Tới 53% trái phiếu phát hành năm 2021 không có tài sản đảm bảo
Dù số lượng trái phiếu phát hành năm 2021 tăng nhưng chất lượng không tăng tương ứng. Số trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) không có tài sản đảm bảo, hay đảm bảo một phần hay toàn bộ bằng cổ phiếu vẫn chiếm 53% tổng TPDN phi tài chính phát hành.
Báo cáo tổng quan về thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 và triển vọng năm 2022 vừa được Công ty chứng khoán SSI phát hành, cho thấy, trong năm 2021, các doanh nghiệp phát hành tổng cộng 722,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu, tăng 56% so với năm 2020.
Số trái phiếu doanh nghiệp phát hành ròng 2021 (lượng phát hành trừ đi lượng đáo hạn và mua lại trước hạn) ước tính là 438 nghìn tỷ đồng, tăng 63% so với lượng phát hành ròng 2020.
Tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp lưu hành tại cuối 2021 ước tính khoảng 1,39 triệu tỷ đồng, tương đương tốc độ tăng trưởng bình quân 46%/năm trong giai đoạn từ 2017-2021. Quy mô thị trường cũng tăng mạnh từ 4,93% GDP (2017) lên tới 16,6% GDP (2021).
Lượng tăng nhưng chất chưa tăng
Theo SSI, xét về cơ cấu, trái phiếu ngân hàng đang thu hẹp dần trong tổng trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành.
Điều này đồng nghĩa với quy mô thị trường TPDN phi ngân hàng đang tăng nhanh, ước khoảng 854 nghìn tỷ đồng tại cuối 2021, gấp 3,4 lần cuối 2018 và chiếm khoảng 10,2% GDP.
Các doanh nghiệp bất động sản vẫn là nhóm phát hành nhiều nhất, tổng cộng 318,2 nghìn tỷ trong năm 2021, chiếm 44% tổng lượng TPDN phát hành và tăng 66,3% so với năm 2020.
Cơ cấu phát hành TPDN năm 2021. Ảnh: SSI Research
Các nhóm năng lượng khoáng sản, định chế tài chính phi ngân hàng, phát triển hạ tầng phát hành từ 28 nghìn tỷ đồng đến 30 nghìn tỷ đồng, chiếm trên dưới 4% tổng lượng phát hành.
Về hình thức phát hành, phát hành riêng lẻ vẫn là hình thức phát hành chủ đạo chiếm tới 91% tổng lượng phát hành.
Tuy nhiên, nếu như năm 2020, các đợt phát hành ra công chúng chỉ đến từ 4 doanh nghiệp thì sang năm 2021, có 14 công ty thực hiện các đợt phát hành ra công chúng, phần lớn là các doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán (MSN, HDG, VNT, LPB, CTG, VIC, VHM, CII…).
Nhóm trái phiếu bất động sản có lãi suất duy trì ở mức cao trong cả 3 năm gần đây (10,3%-10,6%). Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất giảm thấp thì mức giảm của trái phiếu bất động sản vẫn nhỏ nhất và một phần đến từ kỳ hạn phát hành ngắn hơn (0,33 năm).
Lượng trái phiếu lưu hành tại cuối năm. Ảnh: SSI Research
Một số doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu lãi suất cao nhất thị trường (12-13%/năm) là Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt, Công ty CP Hoàng Phú Vương, Công ty CP Osaka Garden, Công ty CP Galatic Group, Cty TNHH Đầu tư BĐS Unity…
Nhóm các doanh nghiệp BĐS phát hành trên 5.000 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2021. Ảnh: SSI Research
Đáng chú ý, mặc dù lượng tăng nhưng chất lượng trái phiếu không tăng tương ứng. Cụ thể, số TPDN không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo (một phần/toàn bộ) bằng cổ phiếu vẫn chiếm 53% tổng TPDN phi tài chính phát hành.
Trong đó, tính riêng nhóm trái phiếu bất động sản, số trái phiếu không có tài sản bảo đảm hoặc đảm bảo (một phần/toàn bộ) bằng cổ phiếu là 172,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 54,2% lượng phát hành 2021.
"Con số thực tế có thể lớn hơn vì có tới 33 nghìn tỷ đồng (10%) trái phiếu bất động sản phát hành không có thông tin về tài sản đảm bảo", chuyên gia SSI Research, nêu.
Nhiều "rào cản", thị trường vẫn có tiềm năng tăng trưởng
Năm 2022, các chuyên gia SSI cũng lưu ý một số yếu tố có thể tác động đến thị trường.
Điển hình dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP đối với phát hành trái phiếu riêng lẻ, ngoài việc quy định chi tiết hơn về trách nhiệm công bố thông tin, hoạt động lưu ký tập trung, điều kiện đăng ký, thay đổi hay hủy bỏ giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán để phát triển thị trường thứ cấp.
Ngoài ra, dự thảo còn đưa ra một số điểm sửa đổi bổ sung quan trọng, có thể tác động mạnh đến thị trường TPDN.
TPDN phát hành năm 2021 (loại trừ trái phiếu định chế tài chính) phân loại theo tài sản đảm bảo. Ảnh: SSI Research
Tương tự, Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp đã chính thức có hiệu lực từ 15/01/2022.
Trong đó, một số quy định siết chặt hơn như tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu của tổ chức phát hành không có phát sinh nợ xấu trong 12 tháng gần nhất (tại tất cả các tổ chức tín dụng); không được mua lại trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết đã bán hoặc) trái phiếu phát hành cùng lô/đợt với trái phiếu đã bán trong vòng 12 tháng; không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho các công ty con.
"Theo định hướng, các ngân hàng thương mại sẽ tập trung vào kênh tín dụng ngắn hạn và TPDN sẽ là kênh huy động vốn vay trung và dài hạn của doanh nghiệp; việc các ngân hàng thương mại cấp tín dụng cho doanh nghiệp thông qua đầu tư TPDN cũng sẽ hạn chế hơn", chuyên gia SSI Research, nêu.
Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu tại SSI, sang năm 2022, thị trường TPDN vẫn có khả năng tăng trưởng tốt do cung – cầu đều duy trì ở mức cao.
Trong đó, SSI dự đoán mặt bằng lãi suất tiền gửi năm 2022 có thể tăng nhẹ 0,2-0,25 điểm phần trăm nên lợi suất TPDN cũng sẽ tăng theo khi mà hơn 70% TPDN phát hành có lãi suất thả nổi.
Bên cạnh đó, xu hướng tăng lãi suất điều hành của các ngân hàng trung ương lớn và áp lực lạm phát trên thế giới có thể tác động đến tâm lý nhà đầu tư, làm tăng kỳ vọng lãi suất với các đợt phát hành trái phiếu mới.
Với việc chênh lệch lãi suất kênh TPDN so với kênh tiền gửi vẫn duy trì ở mức hấp dẫn, nhu cầu đầu tư TPDN vẫn cao.
Chiều còn lại, số TPDN đáo hạn năm 2022 ước khoảng 266 nghìn tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2020 và chiếm khoảng 19% lượng TPDN lưu hành.
"Nhu cầu phát hành để đảm bảo vòng quay vốn của các doanh nghiệp khá cao. Cùng với đó, hoạt động sản xuất kinh doanh được kỳ vọng sẽ sôi động hơn 2021 khi nền kinh tế đang mở cửa trở lại sau đại dịch. Bởi vậy, nguồn cung TPDN dự kiến vẫn rất dồi dào", nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận