3 doanh nghiệp dầu khí có thể thu về 11.000 tỷ từ dự án Lô B Ô Môn
Dự án Lô B Ô Môn có thể được thực hiện ngay trong quý 4/2023 mà không cần phải hoàn toàn phụ thuộc vào tiến trình xin FID như trước. Ba doanh nghiệp ngành dầu khí dự kiến thu về gần 11.000 tỷ
DOANH NGHIỆP DẦU KHÍ THU HÀNG TRĂM TRIỆU USD
Nếu Chính phủ giao EVN cam kết tiêu thụ hết sản lượng điện và không điều chỉnh giá bán khí điện hạ nguồn thì EVN sẽ thua lỗ. Ngược lại, nếu điều chỉnh giảm giá khí và tăng giá bán điện thì khả năng dự án sẽ không đạt hiệu quả kinh tế và sẽ gây ra tổn thất cho PVN. Lưu ý rằng PVN dự kiến sẽ cần thuyết phục các ngân hàng nước ngoài để huy động khoảng 1,5 tỷ USD cho dự án do Chính phủ không phát hành Bảo lãnh Chính phủ.
Vì vậy, tính hiệu quả của dự án sẽ là điều kiện tiên quyết để PVN nhận được cam kết đầu tư. Từ các lý do trên, KBSV duy trì quan điểm rằng tiến độ xin Quyết định đầu tư cuối cùng (FID) cho dự án Lô B Ô Môn có thể chậm trễ đến giữa năm 2024 do vấn đề cốt lõi khó có thể được giải quyết trong thời gian ngắn.
Trong tháng 9/2023, PVN đã ban hành nghị quyết nhằm tháo gỡ cho dự án. Theo đó, PVN sẽ được phép thực hiện trao thầu hạn chế (LLOA) cho gói thầu EPCI 1 (thiết kế, xây dựng, lắp đặt cụm giàn công nghệ trung tâm, giàn nhà ở) với ngân sách phê duyệt trong 6 tháng tới. Trong trường hợp FID vẫn chậm trễ trong 6 tháng tới, một Thỏa thuận sẽ được đàm phán trong lúc thực hiện LLOA, trong đó sẽ cho phép PVN được triển khai tiếp dự án và có cơ chế hoàn trả lại PVN phần chi phí đã bỏ ra trong giai đoạn đó.
Do vậy, dự án có thể được thực hiện ngay trong quý 4/2023 mà không cần phải hoàn toàn phụ thuộc vào tiến trình xin FID như trước.
Theo tính toán của KBSV, PVS đã trúng gói thầu trị giá 1,08 tỷ USD, có thể triển khai công việc từ cuối 2023, ước tính năm 2024 doanh nghiệp này có thể thu về 200 triệu USD.
PVD đưa 1-2 giàn khoan đang hoạt động tại thị trường quốc tế về và đầu tư mua thêm 1 giàn Jack-up trong năm 2024. PVD có thể triển khai công việc từ đầu năm 2025, ước tính năm 2025 thu về 90 triệu USD.
Với GAS, dự báo thời gian chính thức vận hành bị lùi sang giữa năm 2027 (kế hoạch ban đầu là cuối năm 2026). Ước tính thu 150 triệu USD năm 2027 nhờ doanh thu riêng mảng vận tải.
GIÁ CỔ PHIẾU ĐÃ TĂNG CAO NHƯNG VẪN RẤT HẤP DẪN
KBSV cũng kỳ vọng giá dầu vẫn duy trì ở mức cao tới cuối 2023. Cho cả năm 2023, IEA dự báo nhu cầu dầu thô toàn cầu có thể tăng thêm 2,2 triệu thùng/ngày trong khi nguồn cung chỉ tăng 1,5 triệu thùng/ngày. Do đó, kỳ vọng giá dầu thô vẫn sẽ duy trì ở trên mốc 80 USD/thùng tới cuối năm 2023 do tăng trưởng sản xuất tại các khu vực khác không thể bù đắp cho sản lượng cắt giảm từ khối OPEC+.
Việc tồn kho dầu thô và dầu thành phẩm xuống thấp kỷ lục tại nhiều thị trường sẽ tiếp tục là một yếu tố hỗ trợ cho giá dầu trong những tháng còn lại.
Chu kỳ tăng trưởng vàng cho mảng dầu khí thượng nguồn toàn cầu. Giá dầu Brent vượt xa mức 70 USD/thùng như hiện nay sẽ khuyến khích hoạt động thăm dò và khai thác (E&P) trên thế giới. Hoạt động E&P toàn cầu đang rất nóng, đặc biệt tại khu vực Trung Đông khi các quốc gia phải đẩy mạnh hoạt động E&P trong giai đoạn 2023-2030 để sau đó sẽ dần giảm sự lệ thuộc vào nguồn thu từ dầu khí. Mảng E&P toàn cầu khả năng cao sẽ bước vào chu kỳ tăng trưởng mới với việc dòng vốn đầu tư quay trở lại ngành sau thập kỷ thiếu hụt đầu tư vì khủng hoảng giá dầu và đại dịch Covid-19.
Ngoài Lô B Ô Môn, KBSV cũng kỳ vọng một số dự án tại thị trường nội địa sẽ sớm đi vào khai thác như: Lạc Đà Vàng A&B, Sư Tử Trắng 2B, xa hơn có thể là dự án Nam Du U Minh.
KBSV tiếp tục duy trì quan điểm tích cực đối với ngành Dầu khí dựa trên kỳ vọng giá dầu sẽ neo ở mức cao và sự ấm lên của thị trường E&P toàn cầu và Việt Nam. PVS, PVD và PVT là những lựa chọn hàng đầu. Các cổ phiếu trên đều đã có mức tăng ấn tượng trong 9T2023 nhưng thị giá hiện tại vẫn chưa phản ánh hết tiềm năng tăng trưởng của các doanh nghiệp, đặc biệt khi ngành dầu khí toàn cầu khả năng cao sẽ bước vào chu kỳ tăng trưởng vàng trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận