Hé lộ nhà đầu tư đăng ký mua cổ phiếu PG Bank khi Petrolimex thoái vốn
Vào ngày 7/4, HoSE sẽ tổ chức phiên đấu giá công khai 120 triệu cổ phiếu PGB, tương ứng 40% vốn điều lệ tại PG Bank với giá khởi điểm 21.300 đồng/cổ phiếu. Có 16 nhà đầu tư trong nước đăng ký tham gia đấu giá.
Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) vừa thông báo kết quả đăng ký phiên đấu giá cổ phiếu Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank - mã chứng khoán: PGB) của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex (mã chứng khoán: PLX).
Cụ thể, có 16 nhà đầu tư, gồm 9 cá nhân và 7 tổ chức trong nước đăng ký tham gia đấu giá. Tổng số cổ phiếu đăng ký mua là gần 213 triệu đơn vị, gấp gần 1,8 lần tổng lượng cổ phiếu chào bán. Trong đó, nhóm nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua 13,5 triệu và nhà đầu tư tổ chức đăng ký mua 199,5 triệu cổ phiếu PGB.
Trước đó, Petrolimex chào bán 120 triệu cổ phiếu PGB, tương ứng 40% vốn điều lệ tại PG Bank với giá khởi điểm 21.300 đồng/cổ phiếu, thông qua phương thức đấu giá công khai tại HoSE vào ngày 7/4. Kết thúc phiên giao dịch 3/4, cổ phiếu PGB tăng 5% lên 22.900 đồng/cổ phiếu, cao hơn so với giá khởi điểm mà Petrolimex chào bán. Từ đầu năm 2023 đến nay, thị giá PGB đã tăng khoảng 40%.
PG Bank có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng và Petrolimex là cổ đông lớn duy nhất. PG Bank là một trong các ngân hàng có vốn điều lệ thấp nhất hệ thống ngân hàng, không thay đổi trong 10 năm qua và 10 năm không chia cổ tức.
Trước đây, PG Bank từng có kế hoạch sáp nhập vào VietinBank (mã chứng khoán: CTG) nhưng thương vụ bất thành vào năm 2018. Sau đó, HDBank (mã chứng khoán: HDB) có thỏa thuận sáp nhập với PG Bank nhưng kế hoạch này cũng bị hủy bỏ vào 2021.
Trong tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, Ngân hàng MSB (mã chứng khoán: MSB) sẽ trình cổ đông thông qua việc nhận sáp nhập một tổ chức tín dụng. Mục đích của việc nhận sáp nhập nhằm tận dụng được hệ thống mạng lưới, nhân sự cũng như các hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng nhận sáp nhập nhằm hướng tới việc tăng quy mô hoạt động của đơn vị này.
MSB cho biết đã có kinh nghiệm từ năm 2015, khi nhận sáp nhập thành công Ngân hàng TMCP Phát triển Mekong, mua lại Công ty Tài chính Dệt may, hỗ trợ các quỹ tín dụng nhân dân theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Nhà băng chuẩn bị sáp nhập vào MSB được giới thiệu đang hoạt động bình thường ở Việt Nam, với các tiêu chí về tổng giá trị tài sản, vốn chủ sở hữu ở mức trung bình trên thị trường, có chất lượng tín dụng tốt.
Hội đồng quản trị sẽ được quyết định các nội dung liên quan đến việc nhận sáp nhập, gồm nhưng không giới hạn ở nội dung phương án sáp nhập, các điều kiện thực tế triển khai, thời hạn cụ thể nhận sáp nhập, phương án phát hành, hoán đổi cổ phiếu trái phiếu, chuyển đổi tài sản.
Trước đó, trên thị trường xuất hiện nhiều tin đồn về việc MSB sẽ sáp nhập Ngân Hàng TMCP Xăng Dầu Petrolimex (PG Bank). Nhiều nhân sự tại MSB như ông Hoàng Xuân Hiệp - nguyên Phó Tổng Giám đốc MSB, ông Nguyễn Phi Hùng - nguyên Phó Tổng Giám đốc MSB, ông Đỗ Thành Công - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Tái thẩm định và phê duyệt… cũng lần lượt gia nhập PG Bank.
Trên thị trường đã xuất hiện nhiều tin đồn về việc sáp nhập của hai nhà băng này khi nhiều nhân sự từng giữ các vị trí quan trọng tại MSB lại lần lượt gia nhập PG Bank.
Cụ thể, tháng 5/2020, ông Hoàng Xuân Hiệp - nguyên Phó Tổng Giám đốc MSB, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý và Khai thác tài sản MSB đã chuyển sang công tác tại PGBank và hiện là Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Xử lý và thu hồi nợ, phòng Pháp chế và tuân thủ PG Bank.
Đến tháng 11/2020, ông Nguyễn Phi Hùng - nguyên Phó Tổng Giám đốc MSB - cũng được bổ nhiệm làm quyền Tổng giám đốc của PG Bank và hiện nay là tổng giám đốc của ngân hàng này.
Tháng 4/2021, ông Nilesh Banglorewala - cựu Giám đốc Tài chính kiêm Kế toán trưởng của MSB được bổ nhiệm là Thành viên Hội đồng quản trị PG Bank. Tương tự, ông Oliver Schwarzhaupt - cựu Phó tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khối Quản lý rủi ro của MSB cũng được bổ nhiệm là Thành viên Hội đồng quản trị PGBank từ ngày 26/4/2022.
Ông Đỗ Thành Công - Phó tổng Giám đốc phụ trách Khối Tái thẩm định và phê duyệt, người vừa gia nhập PGBank ngày 1/2/2023 cũng từng nắm giữ nhiều vai trò quan trọng tại MSB như Thành viên Hội đồng tín dụng và đầu tư, Thành viên Ủy ban Quản lý rủi ro, Thành viên Hội đồng xử lý rủi ro...
Về kết quả kinh doanh, năm 2022, lợi nhuận trước thuế của PG Bank đạt 506 tỷ đồng, tăng 54% so với năm trước và vượt 24% kế hoạch. Ngoài lĩnh vực mua bán chứng khoán giảm lợi nhuận, các lĩnh vực khác của ngân hàng đều tăng. Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của PG Bank đạt xấp xỉ 49.000 tỷ đồng, tăng gần 21% so với cuối năm 2021.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận