Toàn cảnh tiền gửi CASA ngân hàng nửa đầu năm 2024
Tính đến hiện tại, các ngân hàng thương mại cổ phần trong nước đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2024. Trong đó, ngoài những chỉ tiêu như doanh thu và lợi nhuận, thì tỷ lệ CASA và lượng tiền gửi khách hàng tại các ngân hàng cũng là thông tin thu hút sự chú ý lớn từ các nhà đầu tư và thị trường.
TOP 10 NGÂN HÀNG CÓ TIỀN GỬI KHÁCH HÀNG NHIỀU NHẤT NỬA ĐẦU NĂM 2024
Theo số liệu tổng hợp báo cáo tài chính quý 2/2024 của các ngân hàng thương mại trong nước cho thấy, tổng tiền gửi khách hàng của toàn ngành ngân hàng đạt gần 12,2 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với cuối năm ngoái trong bối cảnh lãi suất tiền gửi liên tục có xu hướng tăng trong những tháng gần đây.
Trong nửa năm qua, nhóm ngân hàng Big 4 tiếp tục dẫn đầu về lượng tiền gửi, với tổng số tiền đạt hơn 6,48 triệu tỷ đồng, tăng 2,4% so với cuối năm 2023, chiếm hơn một nửa tổng số tiền gửi của toàn hệ thống.
Về chi tiết, ngân hàng Agribank đã vượt ngân hàng BIDV để dẫn đầu với tổng số tiền gửi trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 1,83 triệu tỷ đồng, tăng 1,9% so với cuối năm 2023. BIDV lùi một bước xuống vị trí thứ hai với số dư tiền gửi hơn 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 6%.
Một ngân hàng khác trong nhóm quốc doanh là ngân hàng Vietinbank với tổng tiền gửi đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 4% và xếp vị trí thứ 3. Vietcombank đứng thứ 4 với số dư tiền gửi đạt 1,3 triệu tỷ đồng, giảm 1,5% so với cuối năm 2023.
Ở nhóm các ngân hàng tư nhân, ngân hàng MB tiếp tục dẫn đầu với 618.617 tỷ đồng tiền gửi trong nửa đầu năm, tăng 9% và đứng thứ 5 toàn ngành. Theo sau là ngân hàng Sacombank với số dư tiền gửi đạt 549.184 tỷ đồng, sau khi tăng 7,5%.
Song song với đó, ngân hàng ACB đứng ở vị trí thứ 7 với tổng tiền gửi tăng 6% lên mức tỷ đồng tính đến hết quý 2/2024. 3 vị trí còn lại lần lượt thuộc về Techcombank (481.860 tỷ đồng, tăng 6%), VPBank (472.853 tỷ đồng, tăng 6,6%) SHB (459.296 tỷ đồng, tăng 2,6%).
Ngoài top 10 nêu trên, một số ngân hàng thương mại khác cũng ghi nhận lượng tiền gửi khách hàng tăng trong quý vừa qua. Cụ thể, ngân hàng HDBank ghi nhận số dư tiền gửi khách hàng tăng 4,3% lên mức 386.573 tỷ đồng trong nửa đầu năm; ngân hàng LPBank thu hút 288.097 tỷ đồng tiền gửi, tăng mạnh 21,4% so với cuối năm 2023; VIB đạt 247.629 tỷ đồng (tăng 4,7%); Eximbank đạt 163.051 tỷ đồng (tăng 4,3%); Nam A Bank đạt 153.186 tỷ đồng (tăng 5,3%); MSB đạt 151.742 tỷ đồng (tăng 14,7%); OCB đạt 131.579 tỷ đồng (tăng 4,5%); Bac A Bank đạt 119.743 tỷ đồng (tăng 1,1%).
Ở chiều ngược lại, SaigonBank tiếp tục là ngân hàng có số dư tiền gửi thấp nhất trong hệ thống các ngân hàng được khảo sát, chỉ đạt 23.513 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,2% so với cuối năm 2023. Bên cạnh đó, những ngân hàng tư nhân có quy mô nhỏ khác cũng ghi nhận lượng tiền gửi khách hàng dưới 100.000 tỷ đồng như: PGBank (37.391 tỷ đồng); BVBank (57.487 tỷ đồng); KienlongBank (58.386 tỷ đồng); NCB (85.413 tỷ đồng; ABBank (85.516 tỷ đồng); VietA Bank (93.577 tỷ đồng);…
TOP 10 NGÂN HÀNG CÓ TỶ LỆ CASA CAO NHẤT NỬA ĐẦU NĂM 2024
Cũng theo báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại, chỉ số tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đã có sự biến động đáng chú ý, khi trong nửa đầu năm 2024 có hơn 10 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ CASA giảm sút.
Về chi tiết, vị trí đầu bảng thuộc về ngân hàng MB với tỷ lệ CASA đạt 37,8%, sau khi tăng 1,8 điểm phần trăm. Trong bảng xếp hạng này, ngân hàng Techcombank đã lùi 1 bậc xuống vị trí thứ 2 với tỷ lệ CASA cuối quý 2/2024 là 37,4%, giảm 2,5 điểm phần trăm so với cuối năm 2023.
Trong khi đó, ngân hàng Vietcombank vẫn giữ vững vị trí thứ 3 với tỷ lệ CASA đạt 34,2%. Chỉ số này tại Vietcombank tăng nhẹ 0,3 điểm phần trăm so với mức 33,9% vào cuối năm ngoái.
Tương tự, ngân hàng MSB vẫn giữ vị trí thứ 4 trong top các ngân hàng có chỉ số CASA cao nhất, đạt 26,2%, song giảm nhẹ 0,1 điểm phần trăm so với cuối năm 2023. Tiếp theo, một ngân hàng trong nhóm Big 4 là VietinBank đã vượt ACB để dừng chân ở vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng với tỷ lệ CASA đạt 22,5% tính đến cuối quý 2/2024. Tỷ lệ này tăng 0,1 điểm phần trăm so với cuối năm 2023.
Vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng thuộc về ngân hàng ACB với tỷ lệ CASA đạt 22,3%, cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với cuối năm ngoái.
Ở chiều ngược lại, tỷ lệ CASA của ngân hàng TPBank giảm 0,6 điểm phần trăm xuống mức 22,1%. Sau khi tăng 0,2 điểm phần trăm, ngân hàng Sacombank có tỷ lệ CASA tại thời điểm cuối quý 2/2024 đạt 18,6% và đứng vị trí thứ 8.
Hai vị trí còn lại trong Top 10 lần lượt thuộc về BIDV và VPBank với tỷ lệ lần lượt đạt 18,5% và 17,9%. Theo ghi nhận, tỷ lệ CASA của BIDV giảm mạnh 1,3 điểm phần trăm so với thời điểm cuối năm trước. Trong khi đó, VPBank có tỷ lệ CASA tăng 0,5 điểm phần trăm.
Xét về tốc độ tăng trưởng, SeABank là ngân hàng có sự tăng trưởng mạnh nhất về CASA. Số dư tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng này ở mức 19.079 tỷ đồng, tăng 20,8% so với cuối năm ngoái.
Bên cạnh top 10 nêu trên, chỉ có 3 ngân hàng có mức tăng trưởng về tỷ lệ CASA trên 1 điểm phần trăm tính đến hết quý 2/2024. Trong đó: VIB tăng 1,5 điểm phần trăm, đạt 14,8%; Eximbank tăng 1,1 điểm phần trăm, đạt 17,2% và BVBank tăng 1 điểm phần trăm, đạt 6,8%.
Trái lại, cũng có rất nhiều ngân hàng ghi nhận tỷ lệ CASA sụt giảm mạnh so với cùng kỳ như như PGBank (giảm 2,8 điểm phần trăm); Bac A Bank (giảm 1,8 điểm phần trăm); HDBank (giảm 1,3 điểm phần trăm); VietA Bank (giảm 0,8 điểm phần trăm); SHB (giảm 0,6 điểm phần trăm); ABBank và Nam A Bank (giảm 0,5 điểm phần trăm).
LÃI SUẤT HUY ĐỘNG SẼ TIẾP ĐÀ TĂNG TRONG NỬA SAU 2024
Có thể thấy, làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm bắt đầu mạnh lên từ đầu tháng 4 năm nay. Theo nhóm phân tích từ Công ty Chứng khoán MB (MBS Research), tính đến ngày 31/7, tổng cộng đã có 20 ngân hàng (bao gồm 5 ngân hàng lớn là MBB, VPB, ACB, Sacombank, và BIDV) điều chỉnh lãi suất huy động với mức tăng từ 0,1 – 0,7 điểm phần trăm, thậm chí lãi suất ở một vài ngân hàng đã vượt mốc 6%/năm, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh gấp 3 lần so với tốc độ tăng của huy động vốn.
Điều này đã khiến các ngân hàng ráo riết tăng lãi suất huy động nhằm nâng cao tính cạnh tranh của kênh tiết kiệm so với các kênh đầu tư khác trên thị trường. Tiếp nối VietinBank, BIDV là ngân hàng thứ 2 trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh điều chỉnh lãi suất tiết kiệm. Cụ thể, lãi suất tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 24 – 36 tháng được tăng thêm 0,1%/năm.
MBS Research cho rằng cầu tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên mạnh hơn từ giữa năm 2024 khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm. Lũy kế 7 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 11,2% so với cùng kỳ, chỉ số quản trị người mua hàng (PMI) đạt 54,7 trong tháng 7. Đầu tư công và tư nhân lần lượt tăng 2,3% trong 7 tháng đầu năm 2024 và 6,7% trong 6 tháng đầu năm 2024.
MBS Research dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 50 điểm cơ bản, quay về mức 5,2 - 5.5% vào cuối năm 2024.
Tuy nhiên, nhóm chuyên gia MBS Research cho rằng lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và các ngân hàng thương mại đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.
Ở một góc nhìn khác, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết, lãi suất đầu vào đang được điều chỉnh để phù hợp hơn với diễn biến cung cầu vốn trên thị trường, lãi suất USD trên thế giới, lợi tức đầu tư so với các kênh chứng khoán, bất động sản, vàng. Mặt bằng lãi suất tìm đến điểm cân bằng mới là phù hợp.
"Mức lãi suất huy động hiện vẫn thấp hơn những năm trước Covid-19, trong đó lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng thấp hơn mức trần quy định. Dự báo mặt bằng lãi suất VND nửa cuối năm có thể tiếp tục tăng nhẹ thêm 0,25 - 0,75 điểm phần trăm tạo đường cong lãi suất hài hòa cho các kỳ hạn. Mặt bằng lãi suất sẽ trong khoảng từ 3%/năm đến 6%/năm vào cuối năm nay, là mức khá hợp lý", theo ông Đinh Đức Quang.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận