Vừa đón tin vui, cổ phiếu thép lại quay đầu giảm sốc vì nguy cơ gặp bất lợi tại thị trường EU
Cổ phiếu ngành thép đảo chiều giảm mạnh trong phiên giao dịch hôm nay dù trước đó đồng loạt tăng nhờ thông tin Việt Nam vừa khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép cán nóng HRC Trung Quốc và Ấn Độ.
Thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương, ngày 30/7/2024, cơ quan này nhận được thông tin về việc Ủy ban Châu Âu (EC) đã nhận được Hồ sơ đầy đủ hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng không hợp kim hoặc hợp kim nhập khẩu từ Việt Nam.
Trong trường hợp khởi xướng điều tra vụ việc, EC sẽ gửi các bên liên quan các tài liệu gồm đơn yêu cầu, quyết định khởi xướng điều tra và bản câu hỏi điều tra.
Phía EC yêu cầu cung cấp danh sách đầy đủ về địa chỉ, người liên hệ, email của nhà xuất khẩu thép trong đơn khiếu nại, chậm nhất ngày 5/8/2024.
Trước thông báo trên, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm bị yêu cầu điều tra theo dõi vụ việc và có phương án ứng phó phù hợp.
Phản ứng với thông tin bất lợi này, cổ phiếu ngành thép đảo chiều giảm mạnh trong phiên giao dịch hôm nay dù trước đó đồng loạt tăng nhờ thông tin Việt Nam vừa khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép cán nóng HRC Trung Quốc và Ấn Độ.
Cụ thể, HPG sau khi tăng được 2 phiên quay đầu giảm ngay 2 phiên sau đó, phiên nay giảm thêm 2,2%; HSG giảm 4,4%; NKG giảm 3,4%; TVN giảm 7%; TDS giảm 1,4%; VGS giảm 4,9%; TLH kịch sàn.
Thép HRC là nguyên liệu thượng nguồn sản xuất các sản phẩm tôn thép mạ kẽm, mạ lạnh, mạ màu, ống thép, các sản phẩm thép khác được sử dụng trong nhiều ứng dụng của ngành xây dựng, cơ khí và các ngành công nghiệp khác. Tuy nhiên, đầu tư sản xuất loại thép này không dễ. Hiện Việt Nam có 2 doanh nghiệp là Hòa Phát và Formosa sản xuất thép HCR với tổng mức đầu tư lên đến hàng tỷ USD.
Sản lượng thép cuộn cán nóng quý 2/2024 giảm 10% so với quý 1/2024 đến từ những khó khăn trong tiêu thụ tại cả thị trường nội địa và xuất khẩu.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 6/2024, Việt Nam nhập khẩu 886.000 tấn thép cuộn cán nóng (HCR), bằng 151% sản xuất trong nước, trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 77%.
Tính chung 6 tháng năm 2024, sản lượng thép HRC nhập khẩu lên đến gần 6 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023. Lượng nhập khẩu này bằng 173% so với sản xuất trong nước. Trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 74%, còn lại là từ Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và các quốc gia khác.
Kim ngạch nhập khẩu thép HRC 6 tháng năm 2024 đạt 3,46 tỷ USD, riêng Trung Quốc chiếm 2,5 tỷ USD. Sản phẩm thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc có giá bình quân 560 USD/tấn, thấp hơn các quốc gia khác 45 - 108 USD/tấn.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, nhu cầu thép HRC tại Việt Nam khoảng 12-13 triệu tấn/năm. Công suất của các nhà máy sản xuất thép HRC trong nước hiện khoảng 9 triệu tấn. Việc thép nhập khẩu ồ ạt tràn vào Việt Nam, sản lượng nhập khẩu có thời điểm gần 200% sản xuất trong nước khiến thị phần bán hàng thép HCR của doanh nghiệp mất vào tay hàng nhập khẩu. Thị phần bán hàng thép HRC của doanh nghiệp trong nước như Hòa Phát và Formosa giảm từ mức 42% năm 2021 xuống 30% vào 2023.
Như vậy, ngành thép đang gặp khó khăn khi vừa chịu áp lực từ thép cuộn cán nóng nhập khẩu tràn lan từ Trung Quốc, vừa chịu áp lực điều tra chống bán phá giá tại thị trường EC.
Mặc dù vậy, nhận định về triển vọng ngành thép, Chứng khoán VnDirect cho kỳ vọng nhu cầu trong nước sẽ phục hồi nhờ thị trường bất động sản sẽ tiếp tục cải thiện trên cơ sở môi trường lãi suất cho vay hấp dẫn hơn kích thích nhu cầu mua nhà ở; và nguồn cung nhà ở gia tăng, nhờ việc triển khai Luật Đất đai sửa đổi 2024 nhằm giải quyết các hạn chế nguồn cung hiện tại như pháp lý dự án, bồi thường sử dụng đất.
Các công ty đang mở rộng năng lực sản xuất với mục tiêu định vị lại sản phẩm nhằm đón đầu chu kỳ mới của ngành thép và đáp ứng nhu cầu sản xuất công nghiệp ô tô, cơ khí và thiết bị điện tử, phù hợp với định hướng phát triển của Chính phủ.
Đồng quan điểm, KBSV kỳ vọng tiêu thụ nội địa gia tăng mạnh mẽ hơn trong nửa cuối 2024 nhờ sự hồi phục của ngành Bất động sản nội địa, với số lượng dự án mới được cấp phép gia tăng và Luật Bất động sản sửa đổi bắt đầu có hiệu lực từ 01/08/2024. Bên cạnh đó, giá trị tồn kho nguyên vật liệu của các doanh nghiệp thép niêm yết có xu hướng tăng từ 3Q2023 tới nay phản ánh sự tự tin về triển vọng sản lượng tiêu thụ hồi phục trong thời gian tới.
Đối với giá thép nội địa tại Việt Nam, KBSV cho rằng nhu cầu hồi phục sẽ giúp giá thép cân bằng và kỳ vọng có thể cải thiện nhẹ trong 2H2024. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào giảm sẽ giúp các doanh nghiệp thép cải thiện biên lãi gộp trong thời gian tới.
Theo KBSV, mức định giá hiện tại đã phản ánh triển vọng kết quả kinh doanh toàn ngành hồi phục trong 2024. triển vọng tăng trưởng của ngành thép trong giai đoạn 2025-2027 ở mức tích cực nhờ nhu cầu nội địa hồi phục từ 2H2024 trở đi, nhà máy mới đi vào hoạt động, bắt đầu chu kỳ giá thép mới khi thị trường Bất động sản Trung Quốc dần hồi phục chậm từ 2025 trở đi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận