PVS, PVD, GAS, PVB dự kiến mang về khoản lợi nhuận triệu USD từ đại dự án Lô B - Ô Môn
Dự án Lô B - Ô Môn là đại dự án dầu khí với quy mô hơn 12 tỷ USD, bao gồm các dự án thành phần: dự án mỏ khí Lô B 48/98 & 52/97 (thượng nguồn), dự án đường ống Lô B – Ô Môn (trung nguồn) và 4 nhà máy điện khí Ô Môn I, II, III, IV (hạ nguồn).
Được biết, sản lượng khai thác khí dự kiến của dự án này mang lại khoảng 5,06 tỷ m3 khí/năm trong giai đoạn ổn định, cung cấp cho tổ hợp 4 nhà máy điện tại Trung tâm Điện lực Ô Môn ở Cần Thơ với tổng công suất lắp đặt gần 4.000MW.
Theo thông tin mới nhất, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký công văn phê duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn với tổng mức đầu tư gần 1,3 tỷ USD. Theo đó, việc phê duyệt khung chính sách này là bước tiến quan trọng đẩy nhanh tiến độ của dự án điện khí Lô B - Ô Môn.
Trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán Vietcap (VCI) vẫn giữ nguyên quan điểm cho dự án Lô B sẽ chính thức khởi công vào cuối tháng 6/2024. VCI kỳ vọng việc ký kết đầy đủ hợp đồng EPCI (tư vấn, thiết kế – mua sắm thiết bị – xây dựng, lắp đặt trên biển) số 1,2,3 sẽ diễn ra trước ngày 30/6 để chính thức vận hành dự án Lô B.
Đáng chú ý, CTCP Dịch vụ Dầu khí Việt Nam (PVS) dự kiến là công ty hưởng lợi sớm nhất từ dự án Lô B khi xác suất cao giành được 5,8 tỷ USD từ các hợp đồng M&C bắt đầu từ năm 2024 và 1 hợp đồng cho thuê kho nổi chứa dầu bắt đầu từ năm 2028. Ngoài ra, sẽ có nhu cầu về các tàu dịch vụ dầu khí và các dịch vụ vận hành & bảo dưỡng (O&M) cho kho nổi chứa dầu, đây sẽ là nguồn lợi nhuận tiềm năng khác cho PVS trong suốt vòng đời của dự án.
Đối với CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD) có tiềm năng thuê 2 giàn khoan và có các hợp đồng dịch vụ giếng khoan cho dự án Lô B (tổng giá trị hợp đồng ước tính đạt 2 tỷ USD). Hiện có khoảng 944 giếng ở dự án Lô B và các giếng này sẽ được khoan bởi 2 giàn khoan trong giai đoạn 2026-2050. Lợi nhuận trung bình từ hoạt động liên quan đến giếng khoan đạt khoảng 267 triệu USD trong giai đoạn 2026-2050.
Bên cạnh đó, Vietcap ước tính Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (GAS) sẽ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 3,6 tỷ USD và 2,1 tỷ USD từ hoạt động vận chuyển khí cho dự án Lô B. Cước phí vận chuyển khí cho Lô B là 1,9 USD/triệu BTU vào năm 2027 và cước phí này tăng 2% mỗi năm. Ngoài ra, sản lượng khí có khả năng đạt 5-7 tỷ m3/năm trong giai đoạn 2027-2050.
Đối với Công ty độc quyền bọc phủ đường ống - PVB sẽ có lợi nhuận tăng mạnh trong giai đoạn 2025-2027 từ hợp đồng trị giá 100-130 triệu USD cho Lô B, tương ứng lợi nhuận có thể tăng trong giai đoạn 2025-2027 và tiến gần đến mức đỉnh 150 tỷ đồng ghi nhận. Lưu ý rằng, PVB là một trong số ít doanh nghiệp không nợ vay và ghi nhận chi phí khấu hao ở mức thấp vì hầu hết máy móc của công ty đã khấu hao gần hết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận