Tiếp bước "đàn anh" hàng không, đến lượt cổ phiếu du lịch nổi sóng?
Sự trở lại của lượng khách du lịch từ Trung Quốc cùng với nhu cầu du lịch tăng cao hiện nay của người Mỹ sẽ đưa tổng lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam vượt mức trước Covid-19, tăng hơn 5% trong năm nay...
Số liệu thống kê từ Tổng cục Du lịch cho thấy, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tháng 5/2024 đạt 1,38 triệu lượt khách, giảm 11,1% so với tháng 4/2024 song tăng 51,0% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 5 tháng năm 2024 ước đạt 7.583.034 lượt khách, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Lượng khách du lịch nội địa tháng 5/2024 ước khoảng 12 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 8 triệu lượt khách có lưu trú. Lũy kế lượng khách du lịch nội địa 5 tháng đầu năm 2024 ước khoảng 52,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch trong 5 tháng đầu năm 2024 ước hơn 352.000 tỷ đồng.
Tính 5 tháng đầu năm, lượng khách từ Trung Quốc sang Việt Nam 1,6 triệu lượt tăng trưởng mạnh nhất 402,3% so với cùng kỳ năm ngoái; khách đến từ Hoa Kỳ tăng 114,1%; khách đến từ Indonesia tăng 217%; Hàn Quốc tăng 148%; Đài Loan 210%...
KHÁCH DU LỊCH TRUNG QUỐC, MỸ TĂNG GẤP ĐÔI
Dự báo về lượng khách du lịch đến từ hai thị trường lớn gồm Trung Quốc và Mỹ, ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital cho hay, tỷ lệ người tiêu dùng Trung Quốc có ý định đi du lịch nước ngoài tăng gần gấp đôi so với năm ngoái - tới gần 2/3 số người được khảo sát.
Học viện du lịch Trung Quốc cũng dự kiến khách Trung Quốc du lịch nước ngoài sẽ vượt mức 80% so với trước Covid trong năm nay, vì vậy, VinaCapital kỳ vọng lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam sẽ phục hồi từ mức 30% trước Covid trong năm ngoái lên đến 85% trong năm nay. Sự phục hồi là cơ sở cho dự báo rằng tổng lượng khách du lịch đến Việt Nam tăng từ mức 70% trước Covid vào năm ngoái lên khoảng 105% trước Covid vào năm nay tương đương 19 triệu lượt khách.
Theo Bloomberg, mua sắm là một mục tiêu quan trọng với nhiều khách du lịch Trung Quốc. Gần một phần tư số lượng khách được khảo sát cho biết họ sẽ dành từ 5.000 USD đến 10.000 USD cho mỗi chuyến đi mua sắm, và 16% nói họ sẽ chi tiêu nhiều hơn nữa. Đây thực sự là một phần quan trọng trong trải nghiệm du lịch ra nước ngoài của người Trung Quốc.
Đối với khách Mỹ, tỷ lệ người tiêu dùng Mỹ có kế hoạch đi du lịch nước ngoài trong 6 tháng tới cũng tăng gấp đôi so với mức trước Covid-19 đạt mức cao kỷ lục. Thu nhập từ lãi suất và cổ tức mà người tiết kiệm ở Mỹ kiếm được đang tăng vọt, dự kiến sẽ tăng gần 5 lần, từ 770 tỷ USD vào năm 2020 lên 3,7 nghìn tỷ USD trong năm nay, có nhiều dẫn chứng chỉ ra rằng một phần của lượng tiền đó sẽ được đổ vào du lịch. Tại Việt Nam, lượng khách du lịch Mỹ đã cao hơn nhiều so với trước Covid và chi tiêu của nhóm này đã đóng góp tỷ lệ lấp đầy phòng tăng cao tại các khách sạn cao cấp.
SAU HÀNG KHÔNG, CỔ PHIẾU DU LỊCH VÀO SÓNG?
Sự phục hồi của lượng khách du lịch quốc tế khi Việt Nam mở cửa trở lại sau dịch được thúc đẩy bởi lượng khách từ Hàn Quốc và Mỹ, tiếp theo là Trung Quốc sau khi nước này từ bỏ chính sách Zero Covid vào năm 2023. Việt Nam cũng nới lỏng các yêu cầu về thị thực du lịch vào năm ngoái giúp tăng doanh thu của các công ty liên quan đến du lịch trong năm nay.
Doanh thu của các công ty dịch vụ lữ hành trong nước tăng gần 50% so với cùng kỳ trong 5 tháng đầu năm 2024 và giá cổ phiếu của các doanh nghiệp hàng không - lữ hành tăng mạnh.
Hãng hàng không quốc gia Việt Nam vừa hé lộ mục tiêu lãi ròng hơn 4.200 tỷ đồng trong năm 2024, trước đó quý 1 Vietnam Airlines ghi nhận mức lợi nhuận hợp nhất trước thuế lên tới hơn 4.528 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động của hãng hàng không này. So với giai đoạn “hoàng kim” 2017 - 2019 thì mức lợi nhuận hợp nhất cả năm của Vietnam Airlines chỉ đạt khoảng hơn 3.000 tỷ đồng. Trên thị trường chứng khoán, giá HVN tăng 146% trong vòng 2 tháng qua.
Tương tự, ACV mới đây cũng ra tin lợi nhuận tăng kỷ lục hơn 2.920 tỷ đồng trong quý 1 vừa qua, cùng với triển vọng về ngành hàng không, thị giá của ACV tăng gấp đôi trong vòng 2 tháng đạt đỉnh lịch sử 136.00 đồng sau đó đang có dấu hiệu chững lại.
Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco, UpCOM: SAS) cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 46 tỷ đồng, tăng mạnh 26,3% so với cùng kỳ năm ngoái tại cuối quý I/2024. Lợi nhuận tăng do tình hình kinh doanh phục hồi khi nhu cầu đi lại tại nhà ga quốc nội và quốc tế đều tăng. Theo đó, cổ phiếu SAS trong khoảng 1,5 tháng qua đã tăng một mạch từ vùng 25.000 đồng lên mức cao hiện tại 45.800 đồng/cổ phiếu.
Với nhóm lữ hành, giá cổ phiếu "bay" chậm hơn hàng không một nhịp nhưng đang có dấu hiếu bước vào chân sóng lớn. VTR của Vietravel đã bật tăng mạnh cùng với thanh khoản cao trong một vài phiên trở lại trước những số liệu bất ngờ của ngành du lịch. VTR tăng gần 10% trong vòng 4 phiên giao dịch với khối lượng tăng đột biến lên tới 150 nghìn cổ phiếu khớp lệnh trong một phiên trước đó chỉ loanh quanh vài chục nghìn.
Cổ phiếu VTR được kỳ vọng sẽ dẫn dắt nhóm du lịch trong thời gian tới chủ yếu nhờ lượng khách du lịch quốc tế tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, bên cạnh đó hãng bay Vietravel Airlines trở thành "cánh tay phải" đắc lực cho VTR cạnh tranh mở rộng thị phần khách lữ hành quốc tế và nội địa.
Ngoài VTR, cổ phiếu DAH của Khách sạn Đông Á sau 3 tháng đi ngang tích lũy phiên hôm nay cũng tăng 1,60%; Cổ phiếu DSN của Công viên nước Đầm Sen tăng hơn 2% trong những phiên giao dịch gần đây...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường