CHU KỲ NGÀNH BẤT ĐỘNG SẢN - QUA CƠN BĨ CỰC ĐẾN HỒI THÁI LAI
Thị trường Bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, đơn cử là thị trường Bất động sản Trung Quốc – Sau Evergrande, mới đây nhất là Country Garden đang đứng bên bờ vực phá sản khi không có khả năng thanh toán khoản lãi trái phiếu 15 triệu USD. Đây có thể được coi là “ông trùm” đứng đầu trong ngành Bất động sản của Trung Quốc.
Tại thị trường Mỹ, Bất động sản đang gặp khó khi hầu hết các văn phòng cho thuê đang bị bỏ trống với số lượng lớn. Bên cạnh đó, thị trường nhà ở còn bế tắc hơn sau khi giá nhà tăng vọt trong đợt Covid-19. Kể từ tháng 3/2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cơ bản 11 lần, khi đó lãi suất vay thế chấp mua nhà kỳ hạn 30 năm đạt mức cao nhất lên 7.24% vào đầu tháng 9, theo số liệu của Freddie Mac.
Một vấn đề lớn hơn là khó khăn hiện tại có thể biến thành khủng hoảng đến các hệ thống ngân hàng, khi việc tăng lãi suất đã ảnh hưởng đến các ngân hàng nhỏ trong thời gian vừa qua. Từ năm 2015 đến năm 2022, các nhà băng này đã giải ngân gấp đôi số tiền cho vay mua nhà, đạt 2.200 tỷ USD, theo Wall Street Journal. Tuy nhiên, Wall Street Journal cho rằng các ngân hàng nhỏ tiếp xúc với bất động sản thương mại lớn hơn nhiều so với những gì họ tưởng. Mọi người vẫn đang cho rằng khó khăn hiện tại trên thị trường bất động sản Mỹ không giống với cuộc khủng hoảng năm 2008.
Thị trường bất động sản trong nước chứng kiến sự ảm đạm trong thời gian qua khi nhu cầu yếu, lượng hàng tồn kho lớn, thanh khoản sụt giảm, dự án gặp ách tắc pháp lý trong thời gian dài. Có thể thấy định giá của các loại hình bất động sản như căn hộ, nhà ở, đất nền,…hiện đang quá cao so với mặt bằng chung, trong khi thu nhập của người dân rất thấp.
Ngoài ra, bối cảnh thị trường trong thời gian qua tăng trưởng khá thấp, lượng phát hành trái phiếu tăng, thanh khoản nhỏ giọt…điều này làm ảnh hưởng đến dòng tiền hoạt động của doanh nghiệp, dẫn đến nợ tăng và chất lượng tài sản bị ảnh hưởng...
Có thể thấy thị trường bất động sản dần có dấu hiệu phục hồi sau khi các chính sách được tung ra hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân như cơ cấu nợ, gói tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội nhằm đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý, góp phần tăng khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp bất động sản và cá nhân, minh chứng là tín dụng bất động sản tăng trưởng gần 19% tính hết tháng 7/2023 với hơn 150.000 tỷ đồng được bơm ra cho các dự án. Dự kiến thị trường sẽ thay đổi rõ rệt từ cuối quý 1/2024 và đầu quý 2/2024 khi các chính sách được thẩm thấu và nguồn cung trên thị trường sẽ bán ra nhiều hơn.
Kết luận: Có thể thấy ngành bất động sản đang gặp hết sức khó khăn khi sức cầu yếu, dòng tín dụng đang ra chậm hơn dự kiến do tính suy kiệt của nền kinh tế nên phải cần ít nhất trong 1-2 năm ngành bất động sản mới có thể ấm dần lên.
Chia sẻ thông tin hữu ích