Việc xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng sẽ còn gặp nhiều khó khăn
Tính đến ngày 31.1, bức tranh kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2023 của ngành ngân hàng đã lộ diện với nhiều điểm tích cực hơn so với kỳ vọng, tuy nhiên, chất lượng tài sản và nợ xấu của các ngân hàng đang đặt ra nhiều vấn đề.
Theo thống kê từ dữ liệu của một số công ty chứng khoán, ước tính lợi nhuận sau thuế quý IV/2023 của các ngân hàng niêm yết tăng 25% so với cùng kỳ năm trước đó. Lợi nhuận của các ngân hàng khởi sắc hơn trong quý cuối năm chủ yếu do các ngân hàng đẩy mạnh cho vay cũng như chi phí vốn giảm mạnh.
Tuy nhiên, chất lượng tài sản vẫn là điểm đáng lưu ý trong bức tranh kết quả kinh doanh năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu toàn ngành ở mức 2,2%, tăng 64 điểm cơ bản so với năm 2022 và là mức cao nhất từ năm 2015 đến nay.
Hầu như các ngân hàng đều tiếp tục ghi nhận tỷ lệ nợ xấu gia tăng so với đầu năm và các quý liền trước. Trung bình, các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước có mức tăng 0,4% so với đầu năm, con số này ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần là 0,7%. Song song đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng suy giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020, ghi nhận 93,8% (năm 2022, tỷ lệ này là 136,9%).
Đơn cử, Báo cáo tài chính quý IV/2023 của TPBank cho thấy, mặc dù tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng mạnh mẽ, song lợi nhuận ròng trong quý này của Ngân hàng lại giảm tới 67,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Đà giảm mạnh của lợi nhuận trong quý IV đã kéo lợi nhuận ròng cả năm 2023 của TPBank giảm 28,7% so với năm 2022, đạt 4.463 tỉ đồng.
Nguyên nhân do chi phí dự phòng trong quý IV/2023 tăng mạnh, cao gấp hơn 17 lần so với cùng kỳ, đẩy chi phí dự phòng cả năm lên 3.946 tỉ đồng, tương ứng mức tăng 114% so với năm 2022.
Đáng chú ý, tại thời điểm cuối quý IV/2023, tỷ lệ nợ xấu của TPBank là 2,05%, giảm 0,93 điểm % so với quý trước, nhưng vẫn cao so với mức 0,84% vào cuối năm 2022.
Việc tăng cường dự phòng trong quý cuối năm 2023 khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) của ngân hàng này đạt 63,7% vào cuối năm 2023, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức 135% vào cuối năm 2022, cho thấy, chất lượng tài sản có thể còn suy giảm trong thời gian tới.
Dù có tỷ lệ nợ xấu trong nhóm thấp nhất hệ thống, chỉ chiếm 1,2% tổng dư nợ vay vào cuối năm qua, nhưng con số nợ xấu của ACB đã lên tới 5.885 tỉ đồng, tăng 93% so với cuối năm 2022. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng đột biến từ mức 70 tỉ đồng năm 2022 lên 1.804 tỉ đồng năm 2023.
Liên quan đến câu chuyện nợ xấu của ngành ngân hàng, chuyên gia phân tích tài chính TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc khối đầu tư của DG Capital cho biết, trong khi những tồn tại của năm 2023 chưa khắc phục được thì nhìn về năm 2024, yếu tố rủi ro đã hiện diện, đến từ tốc độ phục hồi của nhu cầu tín dụng chậm hơn dự kiến và chất lượng tài sản tiếp tục suy giảm.
Một số nội dung về xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo trong Nghị quyết 42/2017/QH14 đã chính thức được luật hóa tại Chương XII, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2024.
"Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải lo khi Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi vừa ban hành đã bỏ các quy định về thu giữ tài sản đảm bảo, kê biên tài sản của bên phải thi hành án, hoàn trả tài sản đảm bảo là vật chứng trong vụ án hình sự, vi phạm hành chính đối với nợ xấu; cũng như chưa mở rộng đối tượng được tham gia mua - bán nợ xấu, có thể khiến hoạt động xử lý nợ xấu sẽ còn nhiều khó khăn.
Từ đó có thể thấy, quá trình xử lý nợ xấu sẽ cần thêm thời gian và những ngân hàng đã có bộ đệm dự phòng cũng như bộ đệm vốn tốt sẽ có nhiều lợi thế hơn", TS Nguyễn Duy Phương nêu quan điểm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận