảm điểm mạnh, thanh khoản gia tăng ở mức trên trung bình như MBS (-10,63%), AGR (-10,27%), FTS (-10,17%), PSI (-10,11), VIX (-9,33%)... ngoài BSI (+0,39%) phục hồi tốt, tăng điểm.
Trong khi đó các cổ phiếu ngân hàng đa số cũng chịu áp lực điều chỉnh nhưng phân hóa và tích cực hơn so với thị trường chung khi có những mã tăng giá so với tuần trước với LPB (+5,15%), SSB (+4,50%), BID (+3,70%), VCB (+0,24%).... ngoài đa số chịu áp lực điều chỉnh khá mạnh như NVB (-11,50%), PGB (-9,43%), VPB (-6,48%), MSB (-5,38%)...
Các nhóm ngành khác hầu hết đều có diễn biến kém tích cực trong tuần với áp lực bán mạnh và chỉ phục hồi tốt khi thị trường vào vùng quá bán ngắn hạn, ngoại trừ một số mã rất nổi bật, thanh khoản đột biến như YEG (+21,57%), CTD (+7,45%), HAG (+7,36%), LPB (+5,15%)...
Chỉ số VN-Index trong thời gian qua
Nhà đầu tư ngắn hạn khả năng chịu rủi ro cao
Chứng khoán SHS
Thị trường trong ngắn hạn đang vận động lỏng lẻo nhưng có khả năng có nhịp hồi kỹ thuật do VN-Index rơi vào trạng thái quá bán. Nhà đầu tư ngắn hạn có khả năng chịu đựng rủi ro cao nếu có giải ngân thì cũng nên với quan điểm thận trọng bởi nhịp hồi không phải là xu hướng uptrend tiếp diễn nên sẽ có thể kết thúc bất kỳ thời điểm nào.
Trong trung, dài hạn thị trường dù mất xu hướng uptrend nhưng sẽ đi tìm điểm cân bằng mới và tích lũy lại nên rủi ro trung dài hạn không cao.
Tận dụng những phiên phục hồi để thu gọn lại danh mục
Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Về góc nhìn kỹ thuật, xét về khung đồ thị ngày, VN-Index sau khi giảm về khu vực 1040 tương ứng với mốc 0.786 của thang đo Fibonacci mở rộng đã hình thành nến Dragonfly Doji nhờ lực cầu trong phiên chiều.
Tuy nhiên vẫn còn quá sớm để khẳng định rằng thị trường đã tìm được điểm cân bằng khi chỉ báo quan trọng là MACD ở khung đồ thị ngày vẫn hướng xuống dưới khu vực đáy cũ đã được hình thành trước đó.
Tuy nhiên, ở khung đồ thị giờ, chỉ báo MACD và RSI đồng loạt cho tín hiệu phân kỳ dương cho thấy thị trường có thể sẽ có những phiên bật nảy, phục hồi ngắn.
Khuyến nghị các nhà đầu tư vẫn còn tỷ trọng cổ phiếu cao, nên tận dụng những phiên phục hồi để thu gọn lại danh mục. Ngược lại, các nhà đầu tư vẫn còn tỷ trọng tiền mặt lớn có thể cân nhắc giải ngân bắt đáy lướt sóng T+ với tỷ trọng nhỏ từ 10 – 20% đối với các nhóm ngành đang thu hút dòng tiền như thiết bị điện.
Bán hạ tỷ trọng trong các nhịp hồi sớm
Chứng khoán KB (KBSV)
VN-Index trải qua một nhịp giảm điểm giằng co với biên độ mở rộng trong phiên trước hồi phục và đảo chiều tăng nhẹ về cuối phiên. Áp lực bán suy yếu cùng lực cầu bắt đáy giá về cuối phiên đã giúp cho chỉ số hồi phục trở lại và khiến cho trạng thái thị trường trở nên có phần bớt tiêu cực hơn.
Mặc dù vậy, với xu hướng giảm điểm vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục trải qua áp lực điều chỉnh trong các phiên tiếp theo và kiểm định lại lực cầu quanh vùng đáy cũ hoặc sâu hơn là 990 (+-20).
Nhà đầu tư được khuyến nghị bán hạ tỷ trọng trong các nhịp hồi sớm chỉ trải lệnh từng phần tại các ngưỡng hỗ trợ xa.
Cẩn thận bẫy tăng giá
Chứng khoán KIS
Áp lực bán lại gia tăng đột ngột khiến thị trường chứng khoán giảm mạnh trong phiên. Đáng chú ý, vùng hỗ trợ quan trọng là vùng 1.080-1.100 điểm đã bị phá vỡ với thanh khoản cao, cho thấy tín hiệu bán.
Do đó, nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục về ngưỡng an toàn và chờ đợi các tín hiệu tiếp theo của thị trường. Trong thời gian tới, nếu thị trường xuất hiện những phiên hồi phục, nhà đầu tư nên cẩn thận với các quyết định đầu tư của mình. Bởi lẽ, rủi ro giảm điểm đang ở mức cao và nhiều khả năng đó có thể là bẫy tăng giá.
Hạn chế bắt đáy
Chứng khoán Asean
Khả năng VN-Index sẽ tiếp tục có những biến động mạnh trong ngắn hạn. Chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm thận trọng, nhà đầu tư nên tiếp tục giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức an toàn, hạn chế bắt đáy và tận dụng các nhịp hồi kỹ thuật để cơ cấu lại danh mục trong giai đoạn hiện tại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường