Xu thế dòng tiền: Đi ngang biên độ hẹp, thị trường đang chờ thông tin hỗ trợ?
Phiên sụt giảm cực mạnh ngày 14/6 vừa qua đã không khiến thị trường tổn thương thêm trong tuần qua. VN-Index duy trì trạng thái đi ngang dao động rất hẹp và cổ phiếu phân hóa. Đây là điểm được đánh giá tích cực, trong bối cảnh thanh khoản cũng xuống thấp...
Phiên sụt giảm cực mạnh ngày 14/6 vừa qua đã không khiến thị trường tổn thương thêm trong tuần qua. VN-Index duy trì trạng thái đi ngang dao động rất hẹp và cổ phiếu phân hóa. Đây là điểm được đánh giá tích cực, trong bối cảnh thanh khoản cũng xuống thấp.
Các chuyên gia trong lần trao đổi trước mặc dù dự kiến kịch bản VN-Index có thể điều chỉnh tới khu vực khoảng 1250 điểm, nhưng diễn biến tuần qua khi chỉ số bám sát mức MA20 cũng được xem là tín hiệu lạc quan. Thị trường được nhìn nhận trong trạng thái giằng co tích lũy, củng cố thêm kịch bản thị trường sẽ khó điều chỉnh sâu.
Phù hợp với nhận định thị trường không rõ ràng, các chuyên gia cũng không thực hiện giao dịch nhiều, chủ yếu là lướt sóng các cổ phiếu có sẵn nếu có cơ hội, do mức biến động hàng ngày không đủ mạnh để chốt lời và cũng không đủ hấp dẫn để giải ngân mới. Chiến lược chung là chờ đợi quá trình tích lũy phát tín hiệu rõ ràng hơn.
Các chuyên gia cũng cho rằng thị trường sắp bước vào mùa báo cáo tài chính quý 2 khá quan trọng, nhiều cổ phiếu có triển vọng tốt. Thêm nữa cuối tuần tới sẽ có số liệu vĩ mô 6 tháng đầu năm. Đây sẽ là động lực nâng đỡ thị trường hiện tại, dù không được đánh giá cao về khả năng kích thích đột phá.
VN-Index có tuần đi ngang biên độ hẹp và bán sát mức MA20. Thị trường dường như cân bằng lại khá nhanh sau nhịp giảm mạnh phiên ngày 14/6, nhưng mức điều chỉnh cũng chưa đến ngưỡng dự kiến. Trong tuần trao đổi trước, anh chị chờ đợi các diễn biến giá và thanh khoản tuần này để củng cố đánh giá thêm. Liệu diễn biến đi ngang với mức thanh khoản trung bình khá thấp là tín hiệu thị trường mạnh mẽ, hay chỉ là bước dừng nghỉ tạm thời để điều chỉnh tiếp xuống ngưỡng mà anh chị dự kiến tuần trước?
Áp lực cung phía trên phía trên vẫn tương đối lớn khi chỉ số xuất hiện nhịp tăng intraday, tuy nhiên lực cầu bắt đáy vẫn chủ động đẩy giá trở lại khi biên độ giảm điểm mở rộng, giúp hình thành vùng hỗ trợ khá tốt tại quanh mốc 1270 điểm. Tôi cho rằng nhiều khả năng VN-Index sẽ tiếp tục sideway tạo ra vùng tích lũy để chờ đợi mạch thông tin rõ ràng hơn.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Giai đoạn tuần vừa rồi tôi thấy thị trường phân hóa rất mạnh giữa các nhóm ngành cũng như cổ phiếu cùng ngành, dòng tiền đang tăng mạnh dần ở các cổ phiếu sàn Upcom, các cổ phiếu nhỏ. Hiện VN-Index đang diễn biến trong giai đoạn “tranh tối tranh sáng” và chưa xác định được rõ xu hướng. Theo tôi giai đoạn này chúng ta nên đợi thêm các tín hiệu của thị trường để đưa ra quyết định đầu tư: Nếu VN-Index có dòng tiền mạnh bứt đỉnh 1.306 điểm thì chúng ta sẽ gia tăng tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu, còn nếu giảm dưới 1.252 điểm thì chúng ta sẽ quản trị rủi ro thật chặt.
Ông Nghiêm Sỹ Tiến – Chuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV
Thị trường đang tạo ra vùng dao động đi ngang trong ngưỡng 1270 – 129x với mặt bằng thanh khoản duy trì thấp. Dòng tiền chủ động vẫn đang tìm đến các cơ hội cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, ít có sự tập trung cục bộ và thiếu đi nhóm ngành dẫn dắt.
Diễn biến lình xình như vậy đều tạo cảm giác khó chịu cho cả các nhà đầu tư đứng ngoài và đang nắm giữ cổ phiếu, khi không cho thấy tín hiệu đủ mạnh để giải ngân hay bán chốt lời vị thế. Kể cả phiên giao dịch cơ cấu quỹ cuối tuần cũng chưa đạt được mức kỳ vọng về thanh khoản, cũng như mức điều chỉnh đủ lớn để có thể mở mua. Mặc dù vậy, vận động đi ngang của chỉ số cũng tạm thời củng cố kịch bản khó điều chỉnh sâu. Áp lực cung phía trên phía trên vẫn tương đối lớn khi chỉ số xuất hiện nhịp tăng intraday, tuy nhiên lực cầu bắt đáy vẫn chủ động đẩy giá trở lại khi biên độ giảm điểm mở rộng, giúp hình thành vùng hỗ trợ khá tốt tại quanh mốc 1270 điểm.
Do đó, tôi cho rằng nhiều khả năng VN-Index sẽ tiếp tục sideway tạo ra vùng tích lũy để chờ đợi mạch thông tin rõ ràng hơn, kết hợp các nhịp kiểm định phản ứng cung – cầu đan xen trong phiên.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Sau phiên giảm mạnh ngày 14/6, thị trường lo sợ về khả năng vượt đỉnh giả, tuy nhiên thực tế thị trường đã cho thấy không có áp lực bán tháo, khi diễn biến trong tuần qua chỉ là giảm nhẹ đầu tuần rồi thiên về giằng co sau khi về vùng hỗ trợ 1250-1270 điểm. Ở giai đoạn này, về góc độ phân tích kỹ thuật, xu hướng VN-Index chưa thực sự rõ ràng, tuy nhiên nhìn VN30 sẽ thấy được rõ hơn khi chỉ số đã có tín hiệu rũ bỏ MA20 rồi bật tăng trở lại, phiên cuối tuần không chịu áp lực bán mạnh. Với tín hiệu này, tôi cho rằng khả năng VN30 đã tạo đáy nhịp chỉnh và sẽ quay lại dẫn dắt VN-Index tăng điểm. Kỳ vọng các chỉ số sẽ có diễn biến tích cực hơn trong tuần này.
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS
Theo tôi thị trường chỉ đang trong giai đoạn tích lũy và đợi chờ những thông tin đủ mạnh hỗ trợ cho đà bứt phá. VN-Index tích lũy cả tuần qua nhưng vẫn bám quanh vùng 1,280 +/- điểm. Khả năng có phiên giao dịch tích cực hơn sẽ diễn ra trong tuần tới để VN-Index có thể dao động một lần nữa tại khu vực 1,290 – 1,300 điểm.
Bà Hồ Nguyễn Thuỷ Tiên - Giám đốc Khách hàng Cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt
Sau phiên ngày 14/6, thị trường diễn biến tuần qua gần như là đi ngang trong biên độ hẹp, chốt cuối tuần tại 1282.02 điểm, nhích nhẹ so với mức 1279.91 điểm của cuối tuần trước. Diễn biến đi ngang này cho thấy thị trường đang trong giai đoạn cân bằng lại sau nhịp giảm mạnh phiên ngày 14/6. Mức thanh khoản trung bình khá thể hiện nhà đầu tư vẫn thận trọng, nhưng vẫn có dòng tiền tham gia thị trường. Nhóm cổ phiếu VN30 có diễn biến tích cực hơn thị trường chung cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào các doanh nghiệp lớn vẫn còn duy trì.
Việc khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng trong tuần qua là một tín hiệu không mấy tích cực cho thị trường. Tuy nhiên, chỉ số vẫn đang bám sát MA20, với thanh khoản thị trường ở mức trung bình thấp, cho thấy áp lực cung vẫn chưa ở mức quá cao. Khả năng thị trường trong tuần tới vẫn sẽ bám sát biên độ quanh 1260-1300. Nhà đầu tư nên tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường và thận trọng trong việc giải ngân. Có thể tập trung đầu tư vào các cổ phiếu có cơ bản tốt và tiềm năng tăng trưởng dài hạn. Nên ưu tiên giao dịch ngắn hạn và có kế hoạch quản lý rủi ro hợp lý.
Hiện thị trường cũng đã đi gần hết tháng 6, là thời điểm số liệu kết quả kinh doanh quý 2/2024 có thể ước đoán được. Anh chị quan tâm tới các cổ phiếu/nhóm cổ phiếu nào?
Ông Nghiêm Sỹ Tiến – Chuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV
Các nhóm cổ phiếu liên quan đến lĩnh vực sản xuất, công nghiệp dự kiến sẽ có kết quả kinh doanh đáng để chờ đợi trong Quý 2 như Thép, Dệt may, Cảng biển, Vận tải biển và Hàng không.
Theo tôi thị trường chỉ đang trong giai đoạn tích lũy và đợi chờ những thông tin đủ mạnh hỗ trợ cho đà bứt phá.
Ông Lê Đức Khánh
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Hầu hết các ngành đều được kỳ vọng hồi phục về kết quả kinh doanh trong năm nay, phần nào vì mức nền thấp của cùng kỳ. Một số ngành tôi kỳ vọng về sự hồi phục mạnh mẽ hồi đầu năm đã có những diễn biến rất tích cực trong con số lợi nhuận Quý 1 cũng như về diễn biến giá cổ phiếu, điển hình như nhóm dệt may, sắt thép, chứng khoán hay bán lẻ, hàng không. Kết quả kinh doanh quý 2/2024 toàn thị trường vẫn dự báo khá tích cực, trong đó tôi khá kỳ vọng vào nhóm cổ phiếu bất động sản Khu công nghiệp, nhóm ngân hàng và nhóm cổ phiếu xuất khẩu.
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS
Với tôi tất nhiên là nhóm cổ phiếu công nghệ viễn thông, hóa chất, dầu khí, thép, cảng biển là những nhóm cổ phiếu đáng quan tâm hơn cả.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Quý 2 tôi tiếp tục chú ý đến những nhóm ngành có mức nền kết quả kinh doanh quý 2/2023 thấp cũng như có các yếu tố ủng hộ giúp hoạt động kinh doanh quý 2 đạt kết quả tốt như: nhóm cổ phiếu ngành bán lẻ (hưởng lợi từ chính sách giảm thuế VAT kích thích tiêu dùng), ngành thép (sản lượng tiêu thụ tăng trưởng tốt kèm theo chính sách chống bán phá giá thép giúp ngành thép tiếp tục đà tăng trưởng quý 2), ngành dệt may (sự hồi phục đơn hàng từ nhiều thị trường lớn).
Bà Hồ Nguyễn Thuỷ Tiên - Giám đốc Khách hàng Cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt
Nhà đầu tư có thể quan tâm đến các cổ phiếu thuộc các ngành:
i)Ngành tiêu dùng, bán lẻ, hàng không: Nhờ nhu cầu tiêu dùng tăng cao, các doanh nghiệp bán lẻ có thể có kết quả kinh doanh tốt trong quý 2. Một số cổ phiếu tiêu biểu như: FPT, MWG, HVN, PNJ, SCS, HAX.
ii)Ngành bất động sản và Bất động sản khu công nghiệp: Kỳ vọng về Luật sửa đổi, bổ sung các Luật: Đất đai, nhà ở, Kinh doanh bất động sản từ 1/8/2024 thì sẽ giải quyết được nhiều điểm nghẽn, khơi thông tín dụng và khả năng kinh doanh của các dự án được cải thiện. Thị trường bất động sản đang dần hồi phục, một số doanh nghiệp bất động sản có tiềm năng tăng trưởng tốt trong quý 2. Một số cổ phiếu tiêu biểu như: TCH, KDH, LHG.
ii)Ngành thép: Nhờ triển vọng đầu tư công và triển vọng kinh tế quý 2 khả quan, sản lượng thép sẽ duy trì ở mức cao trong các quý còn lại của năm 2024, lợi nhuận của ngành thép có thể phục hồi tốt từ quý 3, như HPG, GDA, HSG.
iii)Ngành thủy sản: Theo Báo cáo triển vọng lương thực vào tháng 6/2024 của FAO, thủy sản được kỳ vọng tốt nhờ xu hướng tiêu thụ tăng dần. Ngành cá tra có sự tăng trưởng trong 5 tháng đầu năm nhờ sản lượng tăng cao, và giá bán cũng đã tăng dần kể từ đầu năm nhờ sự tăng giá bán tại thị trường Mỹ.
iv)Ngành dược: Từ đầu năm 2024, Luật Đấu thầu quy định về việc sử dụng thuốc nội địa khi có 3 nhà sản xuất trong nước đáp ứng được tiêu chí kỹ thuật bắt đầu có hiệu lực. Trong đó có IMP sở hữu 12/93 thuốc được Bộ Y Tế đưa vào danh mục thuốc đấu thầu, giúp công ty tham gia đấu thầu rộng rãi hơn trên kênh ETC.
Thị trường đang trong giai đoạn khá trống vắng thông tin cụ thể, diễn biến tỷ giá, giá vàng, lãi suất hầu như không còn được quan tâm nhiều. Theo anh chị liệu yếu tố thông tin nào có thể là cú hích đủ mạnh để thị trường quay lại xu hướng tăng? Kết quả kinh doanh quý 2 có thể giúp thị trường bước vào sóng tăng mới trong tháng 7 và vượt đỉnh hay không?
Kết quả kinh doanh quý 2 cần được phân tích chi tiết theo từng ngành, từng doanh nghiệp để có đánh giá chính xác. Doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt nhưng định giá cao hoặc triển vọng tương lai không rõ ràng có thể không thu hút nhà đầu tư.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Tôi cho rằng các nhà đầu tư hiện tại đang chờ đợi các thông tin về kết quả kinh doanh quý 2 để có thể “xuống tiền” đầu tư. Thực tế, xu hướng bán ròng mạnh mẽ của khối ngoại vẫn đang là lực cản khiến cho VN-Index gặp khó tại các ngưỡng tâm lý 1.300 điểm, trong khi thiếu vắng các thông tin tích cực hỗ trợ thị trường. Ngoài mạch thông tin về lợi nhuận Quý 2, một trong những mạch thông tin mà tôi kỳ vọng có thể giúp thị trường bước vào sóng tăng mới là số liệu kinh tế 6 tháng đầu năm của Việt Nam với kỳ vọng tiếp tục cải thiện và việc Mỹ xem xét công nhận Việt Nam là “nền kinh tế thị trường” - giúp mở ra cơ hội cho thương mại nước ta. Thêm vào đó, tôi cũng kỳ vọng trong thời gian tới sẽ có thêm thông tin về việc gỡ vướng nút thắt “Pre-funding” khi cơ quan quản lý đang rất nỗ lực trong vấn đề này - Đây sẽ là tiền đề cho việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, điều mà tất cả các nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài đều đang chờ đợi.
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Giai đoạn hiện tại theo tôi chỉ có yếu tố kinh doanh quý 2 mới là động lực mạnh giúp thị trường bước vào giai đoạn tăng giá. Hiện tôi đánh giá kết quả kinh doanh dòng Ngân hàng và Bất động sản khó có tăng trưởng đột biến nên 2 ngành này khá khó là dòng dẫn chỉ số. Các ngành có dự đoán kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt thì chưa đủ để kéo thị trường tăng mạnh dứt khoát nên theo tôi kết quả kinh doanh quý 2 có thể giúp thị trường vượt đỉnh nhưng không mạnh mẽ và trạng thái phân hóa của thị trường vẫn sẽ diễn ra.
Bà Hồ Nguyễn Thuỷ Tiên - Giám đốc Khách hàng Cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt
Những yếu tố vĩ mô trong và ngoài nước vẫn là những nhân tố xúc tác chính trên thị trường. Dữ liệu vĩ mô ghi nhận sự tích cực về sản xuất và tiêu dùng, củng cố cho sự tăng trưởng GPD tích cực. Tâm điểm thị trường thời gian tới sẽ hướng về quyết định lãi suất của NHTW bao gồm BoC, ECB và BoE.
Về kết quả kinh doanh quý 2/2024, tôi nghĩ đây là yếu tố khá quan trọng ảnh hưởng đến thị trường trong ngắn hạn. Kết quả kinh doanh quý 2 tích cực của các doanh nghiệp niêm yết có thể giúp củng cố niềm tin nhà đầu tư, thúc đẩy đà tăng của thị trường. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh quý 2 cần được phân tích chi tiết theo từng ngành, từng doanh nghiệp để có đánh giá chính xác. Doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt nhưng định giá cao hoặc triển vọng tương lai không rõ ràng có thể không thu hút nhà đầu tư.
Tôi kỳ vọng có thêm thông tin về việc gỡ vướng nút thắt “Pre-funding” khi cơ quan quản lý đang rất nỗ lực trong vấn đề này - Đây sẽ là tiền đề cho việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, điều mà tất cả các nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài đều đang chờ đợi.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên
Ông Nghiêm Sỹ Tiến – Chuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV
Kết quả kinh doanh Quý 2 là thông tin rất đáng để mong chờ trong thời gian tới khi các dữ liệu sẽ hé lộ liệu các doanh nghiệp niêm yết có hồi phục/tăng trưởng đúng như kỳ vọng hay không. Toàn thị trường đã trải qua giai đoạn phản ánh sớm triển vọng hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm nay và một số cổ phiếu các nhóm ngành đã có bước chạy đà trước tương đối tích cực. Do đó, nhiều khả năng khi báo cáo nửa năm được công bố, thị trường sẽ tạo ra sự phân hóa rõ ràng hơn và không loại trừ kịch bản có sóng ngành mới dẫn dắt chỉ số vượt đỉnh.
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS
Tôi đang chờ số liệu tăng trưởng GDP ước tính quý 2/2024, tỷ giá ổn định, số liệu lợi nhuận quý 2 có thể có những con số dự báo tuần giao dịch cuối tháng, số liệu xuất nhập khẩu, FDI với nhiều thông tin vĩ mô, tin tức doanh nghiệp sẽ là một cú hích cho đà “bứt phá” của thị trường cuối tháng 6 và tháng 7. Câu chuyện vượt đỉnh của thị trường chỉ là vấn đề về thời gian chậm nhất trong quý 3/2024.
Thanh khoản khớp lệnh trung bình tuần qua giảm khoảng 13% so với tuần trước ngay cả khi có phiên cuối tuần có giao dịch tái cơ cấu. Thị trường cân bằng như vậy có yếu tố giảm bán khá rõ nét. Tuần trước anh chị chờ nhịp giảm để mua, nhưng mức điều chỉnh tuần này không nhiều. Vậy anh chị đã tăng tỷ trọng cổ phiếu trở lại hay chưa, hay vẫn chờ giá điều chỉnh thêm?
Ông Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội
Hiện thị trường đang trong giai đoạn giằng co và chưa rõ xu hướng cũng như thị trường đang phân hóa rất mạnh do vậy giai đoạn hiện tại tôi chỉ thiên về lướt sóng trên cổ phiếu sẵn có và chờ đợi thêm tín hiệu thị trường để hành động.
Hiện VN-Index đang diễn biến trong giai đoạn “tranh tối tranh sáng” và chưa xác định được rõ xu hướng. Chúng ta nên đợi thêm các tín hiệu của thị trường để đưa ra quyết định: Nếu VN-Index có dòng tiền mạnh bứt đỉnh 1.306 điểm thì chúng ta sẽ gia tăng tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu, còn nếu giảm dưới 1.252 điểm thì chúng ta sẽ quản trị rủi ro thật chặt.
Ông Nguyễn Việt Quang
Ông Nghiêm Sỹ Tiến – Chuyên viên chiến lược đầu tư, Chứng khoán KBSV
Điểm tích cực trong tuần vừa rồi có lẽ là áp lực cung đã phần nào giảm bớt so với tuần trước. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi VN-Index chưa có các nhịp kiểm định lực cầu quá rõ ràng. Thị trường cần thêm những phiên ép cung biên độ rộng hơn để thử thách tâm lý của nhà đầu tư. Vì vậy, cơ hội để mua mới thời điểm này chưa hấp dẫn đối với các nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cân bằng như tôi.
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phân tích, Chứng khoán VPS
Thị trường hiện nay có nhiều cơ hội cho việc giao dịch ngắn hạn cũng như việc mua vào cổ phiếu. Theo tôi tỷ trọng cổ phiếu cao cũng nên được điều chỉnh co gọn và cũng được tái cơ cấu danh mục cuối tuần. Cơ hội vẫn còn nhiều cho tuần giao dịch tới khi khả năng bật lên cũng như sự phân hóa lan sang nhiều cổ phiếu cơ bản.
Bà Hồ Nguyễn Thuỷ Tiên - Giám đốc Khách hàng Cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt
Thị trường đang trong giai đoạn thanh khoản thấp và có xu hướng điều chỉnh nhẹ. Việc thanh khoản khớp lệnh trung bình tuần qua giảm 13% so với tuần trước cho thấy tâm lý nhà đầu tư thận trọng và giao dịch giảm sút. Tuy nhiên, mức điều chỉnh trong tuần qua tương đối nhẹ, chỉ khoảng 1%, cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư trong lúc này. Tôi vẫn duy trì tỷ trọng cổ phiếu cho mục tiêu đầu tư trung và dài hạn. Chỉ canh nhịp điều chỉnh để nâng tỷ trọng cổ phiếu và có thể đảo hàng ở những phiên biến động có biên độ khá.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng
Diễn biến điều chỉnh nhẹ trong tuần qua phù hợp với kỳ vọng về kịch bản tích cực của tôi, đặc biệt sau phiên “rút chân” hôm 19/6 khi về vùng hỗ trợ 1250-1270, cho dấu hiệu cầu vào. Tôi kỳ vọng đây có thể là tín hiệu tạo đáy nhịp chỉnh nên đã mua thăm dò một phần trở lại, và sẽ chờ một phiên tăng tốt xác nhận để gia tăng thêm tỷ trọng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận