Chứng khoán trong nước phản ứng bất ngờ với quyết định lãi suất của Fed
Các thị trường lớn, đặc biệt là chứng khoán Mỹ phản ứng rất tiêu cực sau quyết định lãi suất của Fed. Trong khi đó, thị trường trong nước lại có diễn biến khá bất ngờ, đảo chiều tăng vọt trong phiên chiều, đưa VN-Index đóng cửa trong sắc xanh.
Ngày 21/9, Down Jones giảm xấp xỉ 500 điểm, nhưng sáng nay (22/9), VN-Index mở cửa không bị bán một cách hoảng loạn. Mốc 1.200 điểm có lúc bị xuyên thủng, nhưng nhanh chóng lấy lại cân bằng. Một số ý kiến cho rằng, phản ứng có phần bình tĩnh của VN-Index trên nền thanh khoản cạn kiệt là dấu hiệu thị trường có thể tạo đáy ngắn hạn. Thị trường phần nào hấp thụ những thông tin bất lợi, lo ngại suy thoái trước đó.
Ngoài rủi ro suy thoái kinh tế thế giới, thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được yêu cầu nâng lãi suất điều hành cũng có thể là một yếu tố đang tác động tiêu cực lên cả 3 sàn chứng khoán sáng nay. Dù vậy, từ chỗ rơi sâu hơn 1% trong trong phiên sáng, lực cầu bắt đáy dâng cao từ đầu phiên chiều đã kéo VN-Index đóng cửa về lại sắc xanh. Nhóm vốn hóa lớn có GAS, BID, GVR, VIB, SSI, VIC, EIB, ACB, FPT... neo giữ chỉ số, cân bằng lại áp lực từ VCB, MSN, VHM, ...
Đáng chú ý, trong phiên chiều, nhóm chứng khoán trở lại mạnh mẽ, SSI lọt nhóm dẫn dắt thị trường. Hơn 20 cổ phiếu nhóm chứng khoán tăng giá, nhiều mã như APS, BVS, HCM, MBS, CTS... tăng cao 4-5%.
Sắc xanh trở lại với 254 cổ phiếu trên HoSE, lấn át số mã giảm. Nhiều nhóm cổ phiếu như bất động sản, xây dựng, bán lẻ, thủy sản... cũng hồi phục đáng kể, giúp củng cố sắc xanh cho VN-Index.
Thanh khoản vẫn ở mức thấp, giá trị khớp lệnh HoSE chỉ hơn 10.000 tỷ đồng, nhưng đã có cải thiện so với ngày 21/9. Dòng tiền yếu thể hiện lực cầu không đủ mạnh. Bối cảnh hiện tại khác hẳn thời VN-Index lập đỉnh 1.536 và xuống dốc "không phanh". Lúc đó, thanh khoản cao cũng là “con dao 2 lưỡi”, trong trường hợp tâm lý bán tháo xảy ra.
Về mặt định giá, có ý kiến cho rằng, chứng khoán Việt Nam đang ở mức rẻ nhất trong vòng 5 năm khi có P/E trung bình toàn thị trường khoảng 13. Với tăng trưởng lợi nhuận của nhiều nhóm ngành, đặc biệt dòng ngân hàng khoảng 25% trong năm 2022 sẽ đưa chỉ số P/E forward (dự phóng) về mức 10.
Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, Việt Nam đang kiểm soát tốt lạm phát; tỷ giá chưa quá nóng, lãi suất chỉ tăng cục bộ. Dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam quý 3 ở mức 2 con số, đưa cả năm vượt 7%.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 4,15 điểm (0,34%) lên 1.214,7 điểm. HNX-Index tăng 0,55 điểm (0,21%) lên 265,64 điểm. UPCoM-Index tăng 0,32 điểm (0,36%) lên 88,55 điểm.
Thanh khoản tăng trở lại, giá trị khớp lệnh sàn HoSE tăng 35,4% lên mức 10.187 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng 480 tỷ đồng ở sàn HoSE, tập trung vào nhóm bất động sản như NLG, BCM, KDH...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận