Vốn hóa sàn HOSE 'bốc hơi' gần 1,8 triệu tỷ đồng trong năm 2022
Năm 2022 là một năm có nhiều biến động đối với thị trường chứng khoán Việt Nam khi VN-Index khép lại với mức giảm gần 33% so với cuối năm 2021, trở thành một trong những chỉ số giảm mạnh toàn cầu. Giá trị vốn hóa của các doanh nghiệp niêm yết theo đó cũng có sự biến động mạnh so với năm trước.
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE), kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 12/2022, chỉ số VN-Index đạt 1.007,09 điểm, giảm 3,94% so với tháng 11 và giảm 32,78% so với cuối năm 2021; VNAllshare đạt 970,65 điểm, giảm 2,24% so với tháng 11, và giảm 37,83% so với cuối năm 2021; VN30 đạt 1.005,19 điểm, giảm 4,20% so với tháng 11 và giảm 34,55% so với cuối năm 2021.
Một số ngành ghi nhận mức tăng được thể hiện tại các chỉ số: ngành năng lượng (VNENE) tăng 8,37%; ngành chăm sóc sức khỏe (VNHEAL) tăng 6,23%; ngành tài chính (VNFIN) tăng 2,39%. Ngược lại, một số ngành giảm điểm như: ngành bất động sản (VNREAL) giảm 14,3%; ngành hàng tiêu dùng thiết yếu (VNCONS) giảm 6,09%; ngành công nghiệp (VNIND) giảm 2,13%.
Thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 12 ghi nhận sự tăng trưởng với khối lượng và giá trị giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt trên 807,29 triệu cổ phiếu và 14.078 tỷ đồng, tương ứng tăng lần lượt 16,42% về khối lượng bình quân và 23,05% về giá trị bình quân so với tháng 11.
Tổng khối lượng cổ phiếu giao dịch trong tháng đạt 17,76 tỷ cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch đạt 309.816 tỷ đồng và cũng tăng lần lượt 16,42% về khối lượng bình quân và 23.06% về giá trị bình quân so với tháng 11.
Tính chung cả năm 2022, thanh khoản thị trường cổ phiếu với khối lượng giao dịch bình quân phiên đạt 653,96 triệu cổ phiếu và giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 17.004 tỷ đồng; giảm lần lượt 11,3% về khối lượng và 21,24% về giá trị so với bình quân phiên năm 2021.
Tính đến cuối tháng 12/2022, giá trị vốn hóa niêm yết trên HOSE đạt hơn 4,01 triệu tỷ đồng, giảm gần 4% so với tháng trước và tương đương 42,22% GDP năm 2022 (GDP theo giá hiện hành). Với sự sụt giảm mạnh này, vốn hóa sàn HOSE đã "bốc hơi" 1,79 triệu tỷ đồng trong năm 2022, thay vì mức 5,8 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2021.
Cùng với sự sụt giảm mạnh của thị trường, số lượng các doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD trên HOSE cũng giảm đáng kể. Tính đến hết tháng 12/2022, trên HOSE có 37 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD, giảm 9 doanh nghiệp so với năm trước đó.
Số doanh nghiệp có vốn hóa trên 10 tỷ USD cũng chỉ còn một đơn vị, là Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (mã VCB). Trong khi đó, con số này vào năm ngoái là 3 doanh nghiệp, bao gồm Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB), Tập đoàn Vingroup (VIC) và Công ty cổ phần Vinhomes (VHM).
Đáng chú ý, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã ra khỏi danh sách Top 10 doanh nghiệp niêm yết có giá trị vốn hóa lớn nhất sàn HOSE, với thị giá cổ phiếu giảm đáng kể trong năm qua. Theo thống kê của HOSE, tính đến cuối 2022, top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HOSE bao gồm: VCB, VIC, VHM, GAS, BID, MSN, VNM, NVL, TCB và CTG.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận