Các ngân hàng tự tin với chỉ tiêu lợi nhuận năm 2024
Không ít ngân hàng đưa ra mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm nay trên dưới 10% và tự tin với kế hoạch 2024 trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thấp, tín dụng dần cải thiện.
Mục tiêu tỷ đô
Năm 2024, VPBank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 23.165 tỷ đồng, tăng 114% so với kết quả thực hiện của năm trước. Trong đó, lợi nhuận của ngân hàng mẹ dự kiến là 20.709 tỷ đồng; lợi nhuận của FE Credit - công ty tài chính trực thuộc - là 1.200 tỷ đồng; lợi nhuận của Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) là 1.902 tỷ đồng và của Bảo hiểm OPES là 873 tỷ đồng.
VPBank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng hợp nhất trong năm nay đạt 25%, tương ứng với dư nợ cấp tín dụng 752.104 tỷ đồng. Mức tăng trưởng tín dụng trên còn phụ thuộc vào hạn mức của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tổng tài sản dự kiến tăng 19%, lên 974.270 tỷ đồng; trong đó, tổng tài sản của ngân hàng mẹ đạt 898.350 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng dự kiến tiến thêm 22%, lên 598.864 tỷ đồng; trong đó, tiền gửi ngân hàng mẹ là 572.436 tỷ đồng, còn của FE Credit là 26.248 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ngân hàng riêng lẻ theo Thông tư 11 dự kiến được kiểm soát dưới 3% so với mức 2,95% cuối năm qua.
Techcombank đặt mục tiêu lãi trước thuế 27.100 tỷ đồng trong năm nay. Đồng thời, ngân hàng này đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16,2% (theo phê duyệt của NHNN); lợi nhuận trước thuế đạt 27.100 tỷ đồng, tăng 18,4% so với năm trước; duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 1,5%.
Trong khối ngân hàng có vốn Nhà nước, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank (VCB) cho biết, năm 2024, VCB được NHNN phê duyệt kế hoạch lợi nhuận ở mức hơn 42.000 tỷ đồng, tăng 4,8% so với kết quả năm 2023.
Trong khi đó, BIDV, VietinBank không trình cổ đông chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế cụ thể, mà chỉ đặt ra mục tiêu theo phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Trước đó, kết thúc năm 2023, BIDV đạt 26.765 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 19,4% so với cùng kỳ 2022; còn VietinBank ghi nhận lợi nhuận riêng lẻ sau thuế năm 2023 ở mức 19.456 tỷ đồng.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2024, Hội đồng quản trị VietinBank đã trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm nay với tổng tài sản dự kiến tăng 8 - 10%; dư nợ tín dụng thực hiện theo hạn mức được NHNN phê duyệt và nguồn vốn huy động phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng.
Theo ông Trần Minh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank, hạn mức tăng trưởng tín dụng của VietinBank được NHNN phê duyệt năm nay là 14% và Ngân hàng có thể đạt được con số này, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 1,8%.
BIDV cũng đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng theo giới hạn NHNN giao, dự kiến mức 14,04%, tương ứng gần 2 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,4%.
Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV cho rằng, kinh tế Việt Nam phục hồi nhưng vẫn còn chậm trong quý I/2024 và điều này tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp, nhưng tại BIDV, tính đến ngày 31/3/2024, dư nợ tín dụng đạt trên 1,76 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 1,09% so với đầu năm 2024 và ước đến gần cuối tháng 4 đã tăng 1,2%.
Các dự báo đưa ra từ chuyên gia tài chính, khả năng lợi nhuận ngành ngân hàng năm nay tăng khoảng 10 - 15% so với mức thực hiện năm ngoái, nếu tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm tích cực. Tuy nhiên, trước xu hướng nợ xấu tăng buộc ngân hàng tăng trích dự phòng rủi ro.
PSG. TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM nhận định, mục tiêu lợi nhuận các ngân hàng đặt ra cho năm nay không quá đột biến so với mức đạt được của năm rồi, song cũng có không ít áp lực khi tín dụng còn tăng chậm, nhiều khả năng chỉ đạt 10-11% trong năm nay và NIM chưa tăng cao do ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay để kích cầu tín dụng. Trong khi đó, nguồn thu ngoài lãi, nhất là với kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng chưa cải thiện. Nợ xấu dù Thông tư 02 đã được gia hạn, nhưng khi hết hiệu lực sẽ tăng cao nên dự phòng sẽ lớn hơn.
Tự tin đạt được
Quý đầu năm nay, Vietcombank tiếp tục duy trì vị trí quán quân toàn ngành về lợi nhuận, với 11.221 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Techcombank đứng vị trí á quân, với lợi nhuận trước thuế đạt 7.802 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Lợi nhuận của Techcombank cũng bỏ khá xa các ngân hàng tư nhân trên thị trường.
BIDV xếp vị trí thứ ba, với lãi trước thuế 7.390 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. VietinBank đứng ở vị trí thứ 4 với lợi nhuận 6.210 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, MB tụt xuống vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng, do chi phí dự phòng rủi ro tăng vọt trong bối cảnh nợ xấu gia tăng. Ngân hàng này thu về 5.795 tỷ đồng lợi nhuận trong quý I, giảm 11% so cùng kỳ. Kết quả tại một số nhà băng khác: ACB đạt 4.892 tỷ đồng; VPBank đạt 4.182 tỷ đồng; HDBank đạt 4.028 tỷ đồng, SHB đạt 4.017 tỷ đồng và LPBank đạt 2.886 tỷ đồng…
Ông Nguyễn Thanh Tùng cho hay, năm nay, Vietcombank được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng gần 16%. Nếu sử dụng hết hạn mức này, dư nợ tín dụng của Ngân hàng sẽ lên mức 1.480.000 tỷ đồng vào cuối năm 2024.
Tính đến cuối quý I, huy động vốn trên thị trường 1 của Vietcombank là 3,31% giảm chủ động để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn); tín dụng giảm 0,42%, chủ yếu do tín dụng bán lẻ giảm; thu lãi thuần giảm do giảm lãi suất sâu; thu ngoài lãi giảm do kinh doanh ngoại tệ, thu thuần thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại cũng đi xuống. Nợ xấu của nhà băng này đã tăng từ 0,99% lên 1,22%, trong đó cả nợ xấu bán buôn và nợ xấu bán lẻ. Tuy nhiên, ông Tùng khẳng định, Vietcombank sẽ tập trung nguồn lực để hoàn thành các nhiệm vụ được đại hội cổ đông giao trong năm 2024.
Chia sẻ về kết quả kinh doanh quý I/2024 của VPBank, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh cho biết, Ngân hàng đã ghi nhận những con số khả quan: tăng trưởng tín dụng 2,2%; tăng trưởng huy động 1,4%; lợi nhuận trước thuế đạt gần 4.200 tỷ đồng (ảnh hưởng từ việc lợi nhuận sau thuế của FE Credit âm 800 tỷ đồng). Mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận của VPBank năm 2024 cũng khá tham vọng, trong đó FE Credit lãi 1.200 tỷ đồng.
Về định hướng kinh doanh năm 2024, ông Vinh cho biết, VPBank đặt mục tiêu trọng tâm tăng trưởng ở phân khúc chiến lược là khách hàng cá nhân và SME, đồng thời tìm kiếm cơ hội phát triển trong phân khúc FDI - được đánh giá là nhiều tiềm năng. Mục tiêu của VPBank là mảng khách hàng FDI tăng gấp đôi số lượng khách hàng, gấp 4 lần quy mô tín dụng và huy động và phân khúc FDI sẽ trở thành một trong những phân khúc lớn.
Mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 15.852 tỷ đồng, tăng trưởng 22% so với năm 2023 của HDBank, theo ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc Ngân hàng, được thông qua dựa trên bối cảnh còn nhiều thách thức nhưng không thiếu tiềm năng.
Ông Thanh lý giải, từ cuối năm ngoái và đầu năm nay, Ban lãnh đạo HDBank đã nhận ra cơ hội phát triển từ thị trường, nền kinh tế trên đà hồi phục. Ngoài ra, mục tiêu trên còn dựa trên những phân tích về cơ sở mang tính chất nền tảng. Chiến lược đầu tư từ hai năm trước của đơn vị đã chín muồi, đang trên đà phát huy thế mạnh, cụ thể là chương trình trụ cột về ngân hàng nông nghiệp, nông thôn, tài trợ theo chuỗi. Bên cạnh đó, kế hoạch kinh doanh số, chuyển đổi số dự kiến thu hoạch năm nay, sau 3 năm đầu tư.
“Doanh thu từ quý đầu tiên tạo niềm tin cho cổ đông về tính khả thi của kế hoạch 22%”, Tổng giám đốc HDBank cho biết thêm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận