19/26 ngân hàng báo lợi nhuận tăng trưởng dương
Đa số các ngân hàng đều công bố KQKD quý I/2023 với lãi ròng tăng trưởng dương so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nợ xấu nhóm này cũng tăng mạnh.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – HoSE: VCB) vẫn giữ vững vị trí quán quân lợi nhuận quý I/2023 với con số lãi ròng đạt 8.992 tỷ đồng, tăng trưởng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tăng trưởng lợi nhuận trong kỳ của Vietcombank đến từ diễn biến tích cực của hoạt động kinh doanh cốt lõi và việc cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Cụ thể, thu nhập lãi thuần quý I/2023 Vietcombank tăng trưởng hơn 18,6% đạt 14.200 tỷ đồng. Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng 12,1%, đạt 1.706 tỷ đồng. Các hoạt động kinh doanh khác mang về cho ngân hàng 1.083 tỷ, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước.
Xếp sau Vietcombank là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt nam (BIDV – HoSE: BID) với lãi ròng 5.559 tỷ đồng, tăng gần 53% so với quý I/2022. Sau một thời gian dồn lực trích lập dự phòng, BIDV đang dần trở lại đường đua lợi nhuận, lấy lại vị thế của ngân hàng có quy mô lớn nhất hệ thống với tổng tài sản lên đến hơn 2,1 triệu tỷ đồng.
Bảng xếp hạng top 10 lợi nhuận ngân hàng quý I/2023 ghi nhận sự thăng hạng của Ngân hàng TMCP Quân đội (HoSE: MBB) khi đạt lãi sau thuế 5.023 tỷ đồng, tăng gần 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, động lực tăng trưởng chính của nhà băng này đến từ việc giảm trích lập dự phòng rủi ro, cụ thể MBB trong quý I/2023 chỉ trích dự phòng gần 1.850 tỷ đồng, giảm 13%.
Trong khi đó, ngoài thu nhập lãi thuần (+22%), các mảng kinh doanh còn lại của MBB đều suy giảm. Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của MB chỉ đạt 690 tỷ đồng, giảm 38,2% (một phần do thu nhập từ bảo hiểm giảm). Lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh đạt 37 tỷ đồng, giảm 62,8%; lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư và góp vốn, đầu tư dài hạn giảm gần 87% chỉ đạt 135 tỷ đồng. Lãi thuần từ mảng kinh doanh ngoại hối và hoạt động khác lần lượt giảm 20,8% và 13%.
Chưa kể, tỷ lệ nợ xấu của MBB cuối kỳ lên đến 1,75%, tăng mạnh so với mức 1,09% cuối năm 2022. Nợ xấu tại MB có nguy cơ còn gia tăng do tỷ lệ nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) đang tăng rất nhanh, gấp 2,1 lần cuối năm ngoái, lên mức 16.675 tỷ đồng.
Trong khi đó, vị trí thứ 4 lãi ròng quý I/2023 thuộc về Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank – HoSE: CTG) khi đạt 4.831 tỷ đồng lãi ròng, tương đương tăng gần 3%.
Đáng chú ý, á quân trong nhiều năm liên tiếp – Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (HoSE: TCB – Techcombank) tụt xuống vị trí thứ 5. Trong quý I/2023, lãi ròng ngân hàng đạt 4.537 tỷ đồng, giảm gần 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở các vị trí tiếp theo là Ngân hàng TMCP Á Châu (4.135 tỷ đồng – tăng trưởng gần 26%), Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (2.881 tỷ đồng – tăng 11,6%), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (2.155 tỷ đồng – tăng 18,21%), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (1.900 tỷ đồng – tăng 49,14%)….
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – HoSE: VPB) tụt xuống vị trí thứ 10 do không còn khoản thu nhập bất thường như quý I/2022, trong khi đó chi phí vốn bị đẩy lên, trích lập dự phòng tăng 55% do nợ xấu tăng mạnh. Kết quả, VPBank ghi nhận lãi ròng 1.650 tỷ đồng, giảm gần 82%.
Chiều ngược lại, các nhà băng có lợi nhuận thấp nhất là Ngân hàng TMCP Quốc Dân (4,4 tỷ đồng – giảm 78,4%), Ngân hàng TMCP Bản Việt (20,3 tỷ đồng – giảm 85,4%), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (99,6 tỷ đồng – tăng 2,47%)….
Ảnh: Hữu Bật.
Nếu xét về tốc độ tăng trưởng, đứng ở top 1 là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín (VietBank – UPCOM: VBB) với lãi ròng quý I/2023 tăng trưởng 75,11% đạt 157,6 tỷ đồng. Đứng sau VBB là Ngân hàng TMCP Kiên Long (161,5 tỷ đồng – tăng 59,6%), BIDV (+52,8%), Sacombank (1.900 tỷ đồng – tăng 49,14%)….
Trong khi đó, thống kê của Nhadautu.vn ghi nhận 7 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng âm trong quý I/2023 gồm: VietCapitalBank (-85,4%), VPBank (-81,5%), NCB (-35,28%), Techcombank (-19,18%), SeABank (-18,59%), LienVietPostBank (-12,53%).
Xét bình quân cả nhóm, lãi ròng 26 ngân hàng trong quý I/2023 chỉ tăng nhẹ 4,42%.
Rủi ro nợ xấu "bào mòn" lợi nhuận ngân hàng
Dù đa phần các nhà băng thông báo lãi ròng quý I/2023 tăng trưởng tốt, song nợ xấu nhóm này cũng tăng mạnh. Như Nhadautu.vn từng đề cập, nợ xấu (nợ nhóm 3, 4, 5) của các nhà băng tại thời điểm cuối quý I/2023 đạt hơn 167.923 tỷ đồng nợ xấu, tăng 24,18% so với số đầu kỳ (trong đó nợ nhóm 5 chỉ tăng hơn 3,05%). Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối quý I/2023 tăng bình quân lên đến gần 19%.
CTCP Chứng khoán Yuanta nhìn nhận, tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành ngân hàng sẽ tăng nhẹ vào năm 2023, một phần do Thông tư 14/2021/TT-NHNN về cơ cấu thời gian trả nợ hết hiệu lực; rủi ro từ kinh tế vĩ mô thế giới ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Ngoài ra, nợ xấu còn có thể tăng lên do các vấn đề liên quan đến ngành bất động sản, khi tỷ lệ cho vay lĩnh vực này của không ít ngân hàng khá cao.
Tỷ lệ nợ xấu tăng rõ ràng sẽ tạo nhiều khó khăn cho tăng trưởng lợi nhuận của các nhà băng. Theo đó, yếu tố này sẽ dẫn đến tăng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong năm 2023 và ảnh hưởng trực tiếp triển vọng lợi nhuận ngân hàng. Đặc biệt, với các nhà băng có tỷ lệ cho vay lớn ở lĩnh vực bất động sản, các khoản cho vay này có thể trở thành nợ xấu nếu dòng vốn vào lĩnh vực này tiếp tục bị thắt chặt. Dù vậy, rủi ro tín dụng sẽ có sự phân hóa giữa các tổ chức tín dụng, trong đó các nhà băng có dư nợ tín dụng bất động sản cao sẽ phải đối mặt với áp lực trích lập dự phòng lớn hơn so với các ngân hàng thuần bán lẻ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận