ĐHĐCĐ Tập đoàn Đèo Cả: Phát hành 210 triệu cp, kế hoạch lên sàn chứng khoán
Sáng 26/06, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của CTCP Tập đoàn Đèo Cả (Đèo Cả Group) đã thông qua kế hoạch phát hành 210 triệu cp cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ cổ tức 8%. Doanh nghiệp cũng chia sẻ kế hoạch lên sàn chứng khoán trong thời gian tới.
Tập đoàn Đèo Cả (Đèo Cả Group) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024.
Sử dụng mô hình PPP++ để đa dạng nguồn vốn
Ông Nguyễn Tấn Đông - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết với đặc thù ngành hạ tầng giao thông, tốc độ biến động giá nguyên vật liệu thực tế tăng nhanh hơn so với giá nguyên vật liệu Nhà nước quản lý dẫn đến khó khăn trong việc quản lý giá.
Để giải quyết vấn đề này, ông Đông nêu ra các giải pháp như tận dụng lượng đất đá đào hầm để sản xuất làm đá thi công nền, mặt đường,… nhằm hạn chế sự ảnh hưởng của giá. Đồng thời, làm việc với các nhà cung cấp lớn để giữ giá, đặt hàng trước tránh biến động giá, song song tìm kiếm các đối tác phù hợp để đi lâu dài với Đèo Cả. Cuối cùng là làm việc với các cơ quan địa phương để điều chỉnh giá cho phù hợp với thị trường.
Ngoài ra, Tập đoàn Đèo Cả đã thành lập Trung tâm Huấn luyện Thực hành Đèo Cả và phối hợp với Trường Đại Học Giao Thông Vận Tải TPHCM thành lập Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả, đào tạo nhân sự ở tất cả cấp bậc, đa lĩnh vực trong toàn hệ thống.
Để tham gia đầu tư gần 400km đường cao tốc và dự án đường sắt trong bối cảnh các nguồn lực có hạn, Đèo Cả sử dụng mô hình PPP++ để đa dạng nguồn vốn.
Ông Đông cho hay, P1++ là vốn ngân sách (bao gồm vốn ngân sách Trung ương và vốn ngân sách địa phương), P2++ là vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chính danh và nhà đầu tư thứ cấp, P3++ là vốn huy động từ tổ chức tín dụng, hợp tác kinh doanh, trái phiếu,…
Dự kiến 2024 chia cổ tức tỷ lệ 8%, kế hoạch lên sàn chứng khoán
Năm 2023, Tập đoàn Đèo Cả đã chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 4% (tương đương hơn 168 tỷ đồng). Trong năm 2024, Doanh nghiệp dự kiến cổ tức tỷ lệ tối đa 8% bằng tiền hoặc cổ phiếu.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Hùng – Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho hay năm 2023, mục tiêu ban đầu của Tập đoàn 7% nhưng Đèo Cả chỉ trả 4% do để đảm bảo vốn chủ khi tham gia đấu thầu các dự án. Năm 2024, với lợi nhuận lũy kế còn lại, HĐQT tự tin sẽ đảm bảo chia cổ tức đúng theo kế hoạch.
Nói thêm về biến động lãi suất trong thời gian vừa qua, lãnh đạo Đèo Cả cho biết đặc thù ngành hạ tầng giao thông sử dụng vốn vay khá lớn (phần lớn vay ngân hàng Nhà nước), biến động lãi suất ngân hàng đang ở mức thấp trong 6 tháng vừa qua, tuy có tăng trong thời gian qua nhưng từ giờ đến cuối năm các ngân hàng Nhà nước gần như không thay đổi nhiều nên sẽ không ảnh hưởng đến Công ty.
Ngoài ra, trước đây Công ty chỉ sử dụng vốn chủ sở hữu và vốn vay tại ngân hàng, để ứng phó với biến động lãi vay, hiện Đèo Cả sử dụng mô hình PPP++.
Về lộ trình lên sàn chứng khoán, ông Hùng khẳng định đây là mục tiêu Công ty đặt ra trong chiến lược 5 năm.
Ngoài ra, nhằm bổ sung vốn lưu động, vốn đầu tư, Tập đoàn Đèo Cả dự kiến phát hành hơn 210 triệu cp (tỷ lệ 50% trên tổng số cổ phiếu đã phát hành) cho cổ đông hiện hữu. Thời gian triển khai trong 2024 - 2025 và theo tiến độ triển khai của các dự án. Nếu thành công, vốn điều lệ Tập đoàn Đèo Cả tăng lên từ hơn 4,200 tỷ đồng lên hơn 6,300 tỷ đồng.
ông Nguyễn Hữu Hùng – Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả
Kế hoạch lãi sau thuế 733 tỷ đồng
Năm 2024, Đèo Cả đặt chỉ tiêu doanh thu hợp nhất 8,956 tỷ đồng, tăng 35% so với thực hiện năm 2023; lợi nhuận sau thuế 733 tỷ đồng, tăng 14%.
Nguồn: Tổng hợp
Khép lại quý đầu năm, Đèo Cả ghi nhận doanh thu 1,750 tỷ đồng, tăng 121% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế 169 tỷ đồng, tăng 40%. So với kế hoạch, Công ty đã đi được lần lượt 20 và 23%.
Về hoạt động đầu tư, Đèo Cả hoàn thành cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo có tổng mức đầu tư hơn 8,900 tỷ đồng, đưa vào vận hành vào cuối tháng 04/2024. Ngoài ra, Doanh nghiệp đang thực hiện hai dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư hơn 14,300 tỷ đồng (khởi công vào tháng 01/2024) và cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng có tổng mức đầu tư hơn 11,000 tỷ đồng (khởi công vào tháng 04/2024).
Nguồn: Tập đoàn Đèo Cả
Đối với hoạt động thi công xây lắp, Đèo Cả đang thi công các hạng mục cầu, đường, hầm, hệ thống hạ tầng kỹ thuật…với sản lượng 8,774 tỷ đồng; tham gia đấu thầu các gói thầu/dự án mới với giá trị xây lắp dự kiến khoảng 10,000 tỷ đồng trong năm nay.
Mục tiêu của Chính phủ Việt Nam, đến năm 2030 hoàn thành 5,000km đường bộ cao tốc và định hướng phát triển giao thông đường sắt Việt Nam, đến năm 2025 phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư và hoàn thành toàn bộ tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trước năm 2045.
Trước dư địa phát triển hạ tầng giao thông, Đèo Cả tiếp tục nghiên cứu đầu tư các dự án Tân Phú - Bảo Lộc, TPHCM - Chơn Thành, Vành đai 4 đoạn qua tỉnh Bình Dương, TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận (giai đoạn 2)… với tổng mức đầu tư gần 80,000 tỷ đồng, và dự án đường sắt Việt - Lào đoạn Vũng Áng - Mụ Giạ hơn 47,600 tỷ đồng.
Công ty tiếp tục thực hiện công việc trên công trường cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 như cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn tổng mức đầu tư hơn 20,400 tỷ đồng; thi công các tuyến cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong, Tuyên Quang - Hà Giang, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hoà, Vành đai 3 TPHCM, nút giao Tân Vạn, 2 tuyến đường kết nối sân bay Long Thành thuộc dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, hầm đường sắt Khe Nét thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM… với tổng giá trị thực hiện gần 15,000 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận