24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Bích Lê
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Vài tỷ USD nằm chờ, bất động sản, chứng khoán nổi sóng, VN-Index vượt 1.200 điểm

​​​​​​​Thị trường chứng khoán được dự báo sôi động vào cuối năm 2023.

Thị trường chứng khoán tăng mạnh trở lại và vượt ngưỡng 1.200 điểm với hàng loạt mã cổ phiếu chủ chốt như ngân hàng, bất động sản và chứng khoán bứt phá. Vài tỷ USD nằm chờ được giải ngân.

Chinh phục thành công mốc 1.200 điểm

Thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) đã có một phiên trước kỳ nghỉ lễ mùng 2/9 bứt phá ấn tượng và chinh phục thành công mốc 1.200 điểm với số mã tăng áp đảo, dòng tiền lan toả hầu hết các nhóm ngành.

Kết thúc phiên giao dịch 28/8, chỉ số VN-Index tăng 18,35 điểm (tương đương tăng 1,55%) lên 1.201,72 điểm với gần như tất cả các mã cổ phiếu chủ chốt tăng điểm, nổi bật là nhóm ngân hàng và bất động sản.

Thanh khoản đạt 22.000 tỷ đồng trên 3 sàn. Đây là một mức khá cao trước thời điểm nghỉ lễ kéo dài. Sức ép bán ra không mạnh, trong khi lực cầu lớn. Phía bán có dấu hiệu là dòng tiền đầu cơ ngắn hạn, trong khi dòng tiền lớn vẫn ở lại thị trường, thậm chí một lượng tiền lớn lên tới lên tới hơn 61.000 tỷ đồng đang nằm trong các tài khoản, sẵn sàng vào thị trường bất cứ lúc nào.

Trong phiên giao dịch 28/8, có 28 trong tổng cộng 30 cổ phiếu trụ cột thuộc nhóm VN30 tăng giá, 2 mã còn lại đứng ở mức tham chiếu.

Nhiều mã tăng giá khá mạnh và thu hút sự quan tâm của khối ngoại như Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Vinamilk (VNM) của bà Mai Kiều Liên. Cổ phiếu Vingroup tăng 1.200 đồng lên 64.700 đồng/cp, trong khi Vinamilk tăng 3.000 đồng lên 77.900 đồng/cp. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng VinFast có thể duy trì được mức vốn hóa khủng (cả trăm tỷ USD) trên sàn Nasdaq và đây là khởi đầu của một huyền thoại xe điện mới.

Vinhomes (VHM) và Vincom Retail (VRE) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng tăng giá khá mạnh thêm tương ứng 600 đồng và 1.050 đồng lên 54.700 đồng/cp và 29.750 đồng/cp.

Cổ phiếu Tập đoàn FPT tăng tới 3.400 đồng/cp, lên đỉnh cao lịch sử mới: 94.000 đồng/cp (giá điều chỉnh). Điều này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp này có vốn hóa đạt 119.400 tỷ đồng (tương đương hơn 4,9 tỷ USD). Đây là cổ phiếu công nghệ hiếm hoi trên sàn chứng khoán Việt Nam vừa lập đỉnh lịch sử mới. So với 10 năm trước đây, cổ phiếu FPT đã tăng gấp 13 lần. FPT được xem là một doanh nghiệp hưởng lợi nhờ xu hướng chuyển đổi số toàn cầu, bất chấp kinh tế thế giới suy yếu.

Cổ phiếu dầu khí PV GAS (GAS) và Petrolimex (PLX) cũng tăng mạnh. Ông lớn ngành thép Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long tăng 900 đồng lên 26.850 đồng/cp. Nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt tăng nhẹ.

Trước đó, việc hoãn thi hành một số điểm theo Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước (về kiểm soát chất lượng tín dụng) được cho là có tác động tích cực tới TTCK.

Nhóm cổ phiếu bán lẻ cũng tăng khá ấn tượng. Thế giới Di động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài tăng 1.200 đồng lên 51.700 đồng/cp. Masan (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang tăng 1.000 đồng lên 80.700 đồng/cp.

Sức cầu tiêu dùng tại Việt Nam có xu hướng tăng trở lại. MWG báo doanh thu tháng 7 hồi phục, tăng 5% so với tháng trước, lên 9.900 tỷ đồng. Central Retail của Thái Lan thu về 17.000 tỷ đồng tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2023. Ông lớn bán lẻ Thái đang sở hữu chuỗi bán lẻ GO!, Nguyễn Kim, Tops Market, Lanchi Mart…

Dòng tiền tỷ USD chờ đổ vào chứng khoán

Theo VNDirect, tại 30 công ty chứng khoán top đầu, tới cuối quý II/2023 có khoảng 61.000 tỷ đồng tiền của nhà đầu tư sẵn sàng có thể mua cổ phiếu.

Con số này có thể còn gia tăng khi mà lãi suất tiền gửi ngân hàng tiếp tục giảm xuống và tín dụng tăng trưởng ở mức thấp, thậm chí suy giảm trong tháng 7.

Trước đó, thị trường có dấu hiệu chùng lại sau phiên giảm sốc 55 điểm hôm 18/8. Tuy nhiên, thị trường gần đây có tín hiệu ổn định trở lại. Dòng tiền chảy vào khá đều đặn, ở mức khoảng 20.000 tỷ đồng/phiên. Trong khi đó, sức ép bán ra giảm rõ rệt như trong phiên hôm nay 28/8.

Dòng tiền vào chứng khoán vẫn khá ổn định trong bối cảnh lãi suất ngân hàng liên tục giảm trong nhiều tháng qua. Lãi suất dưới 6 tháng đã về mức 4%/năm, trong khi lãi suất kỳ hạn một năm cũng chỉ quanh mức 6%. Trong khi đó, các kênh đầu tư khác vẫn khá kém hấp dẫn. Thị trường bất động sản còn trầm lắng, giá vàng biến động không nhiều.

Ông Michael Kokalari - Giám đốc phòng phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường, VinaCapital - cho rằng chứng khoán Việt đang có nhiều thông tin hỗ trợ. Theo đó, kỳ vọng xuất khẩu phục hồi sẽ thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết, tăng từ 6% trong 2023 lên hơn 20% trong 2024.

Theo nhiều chuyên gia, đây là thời điểm rất phù hợp để tích luỹ cổ phiếu để chờ nhịp tăng bùng nổ có thể diễn ra vào cuối năm 2023.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Chứng khoán VnDirect cho rằng, việc hoãn thi hành một số điểm của Thông tư 06 có tác động tích cực tới diễn biến của nhóm cổ phiếu trụ cột thị trường ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, qua đó giúp chặn đà giảm của TTCK.

Nhóm cổ phiếu bất động sản được hưởng lợi từ việc trì hoãn Thông tư 06, giúp các doanh nghiệp bất động sản dễ tiếp cận nguồn vốn tín dụng hơn.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng giao dịch tích cực khi thị trường đón nhận những tiến triển mới liên quan tới việc triển khai hệ thống giao dịch mới do Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc (KRX) phát triển. Dự kiến hệ thống KRX sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2023.

Theo VNDirect, khi hệ thống KRX đi vào vận hành có thể giúp nâng cao năng lực thanh khoản lên tới 4 tỷ USD/phiên. Hệ thống mới sẽ giảm thời gian thanh toán từ T+2,5 như hiện nay xuống, từ đó có thể thúc đẩy tỷ lệ quay vòng vốn. Nó cũng giúp giải quyết các vấn đề cần thiết để được nâng cấp lên thị trường mới nổi.

VnDirect cũng đánh giá dòng tiền đã dịch chuyển từ tiết kiệm ngân hàng sang các kênh tài sản khác, bao gồm TTCK.

Tuy nhiên, sau một nhịp giảm điểm khá mạnh hôm 18/8, tâm lý của nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn. Giới đầu tư cũng nghe ngóng những tín hiệu từ tỷ giá USD/VND. Đồng USD vẫn có xu hướng đi lên. Tại Vietcombank, hôm 28/8 giá USD bán ra đã lên mức 24.200 đồng/cp, vẫn còn thấp hơn khá nhiều so với mức 24.888 đồng/USD hôm 25/10/2022. Nhưng nếu USD còn gia tăng tiếp, giới đầu tư trong và ngoài nước có thể hạ tỷ trọng cổ phiếu.

Dù TTCK có nhiều thông tin hỗ trợ về ngắn hạn, nhưng trong trung và dài hạn các yếu tố vĩ mô quốc tế có thể ảnh hưởng tới cổ phiếu Việt. Theo đó, kinh tế Mỹ vẫn có thể suy thoái và điều này nếu có xảy ra, được một số tổ chức dự báo, sẽ rơi vào năm 2024. Nền kinh tế Trung Quốc cũng đang đối mặt với rủi ro suy thoái. Nước này đang đưa ra nhiều giải pháp để ổn định lại thị trường bất động sản và chứng khoán. Dù vậy, khả năng suy thoái của Trung Quốc được dự báo chưa thể xảy ra trong ngắn hạn. Hiện tại, dòng tiền vẫn sẵn sàng vào chứng khoán nếu tỷ giá USD/VND ổn định.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
133.90 +0.90 (+0.68%)
69.20 +1.00 (+1.47%)
39.15 +0.10 (+0.26%)
40.45 +0.10 (+0.25%)
64.30 +0.40 (+0.63%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả